Siết chặt hoàn thuế với doanh nghiệp báo lỗ
Doanh nghiệp (DN) khai báo số lỗ vượt quá vốn điều lệ sẽ được kiểm tra sau hoàn thuế ngay khi có quyết định hoàn thuế.
Đây là yêu cầu mới của Bộ Tài chính với cơ quan thuế trong việc xử lý hồ sơ hoàn thuế thuộc diện “hậu kiểm” của DN phát sinh lỗ liên tục, số lỗ vượt qua vốn điều lệ khi hồ sơ hoàn thuế của những DN này tăng mạnh. Hơn thế, trong đợt kiểm tra 127 đơn vị khai báo lỗ liên tục trong 3 năm gần đây, cơ quan thuế đã phát hiện các DN này kê khai lỗ không đúng với số tiền lên đến 1.450 tỷ đồng.
Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan thuế phải xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời thu hồi ngay số thuế đã hoàn nếu phát hiện DN vi phạm pháp luật về thuế.
Cụ thể, trong quá trình giải quyết hồ sơ thuộc diện này, nếu cơ quan thuế xác định có nội dung chưa rõ liên quan đến số thuế được hoàn thì yêu cầu DN giải trình, bổ sung tài liệu. Trường hợp doanh nghiệp không giải trình được theo yêu cầu, cơ quan thuế làm thủ tục chuyển hồ sơ sang diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau.
Với trường hợp kiểm tra trước khi hoàn thuế, nếu xác định DN có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, cơ quan thuế dừng giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho đến khi có kết luận thanh tra. Đây cũng là cách xử lý với các trường hợp doanh nghiệp trong kế hoạch thanh tra của cơ quan thuế, DN đang có đơn khiếu nại, tố cáo hoặc nhận được yêu cầu phải thanh tra của thủ trưởng cơ quan thuế các cấp hoặc của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Trong quá trình quản lý thuế, nếu cơ quan thuế phát hiện DN không đủ điều kiện hoạt động theo nội dung trên giấy phép kinh doanh, giấy phép đầu tư, cơ quan thuế sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý vi phạm, bao gồm cả thu hồi giấy phép nếu cần.
Đặc biệt, với DN có hoạt động mua - bán với công ty mẹ/công ty liên kết không theo giá thị trường, Bộ Tài chính yêu cầu cơ quan thuế làm rõ căn cứ xác định giá thị trường làm cơ sở xác định số thuế giá trị gia tăng đầu ra, thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ để hoàn thuế theo quy định.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, việc thanh tra, kiểm tra trước hoặc sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN, đặc biệt là khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là một cách hạn chế tình trạng chuyển giá, chống thất thu cho ngân sách và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các DN. “Tuy nhiên, đây là công việc phức tạp vì việc xác định giá trị thiết bị, nguyên nhiên vật liệu do công ty mẹ (ở nước ngoài) bán cho công ty con (tại Việt Nam) hoặc sản phẩm do công ty con bán cho công ty mẹ/công ty con khác tại nước thứ ba bắt buộc phải căn cứ vào hoá đơn, chứng từ kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới chứ không được áp giá tối thiểu để xác định thu nhập chịu thuế như trước đây”, Bộ trưởng Ninh phân tích.
Đặc biệt, Bộ trưởng cũng thông tin sẽ chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan tiến hành thanh tra toàn diện đối với DN FDI. Một nội dung của đợt thanh tra này là kiểm tra, đối chiếu hoá đơn, chứng từ mua - bán của DN và đối chiếu với giá của hàng hoá cùng loại trên thị trường thế giới trên cơ sở tham vấn giá.
“Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Ngoại giao đề nghị chỉ đạo cơ quan thương vụ, cơ quan tham tán và đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài hợp tác với cơ quan thuế trong việc cung cấp thông tin có liên quan đến giá cả hàng hoá, dịch vụ tại nước ngoài. Các thông tin này là cơ sở để xác định đúng giá thị trường trong giao dịch liên kết”, ông Ninh nói và khẳng định cùng với việc thắt chặt hoàn thuế giá trị gia tăng đối với DN khai báo lỗ liên tục, việc xác định chính xác giá thị trường sẽ góp phần quan trọng trong việc chống chuyển giá, gian lận thuế.
Theo số liệu quyết toán thuế năm 2009 đối với 1.358 doanh nghiệp FDI của Cục thuế TP.HCM thì có tới 56% số đơn kê khai thua lỗ. Điều đáng nói là phần lớn các DN này đều có công ty mẹ tại nước ngoài, xuất khẩu tới 99% sản phẩm và dù có số lỗ luỹ kế gấp nhiều lần vốn đăng ký nhưng vẫn mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Hàn Tín
đầu tư
|