Thu nhập không theo kịp thuế: Phải tính chuyện sửa luật
Ông Cao Sỹ Kiêm - ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN - cho rằng với những bất hợp lý của Luật thuế thu nhập cá nhân, cần phải tính đến chuyện sửa luật.
Ông Kiêm nói:
- Nếu trong điều kiện bình thường, chỉ số CPI khoảng 5% thì mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân hiện hành có thể vẫn còn tính hợp lý. Tuy nhiên, năm nay CPI đã ở mức 11,75%, cao so với thế giới và với chúng ta cũng cao, chỉ sau 1-2 năm có mức tăng mạnh từ 1997 trở lại đây.
Hiện nay nhu cầu cuộc sống tăng lên, người dân có nhiều yêu cầu thiết yếu mới đòi hỏi mức thu nhập phải cao hơn mới đảm bảo cuộc sống bình thường. Vì vậy theo tôi, các chính sách, trong đó có chính sách thuế thu nhập cá nhân, đang ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, chuyện làm ăn, kinh doanh cũng nên tính toán thay đổi cho phù hợp.
* Quan điểm cho rằng trượt giá, Nhà nước đã tăng lương rồi nên không giảm thuế, theo ông có đúng không?
- Trước đây chúng ta tăng lương vẫn đảm bảo cao hơn mức trượt giá. Nhưng hiện nay mức tăng giá đã cao hơn tăng lương. Đấy là vấn đề trong kỳ họp sắp tới của Quốc hội, tôi và chắc sẽ có nhiều đại biểu quan tâm. Cử tri trong các kỳ tiếp xúc cử tri tới có lẽ cũng sẽ yêu cầu đại biểu phải quan tâm nghiêm túc đến điều này.
Theo tôi, trong luật đáng ra ban soạn thảo cần làm rõ nếu lạm phát lên mức bao nhiêu, do đời sống của người dân bị ảnh hưởng thì phải thay đổi mức giảm trừ cho bản thân cũng như mức giảm trừ người phụ thuộc để giảm mức đóng góp cho dân. Hiện nay mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế là 4 triệu đồng và giảm trừ gia cảnh 1,6 triệu đồng/người, nhiều người dân cho rằng không đủ để họ ổn định cuộc sống.
Đó cũng là điều chính quyền phải lắng nghe dù Nhà nước có lý lẽ riêng của mình. Với cách làm hiện nay, người dân không hiểu những khó khăn thực tế của họ có được quan tâm, bao giờ mới được thay đổi.
* Ngoài sự bất hợp lý về mức giảm trừ cho người chịu thuế, mức giảm trừ gia cảnh, luật này vẫn chưa buộc được một số đối tượng thu nhập cao phải đóng thuế?
- Luật hiện nay chỉ đánh thuế được những người nghiêm túc, đứng đắn. Cũng giống như một số chính sách gần đây, chúng ta mới quản được những người trung thực, các cán bộ làm công ăn lương. Còn những người thu nhập ngầm, thu nhập cao nhưng có điều kiện trốn thuế thì ta vẫn chưa quản chặt được. Đó là một sơ hở và thiếu công bằng. Lẽ dĩ nhiên, để làm được điều này là khó nhưng đó là không chặt chẽ khi làm luật, không điều chỉnh hết được cuộc sống.
Thuế biểu hiện thu nhập, sự đóng góp của người dân. Thu nhập thay đổi thì đóng góp cũng cần phải thay đổi để kích thích ý thức đóng góp, làm ăn của người dân. Người có thu nhập mà không đóng là rất không hợp lý, nhưng thu nhập và chất lượng cuộc sống giảm mà mức thuế không thay đổi cũng không hợp lý.
* Theo ông, Bộ Tài chính nên tính đến việc sửa luật chưa?
- Tôi cho rằng Bộ Tài chính nên tính đến chuyện này rồi. Dù người nào có thu nhập cao hay thấp cũng cần đóng thuế, nhưng khi cuộc sống có vấn đề thì nên xem xét. Dù đứng trên quan điểm nào, dù mức thay đổi có thể không giúp giảm số thuế phải nộp lớn nhưng điều này sẽ giúp người dân phấn khởi hơn trong lúc khó khăn, thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước. Người dân nên được biết chính sách của chúng ta thay đổi theo những hướng và lý do gì.
Cầm Văn Kình thực hiện
* Ông Vũ Văn Trường (vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính):
Sẽ lắng nghe ý kiến của xã hội
Thuế thu nhập cá nhân là sắc thuế quan trọng, được Quốc hội bàn thảo rất kỹ trước khi thông qua. Vấn đề đặt quy định trượt giá đến mức nào đó thì nên điều chỉnh các mốc tính thuế đã được nhắc đến nhiều trước khi luật được thông qua, trong nhiều cuộc hội thảo và báo chí đã đưa lên. Về quan điểm nên sửa luật thuế hiện hành, cơ quan nhà nước trực tiếp hoạch định chính sách thông thường sẽ phải lắng nghe từ nhiều phía.
Chẳng hạn vấn đề dư luận cho rằng mức giảm trừ gia cảnh 1,6 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc là không đủ sống, không đủ nuôi đứa trẻ. Nếu chấp nhận quan điểm này, nhiều người sẽ bảo vậy tại sao với mức lương cơ bản chỉ khoảng 800.000 đồng/tháng hiện rất nhiều người vẫn sống được và xin vào làm việc. Nên phải xem xét tính toàn diện của các nhận định vì mức sống của xã
hội là khác nhau. Các ý kiến về Luật thuế thu nhập cá nhân chúng tôi sẽ lắng nghe. Trên cơ sở phân tích tình hình thực tế, xem xét toàn diện các vấn đề, nếu thấy cần thiết phải trình sửa luật thì chúng tôi sẽ trình. Còn hiện tại, Bộ Tài chính chưa có chủ trương sửa luật thuế này.
* Bà Nguyễn Thị Cúc (nguyên tổng cục phó Tổng cục Thuế, chủ tịch Hội tư vấn thuế VN):
Nên giảm mức thuế suất
Nhiều người cho rằng trong tình hình lạm phát hiện nay, nên nâng mức giảm trừ gia cảnh lên để Nhà nước chia sẻ với người dân. Tuy nhiên theo tôi, không nên nâng mức giảm trừ gia cảnh bởi bản chất của mức này là chiếu cố đến thu nhập của người dân ở mức nào đó thì chưa phải nộp thuế. Vì vậy, giảm trừ gia cảnh không có nghĩa là khoản đủ sống. Tôi cho rằng khi thu nhập của người dân tăng lên hoặc khi khó khăn thì điều có ý nghĩa hơn là giảm mức thuế suất đánh trên thu nhập, vì như thế nó thực có ý nghĩa hơn chứ không nên chỉ cơi nới giảm trừ gia cảnh.
Chẳng hạn, với tình hình hiện nay, người dân có thu nhập ở bậc thang đầu tiên trên 4 triệu đồng/tháng không nên chịu thuế suất 5% mà chỉ nên từ 2-3%. Mức thuế đầu tiên này chỉ nên giúp người dân quen dần với việc phải nộp thuế và khuyến khích họ nâng cao thu nhập. Ở khung thuế cao nhất, dành cho những người có thu nhập cao nhất hiện là 35%, theo tôi, cũng nên giảm xuống.
C.V.K. ghi |
TUỔI TRẺ
|