Thứ Ba, 21/12/2010 12:00

Truy thu thuế: Cảng đích tính từ đâu?

Với hai cách hiểu khác nhau về việc xác định cảng đích ghi trên vận đơn của cơ quan hải quan, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa đã bị truy thu những khoản tiền thuế rất lớn. Điều này không chỉ gây thiệt hại, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.

Là một công ty liên doanh sản xuất lắp ráp ôtô tại Việt Nam, công ty T. thường xuyên phải nhập khẩu (NK) phụ tùng linh kiện từ nước ngoài về Việt Nam lắp ráp. Bản hợp đồng giữa công ty với nhà cung cấp nước ngoài quy định giá mua là giá CIF Hải Phòng/Cái Lân. Như vậy cảng Hải Phòng, hoặc cảng Cái Lân vừa là cảng dỡ hàng, đồng thời là nơi giao hàng tại Việt Nam. Tuy nhiên để thuận tiện cho việc vận chuyển, công ty T. làm thủ tục nhập khẩu thông quan hàng hóa tại điểm thông quan nội địa Gia Thụy (ICD Hà Nội). Trên cơ sở đó, doanh nghiệp tính giá trị tính thuế hàng nhập khẩu là giá CIF tại cảng Hải Phòng/cảng Cái Lân.

Bất ngờ bị truy thu

Tuy nhiên theo Tổng cục Hải quan thì “giá trị tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu phải được tính tới cảng đích là ICD Gia Thụy - Gia Lâm - Hà Nội (bao gồm giá CIF Hải Phòng/Cái Lân và các chi phí xếp, dỡ, vận chuyển từ cảng Hải Phòng/Cái Lân về  đến ICD Gia Thụy). Với cách hiểu này của hải quan, công ty T. bị truy thu hơn 14 tỷ đồng tiền thuế  cho các lô hàng NK từ 12/7/2007 đến 31/12/2009.

Công ty T. chỉ là một ví dụ trong rất nhiều doanh nghiệp đang bị rơi vào cảnh này. Khoản truy thu thuế bất ngờ này khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, bởi thuế đã nộp, hàng đã bán, nay truy thu không biết tính vào đâu. Không những thế, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc bị truy thu thuế khiến uy tín doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi có quan điểm cho rằng doanh nghiệp cố tình khai sai, trốn thuế.

Bất hợp lý

Kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, công ty T. cho rằng: theo Nghị định 40/2007/NĐ-CP (NĐ 40) về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, giá tính thuế hàng nhập khẩu là giá thực tế phải trả khi hàng đến cửa khẩu nhập đầu tiên. Mà điểm 5, điều 2, chương 1 của NĐ 40 quy định “cửa khẩu nhập đầu tiên” là cảng đích ghi trên vận đơn. Cách hiểu “cảng đích” là ICD nội địa của Tổng cục Hải quan dẫn tới việc xác địch giá tính thuế phải nộp bao gồm cả chi phí bốc, dỡ, vận chuyển đến ICD nội địa là chưa phù hợp.

Vẫn theo doanh nghiệp nêu trên, điều này đi ngược lại mục tiêu, ý nghĩa của việc thành lập và đưa vào hoạt động các ICD, đó là giúp giảm áp lực thông quan hàng hóa tại cảng biển của ngành Hải quan. Cách tính này sẽ tạo sự khác biệt đáng kể về thuế nhập khẩu giữa việc thông quan ở cửa khẩu cảng biển và ICD.

Bên cạnh đó, chi phí xếp, dỡ và vận chuyển từ cảng dỡ hàng đến ICD trên thực tế đều được thực hiện bởi lao động Việt Nam và các phương tiện vận tải nội địa. Khi thanh toán các chi phí này doanh nghiệp đã trả cả thuế giá trị gia tăng. Vì vậy khi khoản chi phí này được coi là một phần của giá trị hàng nhập khẩu để tính thuế thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng dẫn tới việc cùng một khoản chi phí doanh nghiệp phải trả 2 lần thuế.

Trên hợp đồng, cảng biển đầu tiên nơi hàng hóa được giao nhận và bốc dỡ tại Việt Nam là Hải Phòng/Cái Lân. Giá thực tế phải trả cho nhà cung cấp đều dựa trên giá “CIF Hải Phòng/Cái Lân”. Đây là ranh giới xác định hàng hóa đã thực sự vào lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy doanh nghiệp kiến nghị cảng Hải Phòng/Cái Lân nên được coi là cửa khẩu nhập đầu tiên tại Việt Nam khi xác định giá tính thuế hàng nhập khẩu.

“Xin” hiểu đúng

Phản hồi những kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng đã thừa nhận, vấn đề này có 2 cách hiểu khác nhau. Cách thứ nhất, giá trị tính thuế của hàng hóa nhập khẩu bao gồm cước vận chuyển từ nước xuất khẩu về đến cửa khẩu nhập đầu tiên của Việt Nam. Nghĩa là chỉ tính đến điểm cập cảng đầu tiên, không tính phần cước vận chuyển nội địa từ cửa khẩu đầu tiên của Việt Nam đến các địa điểm làm thủ tục hải quan trong nội địa. Cách hiểu thứ hai, cước vận chuyển hàng hóa nhập khẩu phải tính từ nước xuất khẩu đến địa điểm làm thủ tục hải quan (địa điểm thông quan). Theo cách hiểu này thì giá tính thuế hàng hóa nhập khẩu sẽ bao gồm cả cước vận chuyển nội địa từ cửa khẩu nhập đầu tiên đến địa điểm thông quan. Với cách hiểu này giá tính thuế hàng hóa nhập khẩu khi làm thủ tục tại các ICD sẽ cao hơn giá tính thuế khi làm thủ tục nhập khẩu tại các cảng biển.

Thực tế thời gian qua rất nhiều trường hợp hải quan hiểu và tính theo cách thứ hai khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn (trường hợp công ty T. nói trên là một ví dụ). Thậm chí ngay cả khi cơ quan hải quan tham khảo ý kiến cơ quan chức năng cấp trên thì Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cũng “hiểu” theo cách thứ 2 và cho rằng “công ty T. không khai chi phí vận chuyển nội địa của các lô hàng làm thủ tục chuyển cảng Hải Phòng/Cái Lân về ICD Gia Thụy và phí xếp dỡ vào giá trị tính thuế hàng nhập khẩu là không đúng” nên “việc Tổng cục Hải quan ra quyết định ấn định bổ sung phần thuế do khai thiếu là phù hợp với quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, Bộ này thừa nhận, với cách hiểu như vậy sẽ hạn chế hiệu quả của các ICD, gây ùn tắc hàng hóa tại cảng biển, đồng thời tạo sự cạnh tranh không bình đẳng về nghĩa vụ nộp ngân sách giữa các doanh nghiệp nhập khẩu cùng một mặt hàng. Thay vì “tự điều chỉnh”, mới đây Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép cơ quan hải quan hiểu và thực hiện cho đúng, theo đó quy định rõ “cửa khẩu nhập đầu tiên” là cửa khẩu nơi doanh nghiệp làm thủ tục nhập hàng hóa. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu chuyển cảng thì cửa khẩu nhập đầu tiên là cửa khẩu nơi doanh nghiệp và hải quan làm thủ tục chuyển cảng hàng hóa đến cảng đích.

Động thái này của Bộ Tài chính khiến rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa phấn khởi. Tuy nhiên, việc thực hiện sẽ được áp dụng từ thời điểm nào - thời điểm Chính phủ có văn bản đồng ý cho Bộ Tài chính “quy định rõ” hay thời điểm NĐ 40 có hiệu lực. Những doanh nghiệp đã nộp thuế theo cách tính thứ 2 rồi thì có liệu có được hoàn trả hay không? Đó vẫn là các câu hỏi cần sớm được giải đáp.

Nguyễn Hà

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Thuế thu nhập doanh nghiệp có xu hướng giảm (20/12/2010)

>   Giảm thuế suất thuế nhập khẩu gas xuống còn 2% (17/12/2010)

>   Khốn khổ với hóa đơn tự in trước giờ G (16/12/2010)

>   Cấp hơn 8 triệu mã số thuế thu nhập cá nhân theo hệ thống mới (16/12/2010)

>   Phạt tối đa 5 triệu đồng nếu chậm nộp hồ sơ khai thuế (16/12/2010)

>   Bất hợp lý thuế TNCN: “Nắm tóc” người làm công ăn lương (16/12/2010)

>   Thuế nhập khẩu xe chở người từ 16 chỗ trở lên là 150% (15/12/2010)

>   Miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong 10 năm (15/12/2010)

>   8 nhóm hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường (15/12/2010)

>   Gia hạn bán hóa đơn đến ngày 31-3-2011 (15/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật