Bất hợp lý thuế TNCN: “Nắm tóc” người làm công ăn lương
Không chỉ bất hợp lý về ngưỡng chịu thuế , chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện nay chủ yếu chỉ “nắm người có tóc” là những đối tượng làm công ăn lương, rất nhiều người có thu nhập cao khác đã lách thuế bằng nhiều cách.
Một chuyên gia từng nhiều năm công tác trong ngành thuế cho biết, trong khoảng thời gian 2 năm áp dụng thuế TNCN, cơ quan thuế chỉ làm được công việc tổng hợp, đưa vào diện thu thuế nhiều loại thu nhập, còn việc làm thế nào để quản lý đầy đủ các loại thu nhập để tạo công bằng về thuế thì chưa đảm đương được.
Có thể thấy đầu tiên là quy định tất cả cá nhân có thu nhập phải có mã số thuế (MST), MST này sẽ được nhập vào máy để quản lý nhưng cho tới giờ MST vẫn chưa được nhập. Vì vậy rất khó quản lý đầy đủ thu nhập của các cá nhân có thu nhập chịu thuế. Tình hình này dẫn đến rất nhiều cá nhân có thu nhập cao nhưng không phải nộp thuế đầy đủ.
Chẳng hạn một giảng viên đại học đi dạy ở 3 trường đại học, mỗi nơi khi nhận thu nhập ông chỉ phải tạm nộp 10% là xong, trong khi theo quy định phải cộng thu nhập ở cả 3 nơi rồi mới tính thuế theo biểu thuế suất lũy tiến. Một người có 1 căn nhà ở Q.1, căn khác ở Q.12, cả hai đều cho thuê nhưng chỉ kê khai với cơ quan thuế 1 căn nhà ở Q.12 thôi. Cơ quan thuế không thể nào phát hiện người này giấu thu nhập một căn nhà vì không có dữ liệu.
Thành lập công ty để được trừ chi phí là cách mà nhiều người có thu nhập cao đang áp dụng. Ông Minh (Q.11, TP.HCM), Phó TGĐ một ngân hàng có thu nhập từ lương phụ cấp, tiền thưởng của chức danh Phó TGĐ ngân hàng và các hoạt động kinh doanh, đầu tư khác là 100 triệu đồng/tháng. Nếu khai toàn bộ thu nhập ở ngân hàng nơi ông Minh làm việc thì với 2 người phụ thuộc và bản thân ông chỉ được tính là 7,2 triệu đồng, tiền thuế TNCN mỗi tháng phải đóng là 22,35 triệu đồng, chiếm 22,35%. Thế là ông Minh thành lập một công ty, ngoại trừ thu nhập chính thức từ ngân hàng, các thu nhập, chi phí liên quan khác được đưa hết vào công ty để được khấu trừ. “Việc thành lập công ty được phép trừ đi các khoản chi phí hợp lý, phần lợi nhuận còn lại mới chịu thuế suất 25%. Đây là điểm có lợi hơn nhiều nếu so với thuế TNCN, bởi thuế TNCN không cho trừ ra các khoản chi phí hợp lý và mức thuế suất cao nhất lên đến 35%”, ông Minh nói.
Một trường hợp khác, bà Lan, chuyên gia tư vấn tài chính có mức thu nhập khoảng 150 triệu đồng/tháng, thuế TNCN phải đóng là 53,15 triệu đồng/tháng. Bà Lan đã thành lập công ty và chi phí được trừ gồm tiền thuê nhà 20 triệu đồng, tiền lương cho mình, tiền thuê tạp vụ, tiền điện, điện thoại, tiếp khách…, số lợi nhuận còn lại phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ còn khoảng 100 triệu đồng, số thuế phải nộp chỉ là 25 triệu đồng, bằng một nửa so với số thuế TNCN lẽ ra bà Lan phải nộp.
Theo một chuyên gia về thuế tại TP.HCM, việc lách thuế nói trên dựa trên cơ sở chính sách thuế TNCN còn nhiều điểm chưa hợp lý. Ở nhiều nước, thuế TNCN chỉ tính sau khi đã trừ đi các khoản chi phí hợp lý, còn ở VN thì không được. Tiến sĩ Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Ngân hàng TP.HCM - cho rằng chính vì mức khấu trừ thuế TNCN chưa hợp lý mới nảy sinh tiêu cực. Luật thuế TNCN nên cho phép cá nhân được đưa vào một số chi phí hợp lệ tạo ra thu nhập, có hóa đơn chứng từ để tạo sự đồng bộ giữa các sắc thuế, kích thích người dân lấy hóa đơn khi mua hàng.
Với chính sách thuế TNCN hiện nay, có thể thấy những người làm công ăn lương chịu thiệt nhất, trong khi họ không phải là đối tượng có thu nhập cao nhất.
N.Trần Tâm - Thanh Xuân
Thanh Niên
|