Thứ Tư, 01/12/2010 11:39

Sự thật đằng sau kỷ lục về lợi nhuận công ty Mỹ

Lợi nhuận công ty Mỹ lập kỷ lục trong quý III chỉ chứng minh rằng tiền của đang rơi vào tay giới thượng lưu tài chính và tập đoàn đa quốc gia.

Tác giả bài viết Justin Fox là trưởng nhóm biên tập của Tạp chí kinh doanh Harvard; anh còn là tác giả cuốn sách The Myth of the Rational Market: A History of Risk, Reward, and Delusion on Wall Street. (Bí ẩn của thị trường lý trí: Lịch sử về rủi ro, lợi nhuận, và ảo tưởng trên Phố Wall).

Mức lợi nhuận của các công ty lại lập một kỷ lục mới tại Mỹ trong quý III năm nay. Chí ít đó cũng là thông tin chính sau khi các dữ liệu được công bố vừa rồi.

Đây là một thành tựu khá vô nghĩa, bởi lẽ, trong một nền kinh tế đang phát triển, dù là phát triển không ổn định đi chăng nữa, mức lợi nhuận công ty cũng phải đạt các kỷ lục mới với tần suất khá thường xuyên.

Sẽ dễ dàng hơn, và có lẽ cũng có ý nghĩa hơn, nếu ta tính mức lợi nhuận với tư cách là một phần trong nền kinh tế. Chúng ta có thể tính theo tổng sản phẩm quốc nội hoặc thu nhập quốc gia.

Trong biểu đồ dưới đây tôi chia theo thu nhập quốc gia bởi so sánh này phù hợp hơn; ngoài ra, tôi không phải sử dụng nhiều đến các bảng biểu của Cơ quan Phân tích Kinh tế. Đây là biểu đồ tính lợi nhuận công ty sau thuế (tính từ năm 1947), trong đó lợi nhuận được coi là một phần trong mức thu nhập quốc gia:

Nhìn vào biểu đồ có thể bạn sẽ không rõ, nhưng tỷ lệ lợi nhuận 9,46%  trong quý III năm 2010 vẫn thấp hơn so với mức đỉnh điểm là 9,58% trong quý III năm 2006. Tuy nhiên, xét về các mức tiêu chuẩn trong lịch sử, thì con số này vẫn là khá cao.

Biểu đồ trên chỉ tính lùi tới năm 1947, bởi chỉ có dữ liệu hàng quý tính cho tới thời điểm đó. Dữ liệu hàng năm bắt đầu được ghi nhận từ năm 1929, và ngoài mốc năm 2006 và năm nay, tỷ lệ lợi nhuận còn vượt mốc 9% trong năm 1929, với mức cao nhất là 9,9%.

Tiến gần tới một mức kỷ lục được lập ra từ năm 1929 có vẻ như không phải là một tín hiệu gì hay ho. Nhưng chính xác thì mức tỷ lệ lợi nhuận cao như vậy có ý nghĩa gì? Thật ngạc nhiên là các nhà kinh tế hiện có rất ít câu trả lời cho câu hỏi này.

Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về ý nghĩa của những thay đổi mang tính chu kỳ trong lợi nhuận công ty - thường thì mức lợi nhuận công ty sẽ tăng trước khi một đợt bùng nổ kinh tế trên quy mô rộng hơn nổ ra.

Nhưng suốt từ thập niên 1990 tới giờ, tôi vẫn không ngừng tìm kiếm những lời giải thích hợp lý cho các thay đổi dài hạn hơn đối với các mức lợi nhuận này - chỉ có điều cuộc tìm kiếm của tôi giống như hành động mò kim đáy bể vậy, và tôi không phải là người duy nhất nhận thấy điều đó.

Trước những lỗ hổng hai năm rõ mười như vậy trong kiến thức về kinh tế, theo thói quen, tôi mở ngay một file Excel để xử lý các dữ liệu. Tôi làm thế không phải với tư cách là một nhà kinh tế học hay một chuyên gia thống kê được đào tạo bài bản, mà chỉ đơn giản là tôi biết sử dụng Excel. Và đây là phát hiện chính của tôi:

Các mức lợi nhuận công ty phi tài chính nội địa trước thuế - tuy ít, nhưng có lẽ đây cũng là một thước đo khá hiệu quả của sức khỏe nền kinh doanh ở Mỹ - hiện không hề tiến gần tới bất kỳ mốc kỷ lục nào trước đó trong vai trò là một phần trong thu nhập quốc gia.

Chúng từng có lần vượt quá 15% mức thu nhập quốc gia vào cuối thập niên 1940, và tiếp tục vượt ngưỡng 12% trong các thập niên 1950 và 1960; trong quý III năm nay, chúng chỉ đạt 7,03% trong thu nhập quốc gia.

Điều này có thể giải thích phần nào cho sự bất hợp lý giữa mức gia tăng đột phá về lợi nhuận công ty với sự tức giận của cộng đồng doanh nghiệp. Đối với phần lớn trong số họ, thì khi so sánh với các kết quả đã đạt được trong quá khứ, các mức lợi nhuận như hiện nay là không hề cao. Vì vậy, họ hoàn toàn có quyền tức giận.

Ai làm tốt hơn? Theo dữ liệu của Cơ quan Phân tích Kinh tế, lợi nhuận tài chính trong nước và các khoản lợi nhuận thu được "từ khắp nơi trên thế giới" - tức là số tiền mà các công ty của Mỹ kiếm được ở nước ngoài - hiện ở mức tương đối cao so với những năm 1950 hay 1960.

Và nếu xét lợi nhuận trong vai trò là một phần của thu nhập quốc gia, thì số tiền thuế mà các công ty nộp cho nhà nước lại thấp hơn nhiều so với trước đây.

Như vậy, lý do khiến cho lợi nhuận công ty đạt tới mức cao trong lịch sử như hiện nay có lẽ là ở chỗ các công ty tài chính (chủ yếu là các công ty lớn) và tập đoàn đa quốc gia kiếm được rất nhiều tiền song lại trả thuế rất ít.

Tình hình lợi nhuận công ty hiện nay dường như cũng phản ánh những diễn biến trong thực trạng phân phối thu nhập giữa các cá nhân trong xã hội trong vài thập kỷ trở lại đây.

Tài sản ngày càng rơi vào tay nhóm thượng lưu, bởi họ có khả năng gặt hái được những thành quả của sự phát triển toàn cầu, điều khiển hệ thống tài chính một cách khôn ngoan, và tránh được thuế.

Bạn có thể diễn giải thực tế này theo một chiều hướng khá tích cực như sau: Đây là các thời kỳ kinh tế vô cùng năng động, và quả lành trái ngọt sẽ rơi vào túi những công ty và cá nhân nào biết tận dụng sự năng động này.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có vô vàn cách diễn giải khác mang màu sắc tiêu cực hơn.

Thủy Nguyệt (Theo Harvard Business Review)

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   Hệ thống tiền tệ toàn cầu: Bài toán nan giải (18/11/2010)

>   Tỷ phú Trung Quốc sắp đuổi kịp Mỹ (12/11/2010)

>   Singapore “khép cửa” với người nước ngoài (11/11/2010)

>   Phục hồi việc làm trên toàn cầu không đồng đều (11/11/2010)

>   Số lượng đơn xin phá sản tại Mỹ tăng 13,8 % (09/11/2010)

>   Giá căn hộ cao cấp tại Hồng Kông vượt đỉnh 1997 (27/10/2010)

>   Mắc kẹt vào bất động sản Dubai (20/10/2010)

>   Các tập đoàn lớn của Mỹ đạt lãi lớn trong quý III (19/10/2010)

>   Lao động – việc làm: Vấn đề “nóng” toàn cầu (19/10/2010)

>   Thế giới công nghệ: Rầm rộ WP7, lợi nhuận quý 3 (18/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật