Cần thêm quyết sách để tăng niềm tin vào đồng nội tệ
Theo nhiều chuyên gia, việc giá đô la Mỹ liên tục tăng trong thời gian gần đây, bên cạnh yếu tố nhu cầu đô la tăng cao trong khi nguồn cung giảm, thì yếu tố tâm lý cũng đóng vai trò rất lớn, và Chính phủ lẫn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần phải có thêm những quyết sách để củng cố niềm tin của người dân vào tiền đồng.
Giá đô la Mỹ trên thị trường tự do đã lên đến mức 21.600 đồng trong những ngày gần đây, và gần như là tăng đều mỗi ngày từ cuối tháng 10 đến nay. Đại diện phòng nguồn vốn của một ngân hàng lớn cho biết giá ngoại tệ tăng lên mức cao hiện nay là do nhu cầu có thực, đó là thời điểm cuối năm là mùa cao điểm để nhập hàng phục vụ cho Tết.
Tuy nhiên, một yếu tố không thể phủ nhận đó là yếu tố tâm lý đã đẩy giá đô la lên cao. Theo vị này, hiện nay doanh nghiệp đang có xu hướng găm giữ đô la trên tài khoản và không bán lại cho ngân hàng, hoặc chỉ bán khi cần tiền với giá bằng giá trên thị trường tự do. “Tâm lý này cũng dễ hiểu khi hôm nay doanh nghiệp bán đô la Mỹ xong, ngày mai lại thấy giá lên nữa. Như vậy doanh nghiệp càng e ngại không muốn bán đô la cho ngân hàng”, vị này cho biết.
Trong khi đó thì các biện pháp mà NHNN đưa ra trong thời gian vừa rồi có vẻ như không hiệu quả khi giá đô la ngoài thị trường tự do cứ liên tục lập các mức cao kỷ lục. Vị trên cho biết, NHNN có cam kết bán ngoại tệ đảm bảo cho việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu tuy nhiên những mặt hàng nào và doanh nghiệp phải đạt tiêu chuẩn gì để được mua ngoại tệ thì không thông báo rõ cho các ngân hàng biết.
Đơn cử như mặt hàng xăng dầu luôn được mua ngoại tệ trong những lần can thiệp trước, lần này không phải lúc nào doanh nghiệp nộp yêu cầu mua ngoại tệ cũng được NHNN đáp ứng, có khi hôm nay mua được, ngày mai không, và ngày mốt thì vẫn chưa chắc chắn, ông nói.
Cũng theo hướng nên tập trung củng cố niềm tin cho người dân vào đồng Việt Nam, ông Trần Du Lịch, phó trưởng đoàn đại biểu quốc hội TPHCM, cho rằng thời điểm hiện tại NHNN cần để cho thị trường tự điều chỉnh giá để tìm ra mức cân bằng vì thực chất NHNN không nên và cũng không đủ sức để can thiệp vào cung cầu ngoại tệ khi thị trường đang có yếu tố đầu cơ.
Tuy nhiên, NHNN cần tập trung vào hai việc đó là cam kết đảm bảo nguồn ngoại tệ cho việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu để các doanh nghiệp an tâm, đồng thời xem xét về sự chênh lệch khá lớn hiện nay giữa lãi suất tiền gửi đô la Mỹ và tiền đồng đối với các cá nhân. Lãi suất đô la Mỹ cao sẽ góp phần khuyến khích người dân nắm giữ ngoại tệ, ông nói.
Hiện nay lãi suất tiết kiệm bằng đô la Mỹ đang ở mức 5%/năm trong khi lãi suất tiền đồng dao động quanh mức 13,5%/năm.
Bên cạnh đó, ông Lịch cho rằng không chỉ NHNN, mà cả Chính phủ cũng cần phải triệt để trong việc kiềm chế giá cả các mặt hàng thiết yếu từ nay đến quý 1 năm sau để củng cố niềm tin của người dân vào sức mua của tiền đồng. Song song đó, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các biện pháp đã từng làm trước đây như bắt các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lớn xuất khẩu tài nguyên quốc gia thu về ngoại tệ phải bán lại cho NHNN.
Và trên hết, theo ông Lịch đó là Chính phủ cần đưa ra một hệ thống chính sách rõ ràng cụ thể để chống tình trạng đô la hóa ở nước ta. “Cần có lộ trình rõ ràng được thực hiện trong năm 2011 để giảm thiểu tình trạng đô la hóa như tiến tới cấm thanh toán bằng ngoại tệ hoặc không cho cá nhân mở các tài khoản bằng ngoại tệ tại ngân hàng”, ông Lịch nói và cho rằng điều đó sẽ thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc củng cố niềm tin của người dân vào tiền đồng, như vậy mới có thể giải quyết được tình trạng tăng giá liên tục của đồng đô la hiện nay.
Trước đó, Tổng giám đốc Standard Chartered Bank Việt Nam Louis Taylor cũng đã từng nói rằng giảm đi kỳ vọng tăng tỷ giá và kỳ vọng lạm phát cao sẽ giúp giải bài toán tỷ giá của Việt Nam.
Minh Phương
tbktsg
|