Thứ Hai, 08/11/2010 15:18

Quốc hội: Lạm phát 2011 không quá 7%, cần quản lý chặt thị trường vàng

Đại biểu Quốc hội cân nhắc kỹ trước khi bấm nút biểu quyết.

Những nội dung chính trong nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, vừa được Quốc hội thông qua chiều nay (8/11).

GDP tăng 7-7,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, nhập siêu không vượt quá 18% kim ngạch xuất khẩu; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 40% GDP, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng không quá 7%...

Đây là những chỉ tiêu kinh tế tại nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, vừa được Quốc hội thông qua tại phiên họp chiều nay (8/11), với 417/418 đại biểu có mặt tán thành.

Tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô

Theo nghị quyết, mục tiêu tổng quát của năm 2011 là: “Tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế”.

Về các chỉ tiêu chủ yếu, báo cáo tổng hợp ý kiến của đại biểu được gửi đến Quốc hội sáng nay cho biết, có ý kiến đề nghị chỉ nên dự kiến tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7%, không nên đặt ra 7 – 7,5% để tránh việc điều chỉnh mục tiêu vào giữa năm. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng 2011 là năm đầu tiên thực hiện nghị quyết Đại hội XI của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm (2011 - 2015), nên cần đặt mục tiêu GDP tăng 7,5%, giảm mức bội chi ngân sách xuống dưới 5% GDP.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, nhiều khả năng năm 2011 vẫn có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2010. Căn cứ ý kiến đa số đại biểu (72,42% qua phiếu xin ý kiến), đề nghị Quốc hội chọn chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2011 là 7 - 7,5% để làm "mục tiêu phấn đấu".

Riêng với chỉ số giá tiêu dùng, tại báo cáo giải trình tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, qua phiếu xin ý kiến, 262/359 đại biểu tán thành với phương án CPI năm 2011 tăng không quá 7%. Một số ý kiến tán thành với phương án tăng khoảng 7%, một số đại biểu đề nghị không quá 6% hoặc không quá 8%, có ý kiến đề nghị không tăng quá hai chữ số (10%).

Bên cạnh các chỉ tiêu kinh tế với 401/403 đại biểu tán thành, Quốc hội cũng thống nhất năm sau sẽ tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động, trong đó đưa 8,7 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài; giảm tỷ lệ hội nghèo 2% theo chuẩn nghèo mới; diện tích sàn nhà ở đô thị bình quân đầu người 19m2...

Trong số các chỉ tiêu về môi trường, có 86% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 78% dân số đô thị được sử dụng nước sạch, 69% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý, tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom 83%...

Kiểm soát chặt chẽ thị trường vàng

Tại nghị quyết, Quốc hội đã yêu cầu tập trung triển khai 6 nhiệm vụ, giải pháp chính trong năm tới. Trong đó nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; tăng tổng phương tiện thanh toán phù hợp với các chỉ tiêu vĩ mô. Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp điều chỉnh lãi suất phù hợp với điều kiện thực tế của thị trường, tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh.

Quốc hội cũng yêu cầu quản lý chặt chẽ thị trường vàng, việc lưu hành ngoại tệ. Chủ động thực hiện lộ trình điều chỉnh giá cả một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước đang quản lý như điện, than, các dịch vụ công như y tế, giáo dục… theo cơ chế thị trường; phát triển hoàn thiện hệ thống phân phối, lưu thông, nhất là một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, sữa, thuốc chữa bệnh.

Nghị quyết cũng nêu rõ yêu cầu áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nợ công, cơ cấu nợ công và ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Liên quan đến nội dung được thảo luận sôi nổi với nhiều ý kiến khác nhau về hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, tập hợp ý kiến đại biểu  tại các phiên thảo luận cho biết một số ý kiến cho rằng vai trò chủ đạo nền kinh tế của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước không đáp ứng được yêu cầu: tỷ lệ đóng góp vào ngân sách thấp, hoạt động kém hiệu quả, nợ tăng cao, không tương xứng với sự đầu tư của Nhà nước, gây tổn thất ngân sách, làm mất lòng tin của người dân, điển hình là vụ sai phạm của Vinashin.

“Nguyên nhân của tình trạng trên là do việc thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế chưa được thể chế hóa thành văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ bằng các quyết định cá biệt. Phạm vi thí điểm rộng và thuộc những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế…”.

Tại nghị quyết, Quốc hội đã yêu cầu cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước. Trước hết tập trung củng cố, tăng cường năng lực và sự phát triển bền vững của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty  nhà nước trên cơ sở rà soát, đánh giá kỹ, chấn chỉnh, sắp xếp lại một cách căn bản, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tập đoàn, tổng công ty…

Tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước phải tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh chính, thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính, thực hiện chế độ kiểm toán bắt buộc. Kiên quyết tách biệt chức năng quản lý hành chính Nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp.

Nghị quyết của Quốc hội cũng nêu rõ, tiếp tục thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội cho đến khi Quốc hội có nghị quyết mới về vấn đề này.

Trong nhiệm vụ củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, Quốc hội yêu cầu thu hồi giấy chứng nhận đầu tư các dự án trồng rừng có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các khu vực nhạy cảm về quốc phòng an ninh.

Nguyễn Lê

TBKTVN

Các tin tức khác

>   'Không tiếc tiền đảm bảo an toàn cho Bô xít Tây Nguyên' (08/11/2010)

>   Dự án xây dựng cơ bản tại TPHCM vẫn “khoán trắng” cho quận - huyện (08/11/2010)

>   Vận hành an toàn hồ chứa bùn đỏ tại dự án bauxite (07/11/2010)

>   Kinh tế 2011: Cần quyết sách lớn để tránh “sa lầy” về bội chi (07/11/2010)

>   Chính phủ: “Quyết giữ CPI ở mức một con số” (07/11/2010)

>   Quyết liệt kiểm soát, bình ổn giá (06/11/2010)

>   Thứ trưởng Bộ Tài chính: Lạm phát Việt Nam hiện ổn định (06/11/2010)

>   Kim ngạch nhập khẩu giấy 9 tháng tăng 16,7% (05/11/2010)

>   Số liệu thống kê: Thật - giả khó phân! (05/11/2010)

>   'Đánh giá nợ công không chỉ nhìn vào con số' (05/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật