Dự án xây dựng cơ bản tại TPHCM vẫn “khoán trắng” cho quận - huyện
Năm 2010 là năm cuối để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm (2006-2010), tạo tiền đề bước vào kế hoạch 5 năm mới (2011-2015). Vì vậy, vốn đầu tư phát triển trong năm 2010 tương đối cao.
Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, từ đầu năm đến nay, UBND TPHCM đã giao kế hoạch vốn đầu tư xây dựng là 23.607 tỷ đồng, tập trung chủ yếu cho các dự án chuyển tiếp, giải ngân vốn ODA và vốn đối ứng, công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng cho các dự án thuộc các tuyến đường trọng điểm… Tổng số vốn đã giải ngân đến hết tháng 9-2010 là hơn 9.474 tỷ đồng, mới đạt hơn 40% so với kế hoạch đã giao.
Chậm do đầu tư dàn trải
Theo ông Lâm Nguyên Khôi, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM, thời điểm giải ngân vốn thường tập trung vào 3 tháng cuối năm. Dự kiến, trong năm 2010 có 166 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng vốn đầu tư 9.616 tỷ đồng. Ngoài các công trình dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng, trong năm nay TP đang tập trung vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và thi công các công trình trọng điểm như đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, mở rộng Xa lộ Hà Nội, đường Vành đai phía Đông, đường Lũy Bán Bích - Tân Hóa…
Ông Khôi cho biết, nhu cầu xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và xã hội tại TP quá lớn nên dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu tập trung. Hiện tình trạng các chủ đầu tư quản lý cùng lúc nhiều dự án vẫn còn phổ biến, đặc biệt là ban quản lý dự án quận-huyện. Do vốn TP phân cấp, quận-huyện tự phân bổ, nên có một số quận-huyện “ôm” cả trăm dự án, trong khi đó năng lực quản lý, điều hành của một số chủ đầu tư và ban quản lý dự án còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đặc biệt, hiện vẫn còn tình trạng chủ đầu tư “khoán trắng” cho các đơn vị tư vấn thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng đã làm cho tiến độ các dự án chậm. Ngoài ra, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn gặp nhiều vướng mắc nên thời gian thực hiện công tác này kéo dài làm chậm tiến độ, phát sinh chi phí đầu tư lên nhiều lần, hiệu quả đầu tư thấp.
Về việc này, ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, cho rằng việc phân cấp các dự án nhóm C cho quận, huyện quản lý là đúng. Tuy nhiên, Sở KH-ĐT cần phải tăng cường giám sát, kiểm tra, nhất là khi vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc quận còn yếu.
Bên cạnh đó, các dự án do quận, huyện quản lý ngày càng nhiều trong khi năng lực của ban quản lý dự án quận, huyện có hạn nên TP cần phải tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ quản lý dự án, đặc biệt là cán bộ quản lý dự án tại các quận-huyện, phường xã.
Giải ngân nhanh các dự án ODA
Theo Sở KH-ĐT TPHCM, hiện vốn ODA và vốn đối ứng cho các dự án ODA của TP (60 dự án) là hơn 4.752 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA là 4.000 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2010, tiến độ giải ngân các dự án ODA là hơn 2.100 tỷ đồng, đạt 53% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, vốn ODA là hơn 1.900 tỷ đồng và vốn đối ứng là gần 223 tỷ đồng.
Sở KH-ĐT cho biết, hiện các dự án trọng điểm đang gặp một số khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng; có nhiều phát sinh cần phải điều chỉnh như tăng tổng mức đầu tư, các bên chưa thống nhất giá trị thanh toán một số hạng mục phát sinh và trượt giá do thi công kéo dài… Cụ thể, dự án Vệ sinh môi trường TP (lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè), trong 9 tháng đầu năm 2010, dự án này giải ngân hơn 284 tỷ đồng vốn ODA (đạt 36%), 81,7 tỷ đồng vốn đối ứng (đạt 54,5%). Đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn ODA so với hiệp định đã ký đạt 50,2% và ngày kết thúc hiệp định tín dụng (đã được gia hạn) là 31-12-2011.
Các gói thầu số 7, 7A, 7B dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2011. Riêng gói thầu số 10 “Cải tạo kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè” đang tổ chức đấu thầu lại do hợp đồng đã bị chấm dứt vào ngày 28-2-2010 vì Ngân hàng Thế giới không cho vay nữa. Dự án Cải thiện môi trường nước TPHCM lưu vực kênh Tàu Hủ- Bến Nghé- Đôi-Tẻ (giai đoạn 1), trong 9 tháng đầu năm 2010 đã giải ngân hơn 448 tỷ đồng vốn ODA (đạt 128%), 10 triệu đồng vốn đối ứng (đạt 0,5%). Đến nay, tỷ lệ giải ngân so với hiệp định đã ký đạt gần 87% và ngày kết thúc hiệp định vay (đã gia hạn) là 31-3-2013.
Trong đó, dự án chỉ mới hoàn thành gói thầu C và E; gói thầu B đang thi công các hạng mục còn lại, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6-2011; tiến độ thực hiện các gói thầu A, B, D chậm so với kế hoạch, hiện Ban quản lý dự án đang giải trình về việc điều chỉnh tổng tiến độ thi công của dự án và đang trình hồ sơ điều chỉnh dự án…
Một trong những giải pháp nhằm đẩy mạnh các dự án đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn TP là phải khắc phục trì trệ, tạo chuyển biến đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, sớm giao mặt bằng để đưa công trình vào xây dựng. Ngoài ra, phải đẩy nhanh việc thực hiện các giải pháp để huy động vốn cho đầu tư, xây dựng các chương trình, công trình trọng điểm.
Theo đó, để tranh thủ nguồn vốn ODA, một mặt TP cần phải đẩy nhanh tiến độ và giải ngân nhanh các dự án ODA, mặt khác, cần phải phối hợp với bộ - ngành để chuẩn bị danh mục các dự án ODA mới, đặc biệt là các dự án liên quan đến xây dựng các tuyến tàu điện ngầm của TP.
Nhung Nguyễn
sài gòn giải phóng
|