Chính phủ: “Quyết giữ CPI ở mức một con số”
Chính phủ nhìn nhận chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, song quyết tâm không vượt qua mức một con số trong năm nay.
Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ ngày 6/11, được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc truyền đạt lại tại cuộc họp báo vào cuối chiều cùng ngày.
Quyết liệt kiềm chế lạm phát
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ nhìn nhận, ngoài những thành tựu đạt được trong thời gian qua, nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như giá hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, vàng, ngoại tệ… diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng.
Do đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng, nhiệm vụ hàng đầu từ nay đến cuối năm là phải tập trung kiềm chế lạm phát, quyết liệt kiểm soát, bình ổn giá, chính quyền các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các nơi không niêm yết gia, không bán theo giá niêm yết...
Trả lời câu hỏi của VnEconomy về việc liệu mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng giá ở mức một con số có đạt được không, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, ngay từ đầu năm nay Chính phủ đã có chương trình để giữ mức tăng giá tiêu dùng ở mức 8%.
Trong thời gian qua, do giá cả thế giới đang thay đổi mạnh, cộng với việc giá trị lương thực, thực phẩm chiếm phần quan trọng trong rổ giá cả hàng hóa nên ở góc độ nào đó, giá cả tăng cũng là một điều có lợi cho người dân sản xuất, nông dân.
Song, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc điều đó không có nghĩa là Chính phủ ủng hộ tăng giá mà sẽ có những giải pháp để làm sao giá tăng trong một mức hợp lý, và quan trọng là phải giữ được ổn định giá cả.
“Chính phủ cương quyết giữ CPI tăng ở mức một con số. Còn con số cụ thể là bao nhiêu thì đó là biện pháp đồng bộ, trong đó có trách nhiệm của báo chí”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, cùng với việc lập các điểm bán hàng bình ổn giá, Bộ này đã và sẽ tăng cường kiểm tra các hoạt động thương mại, niêm yết giá. Vừa qua, Bộ đã có 2 văn bản gửi các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát giá cả hàng hóa, giám sát việc niêm yết giá các mặt hàng thiết yếu, phát hiện và đề xuất kịp thời các vấn đề nổi cộm, mới phát sinh...
Cung ngoại tệ có chọn lọc
Giải đáp thắc mắc của VnEconomy về việc giá vàng và USD đang “nổi loạn”, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Ngọc Bảo, cho hay giá vàng vừa qua tăng là do tác động giá vàng thế giới. Còn chuyện tỷ giá biến động là do tính quy luật mang tính thời vụ và nhu cầu những tháng cuối năm của người dân và doanh nghiệp tăng cao.
Bên cạnh đó là do biến động của giá vàng, giá cả trong nước, kinh tế vĩ mô... cũng tác động đến tâm lý người dân và doanh nghiệp.
Ông Bảo cũng khẳng định, những giải pháp mà Chính phủ đưa ra trong mấy ngày qua như tăng cung ngoại tệ, không điều chỉnh tỷ giá là những quyết định vừa có tính kịp thời vừa có tính lâu dài.
“Việc quyết định tăng cung ngoại tệ trên thị trường là do cán cân thanh toán ngoại tệ của Việt Nam những tháng cuối năm tiếp tục được cải thiện. Hiện thặng dư của cán cân vốn vẫn lớn hơn thăng dự cán cân vãng lai nên cung ngoại tệ là hợp lý”, ông Bảo cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Bảo, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát cầu ngoại tệ ở mức hợp lý, phù hợp với mục tiêu của Chính phủ như: hạn chế thanh toán bằng ngoại tệ khi nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích và hạn chế nhập khẩu cũng như vấn đề cho vay bằng đồng ngoại tệ để mua các mặt hàng đó.
Còn chuyện quyết định không điều chỉnh tỷ là do Chính phủ đã có chủ trương ổn định tỷ giá, vì nó là một trong những vấn đề có tính cấp thiết vừa có tính lâu dài nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá cả cũng như ổn định kinh tế của thị trường.
Ông Bảo cũng cho biết, chủ trương của Chính phủ là để lãi suất VND hợp lý theo thị trường hơn, song hiện chúng ta mới chỉ thực hiện lãi suất cho vay thỏa thuận bằng VND. Còn theo luật thì lãi suất huy động thì vẫn phải neo vào lãi suất cơ bản. Hơn nữa, cần phân biệt thỏa thuận đồng thuận lãi suất là của các thành viên Hiệp hội Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn không can thiệp vào.
Ngày 5/11 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã cuộc họp với 15 ngân hàng có hoạt động kinh doanh ngoại tệ lớn để bàn về lãi suất và tỷ giá nhằm mục đích ổn định thị trường và kiểm soát lạm phát của Chính phủ.
Vụ trưởng Nguyễn Ngọc Bảo cũng cho biết, tăng cung ngoại tệ song là cung có chọn lọc, nghĩa là chỉ phục vụ nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu. Hiện các ngân hàng thương mại vẫn có trạng thái dương nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ xét xét cụ thể dòng tiền ngoại tệ đi và về hàng ngày của các ngân hàng thương mại cùng với nhu cầu, mục đích sử dụng ngoại tệ để đưa ra quyết định.
Lý giải cho việc giá USD ở Việt Nam trái ngược với nhiều nước trên thế giới, ông Bảo cho rằng đồng tiền của các nước phụ thuộc vào 3 yếu tố là khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, cung cầu ngoại tệ và thứ ba là chính sách tiền tệ của ngân hàng Trung ương. Do đó, việc tỷ giá USD/VND khác với các nước cũng là điều dễ hiểu.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, báo chí không nên đặt vấn đề “nổi loạn” của giá vàng, USD với câu chuyện mất lòng tin vào đồng nội tệ. Theo ông, nếu đề cập nhiều đến vấn đề này sẽ vô tình tạo nên những tâm lý bất ổn trong dân chúng.
Trả lời câu hỏi của báo giới về tình hình mới nhất của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và con số thực nợ của tập đoàn này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những sai phạm của tập đoàn này đã được cơ quan chức năng kết luận (đầu tư dàn trải, quản lý yếu kém, cố tình vi phạm những điều không được làm...). Đó là những nguyên nhân chính khiến tập đoàn này mất khả năng thanh toán nợ và đối mặt với phá sản.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, các khoản nợ của Vinashin vẫn là 86.000 tỷ đồng/tổng số 124.000 tỷ tài sản trên sổ sách mà Chính phủ kiểm soát được. Hiện Vinashin có 22 nhà máy, 30 con tàu, 6.000 công nhân và nhà xưởng, đất đai... Vấn đề về lương, bảo hiểm việc làm... ở Vinashin đã cơ bản đã được cải thiện và khôi phục dần.
“Vừa qua, các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận nhiều về vấn đề Vinashin và một số bức xúc khác của cử tri. Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ là lắng nghe tất cả các ý kiến đóng góp, kể cả ý kiến trái chiều để nhằm mục đích cuối cùng là có được những quyết sách đúng đắn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Từ Nguyên
TBKTVN
|