Đất hiếm Việt Nam đứng thứ ba thế giới
Ít ai biết Việt Nam đã từng hợp tác với nước ngoài khai thác đất hiếm từ năm 1960. Với trữ lượng lên đến trên 22 triệu tấn, giới khoa học đánh giá Việt Nam có thể đứng thứ 3 trên thế giới về tiềm năng đất hiếm.
Kỳ 1: Trở lại khu mỏ cũ
Quặng đất hiếm vốn quá quen thuộc với người dân hai huyện Phong Thổ, Tam Đường (Lai Châu). Từ hàng chục năm trước, các nhà khoa học Việt Nam đã tiến hành thăm dò, đánh giá trữ lượng và hợp tác với một số nước khai thác thử nghiệm.
Trở lại mỏ đất hiếm Nậm Xe (huyện Phong Thổ), Đông Pao (huyện Tam Đường), phóng viên Tuổi Trẻ dựng lại bức tranh về những ngày đầu khai thác đất hiếm ở Việt Nam.
Đường lên mỏ Nậm Xe
Đất hiếm là gì?
Đất hiếm chứa 17 nguyên tố hiếm có hàm lượng ít trong vỏ Trái đất. Đất hiếm được sử dụng để chế tạo nam châm vĩnh cửu cho micro, loa, tai nghe, các thiết bị âm nhạc, ổ cứng máy tính...; đưa vào các chế phẩm phân bón để tăng năng suất và khả năng chống chịu bệnh cho cây trồng. Đặc biệt, đất hiếm được sử dụng chủ lực trong cáp quang viễn thông; công nghệ in tiền; công nghệ màn hình LED; công nghệ bán dẫn, siêu dẫn...
Các nước trên thế giới có trữ lượng đất hiếm lớn gồm Trung Quốc, Mỹ, Úc, Ấn Độ. Việt Nam cũng là một trong số những quốc gia được đánh giá có trữ lượng đất hiếm cao. |
Mỏ đất hiếm Nậm Xe nằm trọn trong khu vực xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, được phân chia thành hai khu nam - bắc. Cách đây hàng chục năm, người dân trong vùng đã quen với tiếng máy móc, tiếng ôtô vận chuyển quặng đất hiếm chạy rầm rập suốt ngày đêm. Không ít người dân trong vùng đã trở thành công nhân hầm lò và tuyển luyện quặng cho các đơn vị nước ngoài khai thác như Tiệp Khắc (cũ), Ba Lan...
Nhớ lại những ngày đầu tiên các chuyên gia Việt Nam và nước ngoài đến thăm dò, khai thác mỏ, phó chủ tịch UBND xã Nậm Xe Lý Văn Chúc ấn tượng nhất là chuyện ôtô chạy suốt ngày đêm.
“Người ta đến nhanh, đi cũng nhanh, để lại trên triền núi những miệng hầm ôtô có thể chạy ra, chạy vào để chở quặng. Giờ vẫn còn những hầm sâu hun hút ngoác miệng trên đỉnh núi Mỏ, ngay dân địa phương cũng không dám vào sâu vì không biết trong đó có gì...” - ông Chúc nói.
Nhận lời dẫn chúng tôi lên một miệng hầm trên đỉnh núi Mỏ, ông Lương Văn Ngân (bản Co Muông, xã Nậm Xe) e ngại: “Liệu các chú đi được không, gần 3km chỉ leo theo vách núi dựng đứng thôi, chỗ hầm đó sạt lở rồi, không thể vào được đâu”.
Quả thật, nhìn từ xa triền núi Mỏ thoai thoải đổ về phía bờ suối nhưng chỉ khi leo mới cảm nhận được độ dốc của ngọn núi. Dẫn chúng tôi theo đường tắt, ông Ngân chỉ sang ngọn núi bên cạnh rồi nói: “Đường chính lên mỏ ở bên kia, xa lắm, trước đây ôtô chạy được từ chân lên đến đỉnh núi nhưng đường đó sạt rồi, cây cỏ mọc đầy không đi được, leo đường này khó nhưng nhanh”.
Con đường ôtô quanh co ngày xưa nay phủ đầy cỏ dại, trải qua những trận mưa lũ đã sạt lở nên không còn hình thù một con đường, những đoạn dưới thấp từ lâu trở thành nương rẫy của bà con các bản làng xung quanh.
Sau gần hai giờ leo dốc núi, cuối cùng chúng tôi đến được miệng hầm khai thác đất hiếm đầu tiên của phía Tiệp Khắc. Miệng hầm ngày xưa, theo lời ông Ngân, to và rộng đến mức một chiếc ôtô có thể chui lọt đã bị đá lấp gần hết, giờ chỉ còn một khe rộng từng người chui vào được.
Chui sâu vào, trước mắt chúng tôi là một đường hầm đen kịt sâu hun hút, chạy ngoằn ngoèo vào lòng núi. Trên vách hầm vẫn hằn in những vết khoan sâu hoắm vào lòng núi, những vỉa đá bị vạt từng mảng do nổ mìn từ hàng chục năm trước. Từ trong đường hầm, mùi ngai ngái, tanh tanh của đất, của quặng khoáng bốc ra nồng nặc. Chỉ vài phút trong đường hầm ai cũng cảm giác đau đầu, buồn nôn, ông Ngân lý giải đó là mùi của quặng.
“Ngày xưa, công nhân đến khai thác đều có quần áo bảo hiểm để vào núi mới đi sâu được” - ông Ngân nói. Cũng chính vì lý do này mà khi không khai thác nữa, người Tiệp Khắc đã đổ bêtông bịt miệng hầm thứ hai lại để người dân không vào hầm. Riêng chiếc hầm đầu tiên bị sập trong quá trình khai thác, đá bít gần kín miệng nên không đổ được bêtông lấp lại.
Người Tiệp đến rồi đi
Qua sự giới thiệu của một già làng ở bản Mầu, chúng tôi tìm gặp một trong những công nhân trực tiếp tham gia khai thác mỏ Nậm Xe khi người Tiệp Khắc đến đây. Là người bản xứ thuộc huyện Phong Thổ, được các chuyên gia Tiệp Khắc trực tiếp tuyển chọn và đào tạo, từ một nông dân thuần túy, ông Trần Thế Lương (xã Mường So, huyện Phong Thổ) trở thành một công nhân lành nghề trong nghề khai khoáng.
Trong quãng đời làm công nhân khai khoáng, ông Lương nhớ mãi từng đi khai thác đất hiếm tại mỏ Nậm Xe và sau đó trở thành công nhân khoan thăm dò tại mỏ Đông Pao (Bản Hon, huyện Tam Đường, Lai Châu).
Năm 1984, khi điện lưới còn chưa xuất hiện ở những bản làng xa xôi của Phong Thổ thì cả vùng Nậm Xe đã rực sáng nhờ hệ thống phát điện được người Tiệp Khắc đưa vào phục vụ khai khoáng ở mỏ. Cũng chính tại chiếc hầm chúng tôi tìm đến, ông Lương và năm người khác đã thoát chết khi hầm này bị sập. Ngày đó, mỗi tổ công nhân trực tiếp nổ mìn, khai khoáng có hai chuyên gia Tiệp Khắc và bốn công nhân Việt Nam.
Ca làm việc của ông Lương bắt đầu từ 6g-14g, không hiểu sao hôm đó mới hơn 12g chuyên gia Tiệp bỗng dưng cho cả tổ nghỉ giải lao, ra cửa hầm uống nước. Khi tổ công nhân ra khỏi cửa hầm vài phút thì trong hầm vang lên những tiếng chấn động như tiếng mìn nổ, hàng loạt tảng đá lớn từ trên đỉnh núi sầm sập đổ xuống cách khu vực công nhân làm việc vài mét. Và chỉ sau đó vài chục phút, cả phần lõi hầm đổ sụp, chôn vùi toàn bộ máy móc, thiết bị trong đường hầm.
Sau khi hầm đầu tiên bị sập, phía Tiệp Khắc và các công nhân Việt Nam đào hầm khoáng thứ hai cách hầm thứ nhất khoảng 30m. Ông Lương nhớ lại đường hầm được đào, khoan cao 2,5m, rộng 2,8m, đủ diện tích lắp đường ray cho xe goòng chở quặng, đất đá chạy.
Các công nhân Việt Nam và chuyên gia Tiệp Khắc làm ngày làm đêm, chia ba ca suốt 24/24 giờ để đảm bảo tiến độ. Sau khi tìm được mạch khoáng, các công nhân dùng khoan máy khoan thẳng vào gương lò (những điểm có khoáng vật) rồi cho nổ mìn phá đá lấy quặng và chuyển theo xe goòng ra ngoài. Tại cửa lò, tổ công nhân tuyển luyện rửa sạch rồi đưa thẳng lên ôtô chở về xuôi.
Đường hầm thứ hai, hầm chính được công nhân đào sâu vào lòng núi đến 199m, các đường ngách cũng dài đến gần 100m, trở thành đường hầm dài nhất ở mỏ Nậm Xe. Tuy nhiên, sau một năm khai thác theo đúng hợp đồng ký kết, các chuyên gia Tiệp Khắc về nước vào năm 1985 thì hầm khoáng này được đổ bêtông bịt kín hoàn toàn.
“Ngày đó, cuộc sống công nhân chúng tôi sung sướng lắm. Tiền lương tính ra là 100 đồng/ngày trong khi một cân thịt chỉ có 9 hào. Mỗi tháng còn được hai cân chè, mỗi khi đi làm về có người pha sẵn, phải uống hết để chống độc hại và 24 cân gạo, 12 hộp sữa, 12 cân đường bồi dưỡng” - ông Lương kể lại. Ngoài người Tiệp khai thác tại Nậm Xe, ông Lương khẳng định còn có người Ba Lan và một số nước khác cũng đã đến đây thăm dò, khai thác đất hiếm.
(còn tiếp)
M.Quang - Q.Thanh - K.Hưng
TUỔI TRẺ
|