Quốc hội đánh giá chi tiêu công “chưa nghiêm”
Bộ trưởng Tài chính: “Có phải mình tôi chi ngân sách đâu”
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh lên tiếng bảo vệ cách chi tiêu công của Chính phủ đang được Quốc hội cũng như nhiều đại biểu đánh giá là “luôn vượt dự toán lớn” và “chưa nghiêm”.
|
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: "Có phải mình tôi chi toàn bộ ngân sách đâu". |
Ông Ninh nói với Sài Gòn Tiếp Thị: “Thế nào là chưa nghiêm? Bị uỷ ban đánh giá như thế, nhưng có phải mình tôi chi toàn bộ ngân sách đâu. Ngân sách phân cấp rồi, các bộ có vai trò, hội đồng nhân dân cũng có vai trò”.
Lời biện bạch của bộ trưởng Tài chính đưa ra trong bối cảnh uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội cho rằng, tổng chi ngân sách năm nay tăng tới 9,4% (637.200 tỉ đồng) so với dự toán mà Quốc hội đã thông qua. Ở góc độ dài hạn hơn, Quốc hội cũng bày tỏ quan ngại rằng, tốc độ tăng chi của Chính phủ nhanh hơn so với tốc độ tăng thu, làm bội chi trong cả nhiệm kỳ này tăng gấp 2,67 lần so với giai đoạn năm năm trước.
Chủ nhiệm uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói: “Xu thế chi vượt dự toán lớn làm giảm ý nghĩa của việc lập dự toán và phê chuẩn dự toán, thể hiện việc chấp hành kỷ luật chi ngân sách chưa nghiêm”.
Những lời phê phán của ông chủ nhiệm uỷ ban, tuy đã rất mềm dẻo và nhẹ nhàng hơn so với đánh giá của nhiều nhà kinh tế về tác dụng ngược của chi tiêu công lớn lên ổn định kinh tế vĩ mô, tất nhiên không được bộ trưởng Tài chính, người cầm cân nảy mực ngân sách quốc gia, đồng tình.
Ông Ninh nói: “Đấy là mỗi người đứng ở góc độ của mình mà nói thôi… Phải xác định thế nào là chưa nghiêm. Nếu người ta thực hiện đúng luật, thì sao lại gọi là chưa nghiêm được”.
Bộ trưởng giải thích tiếp: “Như thế nào là chi cao? Quan trọng là người ta có nguồn chi hay không? Luật Ngân sách quy định, địa phương huy động được nguồn từ đất đai, thì toàn bộ nguồn đấy được đưa vào đầu tư. Thu của địa phương tăng mà được đưa vào đầu tư là tốt chứ. Người ta đi chi tiêu cái khác mới dở chứ”. Bộ trưởng, tuy vậy, không tiết lộ số tăng thu từ đất đai của cả địa phương là bao nhiêu.
Thông thường, ngân sách nhà nước dùng để chi trả ba nguồn lớn là chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển và chi trả nợ viện trợ.
Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội cho thấy, ngân sách chi cho đầu tư phát triển trong năm nay ước sẽ lên tới 180.000 tỉ đồng, tăng tới 43,4% so với kế hoạch được Quốc hội phê duyệt. Con số này đã co lại còn 145.000 tỉ đồng, tăng 15,5% so với dự toán trong báo cáo của uỷ ban Tài chính ngân sách, song uỷ ban này vẫn phê bình rằng việc giải ngân vốn xây dựng cơ bản ở địa phương còn chậm, làm giảm hiệu quả của việc tăng vốn đầu tư.
Những con số như trên được liên hệ rõ nhất trong các câu chuyện về các “hố tử thần” đang xuất hiện nhan nhản trên các con đường ở TP.HCM hay trong những công trình còn dang dở, kém chất lượng được xây dựng ồ ạt để chào mừng dịp lễ 1.000 năm Thăng Long vừa rồi.
Uỷ ban Tài chính ngân sách lo ngại rằng, trong điều kiện khó khăn hiện nay của ngân sách, thì việc chi quản lý hành chính vẫn vượt dự toán là “một hạn chế lớn” của Chính phủ. Uỷ ban này cho rằng, quản lý chi tiêu chưa chặt chẽ, thanh quyết toán chưa nghiêm, còn nhiều vi phạm, lãng phí,…
Khoản chi lớn đáng kể khác từ ngân sách là chi trả nợ và viện trợ ước tính tới khoảng 70.250 tỉ đồng (3,7 tỉ đôla) năm 2010.
Trong bối cảnh nguồn thu chỉ đáp ứng khoảng 60% chi ngân sách, theo tính toán của bộ Kế hoạch và đầu tư, Chính phủ đã kiên trì thuyết phục Quốc hội cho tăng bội chi và phát hành trái phiếu.
Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế, những yếu tố này đang đi ngược lại chính nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong năm nay.
Nguyên thống đốc ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm nói: “Lãi suất ngân hàng đang cao như thế mà bộ Tài chính cứ phát hành trái phiếu chính phủ với lãi suất cao thì dứt khoát không thể kéo lãi suất ngân hàng xuống được”.
Ông giải thích, nguồn vốn trái phiếu chủ yếu được các ngân hàng thương mại mua, đưa vào thị trường liên ngân hàng để cho vay lẫn nhau, trong khi nông dân, doanh nghiệp rất khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh.
Báo cáo của uỷ ban Tài chính ngân sách cho biết, chi thường xuyên tăng tới 6,3% so với dự toán là 335.260 tỉ đồng. Điều đáng nói, khoản chi để duy trì bộ máy này lớn đến nỗi ngân sách không còn nguồn để chi cho đầu tư phát triển – vốn phải dựa vào bội chi ngân sách và phát hành trái phiếu.
Báo cáo của uỷ ban Tài chính ngân sách cho biết tiếp, chi thường xuyên tăng tới 6,3% so với dự toán là 335.260 tỉ đồng. Điều đáng nói, khoản chi để duy trì bộ máy này lớn đến nỗi ngân sách không còn nguồn để chi cho đầu tư phát triển – vốn phải dựa vào bội chi ngân sách và phát hành trái phiếu. |
Bộ trưởng Ninh, tất nhiên, có lý do để biện minh cho việc phát hành vốn trái phiếu chính phủ lên tới 68.000 tỉ đồng cho năm nay bởi “kế hoạch đầu năm thế nào thì chúng tôi điều hành đúng như thế”.
Ông Ninh nói: “Mục tiêu như Chính phủ chỉ đạo mỗi lần phát hành trái phiếu là phải hạ lãi suất để kéo lãi suất ngân hàng xuống. Phát hành trái phiếu mà làm cho lãi suất thị trường không xuống được thì là đi ngược. Hiện nay, lãi suất trái phiếu thấp hơn lãi suất huy động của các ngân hàng rồi”.
Bộ trưởng giải thích rằng, chính sách tài khoá “đương nhiên đồng hành” với chính sách tiền tệ để “phù hợp với tình hình chung”.
Tuy nhiên, những giải thích này của ông bộ trưởng không tương thích với đánh giá của chủ nhiệm uỷ ban Kinh tế Hà Văn Hiền. Ông Hiền cho rằng, lãi suất tăng quá cao, lên đến khoảng 18% trong quý 1 và 14% hiện nay, làm phần lớn các doanh nghiệp “rất khó khăn” về vốn cho sản xuất và kinh doanh.
Bên cạnh đó, ông Ninh nói rằng, Chính phủ đang giảm bội chi ngân sách vốn đã tăng rất cao lên gần 7% GDP trong năm ngoái, sau khi được phê chuẩn bởi Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội như là biện pháp kích thích kinh tế. Trong năm nay, Chính phủ chỉ thực hiện bội chi có 5,95% GDP, thấp hơn con số 6,2% GDP mà Quốc hội phê chuẩn.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế không chấp nhận cách giải thích này. Ông Kiêm nói: “Chi tiêu công gồm chi đầu tư và chi thường xuyên tăng rất cao, vẫn xả láng. Tức là trong khi cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân thắt lưng buộc bụng, thì ngân sách vẫn tiêu thoải mái. Đó là khập khiễng trong điều hành chính sách”.
Tư Giang
SÀI GÒN TIẾP THỊ
|