Tiêu chí phân bổ ngân sách: Ưu tiên tỉnh giàu?
Cách tính điểm theo đề xuất của Chính phủ "thiên về ưu tiên cho các tỉnh giàu" là nhận xét của Ủy ban Tài chính – Ngân sách về các tiêu chí phân bổ vốn đầu tư phát triển của Chính phủ.
Cùng với vấn đề này, nhiều nội dung liên quan đến phân bổ ngân sách Nhà nước khác đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 34, sáng 13/9.
Ưu tiên đất lúa, hộ nghèo
Theo dự kiến của Chính phủ, các tiêu chí phân bổ vốn đầu tư phát triển được phân theo 5 nhóm. Căn cứ vào các tiêu chí này để tính ra số điểm của từng tỉnh, thành và tổng số điểm của 63 tỉnh, thành để phân bổ vốn đầu tư trong cân đối.
Cụ thể, nhóm tiêu chí dân số có số điểm chiếm 11,3% tổng số điểm của các tỉnh, thành; tiêu chí trình độ phát triển chiếm 64,7%; tiêu chí diện tích chiếm 9,5%; đơn vị hành chính cấp huyện 8,7% và các tiêu chí bổ sung chiếm 5,8%.
Trong đó tiêu chí về trình độ phát triển bao gồm 3 tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo, thu nội địa và tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương của các tỉnh, thành phố.
Nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, điểm của tiêu chí số thu nội địa và tỷ lệ điều tiết ngân sách Trung ương chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng số điểm.“Cách tính này thiên về ưu tiên cho các tỉnh giàu, gây nên khoảng cách chênh lệch lớn giữa các địa phương, dẫn đến thiếu công bằng trong đầu tư giữa các địa phương”, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị cần xác định lại tiêu chí này cho phù hợp nhằm hỗ trợ thêm vốn đầu tư cho các tỉnh nghèo. Đồng thời tăng thêm từ 2 -3 điểm cho tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo, vì quy định 1 điểm cho 5% tỷ lệ hộ nghèo là quá thấp so với các tiêu chí cùng nhóm.
Một số con số cụ thể đã được cơ quan thẩm tra dẫn ra để minh chứng cho sự chênh lệch này. Theo đó, nếu tính điểm của riêng hai tiêu chí thu nội địa và tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương thì Tp.HCM có 2.127 điểm, còn Bình Phước được tính 13,3 điểm. Hà Nội đạt 1.440,3 điểm còn Hà Nam chỉ đạt 4,8 điểm. Trong khi điểm số về tỷ lệ hộ nghèo của Tp.HCM là 0,1 điểm, Bình Phước được tính 1,8 điểm, của Hà Nội là 1,3 điểm và Hà Nam là 2,3.
Vấn đề nữa được cơ quan thẩm tra đặc biệt nhấn mạnh là cần tính điểm cao hơn cho tiêu chí diện tích đất trồng lúa trên tổng diện tích đất tự nhiên để khuyến khích giữ loại đất này, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Lý lẽ cho việc tăng điểm này là các địa phương có diện tích đất trồng lúa cao đồng nghĩa với giảm đi nguồn thu từ chuyển quyền sử dụng đất, xây dựng khu công nghiệp mang lại nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Đảm bảo “công bằng tương đối”
Đồng tình với quan điểm của cơ quan thẩm tra, một số vị Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn chỉ ra không ít điều bất hợp lý trong cách tính điểm và đưa ra không ít lo ngại trong phân bổ và sử dụng ngân sách.
Nhìn vào bảng điểm cụ thể của từng địa phương, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng “đại vô lý” khi mà Tuyên Quang điểm thấp hơn Hà Giang, thậm chí thấp hơn cả Bắc Kạn.
Hay tại các tỉnh Tây Nguyên thì Lâm Đồng đứng sau Gia Lai, trong Khi Lâm Đồng thu ngân sách 3 nghìn tỷ đồng rồi, còn Gia Lai thì chưa đến 2 nghìn tỷ, và dân số của hai tỉnh này là tương đương nhau.
“Nên gửi trước cho đại biểu Quốc hội xem có công bằng hay không, nếu không đảm bảo công khai minh bạch thì sẽ có dư luận là tỉnh này, tỉnh kia được ưu tiên”, ông lo ngại.
Đề nghị chặt chẽ hơn nữa về tiêu chí trình độ phát triển, song Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cũng lưu ý việc làm thế nào để tránh tình trạng “phấn đấu” thành hộ nghèo, xã nghèo để hưởng ưu đãi.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đề nghị vốn đầu tư nên ưu tiên cho miền núi và khu vực biên giới. Về tiêu chí, ông Hiền cho rằng vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA rất lớn nhưng chưa theo tiêu chí rõ ràng. Vì thế dẫn đến tình trạng làm dự án sơ sài để nhận vốn, sau đó mới làm lại từ đầu, gây phân tán, lãng phí nếu dự án không đạt yêu cầu.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng đề nghị tiếp tục làm rõ các tiêu chí và giảm sự chênh lệch vùng miền lớn như hiện nay. Nếu 5% hộ nghèo tăng thêm 1 điểm thì còn thấp quá, bà Mai nhấn mạnh.
Cho rằng tiêu chí phân bổ ngân sách là vấn đề hết sức quan trọng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận “phê” Chính phủ vẫn làm theo nếp cũ, thời gian chuẩn bị gấp gáp, nội dung “hơi đơn giản”, chưa làm rõ được mục tiêu cần phải đạt được cho giai đoạn 2011 – 2015.
Đồng tình với “ý kiến của anh Thuận” và tiếp thu nhiều ý kiến khác, song Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cũng nhấn mạnh đây mới là “tiêu chí chia tiền” chứ chưa phải chi tiền. Vậy nên tỉnh nào nhiều điểm cần đầu tư nhiều vốn để phát triển, trên cơ sở cố gắng tiệm cận đến minh bạch và công khai.
Phát biểu kết thúc thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nêu thực tế việc thực hiện quy định hiện hành về ngân sách còn có những vấn đề chưa hợp lý liên quan đến công khai, minh bạch, bình đẳng…
Vì thế, cần ban hành quy định, tiêu chí, nguyên tắc chi thường xuyên và tiêu chí phân bổ ngân sách cho đầu tư phát triển trên cơ sở kế thừa những quy định hợp lý thời gian qua. Thời gian ổn định nguyên tắc, tiêu chí, định mức áp dụng cho 5 năm, nhưng trên cơ sở xác định cho năm 2011. Các năm sau căn cứ vào nguồn, khả năng, yêu cầu khác, chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo thẩm quyền để phù hợp với điều kiện từng năm.
Theo Phó chủ tịch, cũng nên linh hoạt, mềm dẻo giữa các tỉnh có nguồn thu lớn và những tỉnh nghèo. Tuy nhiên không thể cầu toàn mà đảm bảo công bằng tương đối theo yêu cầu nguyên tắc đề ra. “Những tỉnh có nguồn thu đóng góp cho Trung ương thì cũng cần có cơ chế khuyến khích, vì bỏ 1 đồng cho các tỉnh này thu được hàng nghìn đồng khác với tỉnh bỏ một đồng, thu được vài hào”, Phó chủ tịch nói.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch cũng lưu ý phải xác định nguồn vốn bổ sung này vào mục tiêu gì? Ví dụ đối với tỉnh có diện tích trồng lúa, bổ sung vốn phải đảm bảo giữ diện tích trồng lúa, tăng lương thực. Hướng dẫn của Chính phủ phải rất cụ thể trong việc quy định mục tiêu chi, Phó chủ tịch đề nghị.
Nguyễn Lê
TBKTVN
|