Thứ Bảy, 11/09/2010 14:27

Tính thuế phí bốc dỡ hàng hóa: "Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay"

Hải quan cho rằng việc thực hiện cộng phí xếp dỡ hàng tại cảng đến vào trị giá tính thuế với hàng nhập khẩu là đúng. Trong khi đó, doanh nghiệp nhập khẩu lại cho rằng điều này là bất hợp lý.

Hiện cơ quan hải quan đã cộng thêm 79-80 USD/container 20 feet và 120-124 79-80 USD/container 40 feet phí bốc dỡ tại cảng đến vào trị giá tính thuế của hàng nhập khẩu

Các doanh nghiệp cho rằng cách làm này của ngành Hải quan gây ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm của doanh nghiệp. Khi cộng thêm phí này vào thì trị giá tính thuế tăng lên, số thuế phải nộp cũng tăng, kéo theo giá cả hàng hóa cũng tăng.

“Cách hiểu mới”?

Một số doanh nghiệp cho biết lâu nay phí xếp dỡ hàng tại cảng đến không bị cộng vào trị giá tính thuế. Thế nhưng, Công văn số 1039/TCHQ do Tổng cục Hải quan gửi Cục Hải quan TP Hải Phòng lại hướng dẫn “phí xếp dỡ tại cảng dỡ hàng phải là một phần của trị giá tính thuế hàng hóa nhập khẩu” đã có một “cách hiểu mới”. Sau khi có công văn nói trên, nhiều doanh nghiệp, thậm chí nhiều đơn vị hải quan cũng phải gửi văn bản hỏi lại cho rõ về cách tính này và đều được trả lời rằng phải cộng.

Trong các văn bản trả lời, Tổng cục Hải quan đều dẫn lại quy định từ Thông tư 40/2008 về hướng dẫn xác định trị giá. Theo Thông tư 40/2008 thì “trị giá tính thuế hàng nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên”. Trong các khoản phải trả có “chi phí vận chuyển và mọi chi phí khác có liên quan trực tiếp đến vận chuyển hàng nhập khẩu đến địa điểm nhập khẩu, như chi phí bốc, dỡ, xếp và chuyển hàng, chi phí thuê các loại container, thùng chứa, giá đỡ...”. Do đó mà phải cộng phí bốc dỡ hàng tại cảng đến vào trị giá hàng. Theo ngành Hải quan, những năm gần đây, các hãng tàu đã tách khoản chi phí vận chuyển và phí bốc dỡ ra làm 2 khoản phí khác nhau. Các hãng tàu chỉ tính cước vận tải từ nước xuất khẩu về đến nước nhập khẩu và người bán hàng phải trả tiền cước phí.

Trước hiện tượng này, Bộ Tài chính đã tham khảo Bộ Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải. Hai bộ này thống nhất cộng chi phí bốc dỡ hàng vào chi phí trị giá tính thuế hàng nhập khẩu. Việc cộng phí xếp dỡ hàng tại cảng đến vào trị giá tính thuế này đã được hải quan các chi cục địa phương thực hiện theo Công văn số 1039/TCHQ do Tổng cục Hải quan ban hành ngày 15/3/2010.

Doanh nghiệp không đồng tình

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, họ nhập khẩu hàng về Việt Nam theo điều kiện giao hàng là CNF - FO. Điều này có nghĩa là chủ tàu được miễn phí dỡ hàng tại cảng đến. Và cũng theo thông lệ mua bán quốc tế, với điều kiện CNF, người bán phải chịu các khoản chi phí vận tải và các chi phí liên quan khác, kể cả chi phí bốc dỡ hàng trên tàu... Trong buổi đối thoại giữa doanh nghiệp và Cục Hải quan TPHCM gần đây, một số doanh nghiệp thắc mắc về việc cán bộ hải quan tự cộng thêm phí bốc dỡ hàng tại cảng đến vào trị giá hàng của doanh nghiệp để tính thuế. Lúc đó, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó phòng Nghiệp vụ của Cục cho biết, trong trường hợp trong tờ khai doanh nghiệp không tự cộng phí này vào trị giá tính thuế thì cơ quan hải quan sẽ cộng thêm với giá 79 - 80 USD/container 20 feet và 120 - 124 USD/container 40 feet. Mức giá này dựa trên mức phí bốc dỡ hàng thực tế tại cảng đến.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là khoản phí phát sinh ở cảng nhập khẩu. Và mặc dù doanh nghiệp nhập khẩu trả cho hãng tàu nước ngoài nhưng thực ra cảng sẽ được hãng tàu “thối” lại và đây là thu nhập của doanh nghiệp cảng ở nội địa. Thực chất đây là nguồn thu nội địa và doanh nghiệp cảng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu nhập này. Do đó, tính phí bốc dỡ hàng tại cảng đến vào trị giá hàng nhập khẩu để từ đó đánh thuế nhập khẩu là bất hợp lý. Nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là khoản phí không đáng kể, nhưng họ cho rằng dù ít nhưng thu không hợp tình hợp lý thì doanh nghiệp vẫn phải lên tiếng.

Thiết nghĩ, việc thi hành chính sách thuế phải nhất quán và có tính thuyết phục. Cộng khoản phí dỡ hàng tại cảng đến vào trị giá tính thuế hàng nhập chỉ được trả lời bằng những “công văn” sau khi doanh nghiệp và cả hải quan địa phương hỏi là không thuyết phục. Mặt khác, nếu “cách hiểu mới” này là đúng thì cũng nên thể chế hóa bằng văn bản pháp luật để doanh nghiệp được thông suốt, tránh những “mắc mớ” không cần thiết.

Ý kiến người trong cuộc:

* Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó phòng Nghiệp vụ, Cục Hải quan TPHCM:

Trước đây phí vận chuyển một container hàng hóa từ Singapore về cảng Cát Lái có chi phí trung bình là 1.000 USD, mức phí này bao gồm phí vận chuyển là 920 USD/container và phí bốc dỡ hàng tại cảng là 80 USD/container. Sau khi hãng tàu tách phí thì nhiều doanh nghiệp vẫn cứ khai chi phí gồm cước vận chuyển 920 USD/container mà không cộng phí bốc dỡ hàng tại cảng đến 80 USD/container. Vì vậy Tổng cục Hải quan quy định cộng phí bốc dỡ hàng tại cảng đến vào trị giá tính thuế là hợp lý. Hải quan sẽ không cộng chi phí bốc dỡ hàng hóa vào trị giá tính thuế, nếu doanh nghiệp chứng minh được phí bốc dỡ đã được người bán trả. Trên thực tế, hầu như không có doanh nghiệp nào chứng minh được điều này.

* Ông Nguyễn Khả Phong, Phòng Kế toán Công ty Chế biến bột mỳ MeKong:

Theo tôi, nếu cộng phí dỡ hàng tại cảng đến sẽ vi phạm nghiêm trọng Luật thuế xuất nhập khẩu (XNK) và Nghị định 40/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 (NĐ 40).

Căn cứ khoản 2 điều 9 chương II của Luật Thuế XNK về việc xác định trị giá tính thuế của hàng nhập khẩu thì “giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên theo hợp đồng, phù hợp với cam kết quốc tế”.

Mục 1 điều 7 Nghị định 40/2007/NĐ-CP quy định phương pháp xác định trị giá tính thuế theo trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu, theo đó “trị giá giao dịch là giá mà người mua thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho hàng hóa được bán để xuất khẩu tới Việt Nam, sau khi đã được điều chỉnh theo quy định tại Điều 13 Nghị định này”. Điểm đ mục 1 điều 13 Nghị định 40/2007/NĐ-CP quy định các khoản phải cộng để xác định trị giá tính thuế gồm “chi phí vận tải, bốc hàng, dỡ hàng, chuyển hàng có liên quan đến việc vận chuyển hàng nhập khẩu đến cửa khẩu nhập”. Điều đó chứng minh rằng những khoản mà nhà nhập khẩu phải trả cho nhà xuất khẩu và nhà vận chuyển (có cả phí bảo hiểm) để có hàng hóa “đến cửa khẩu nhập” không bao gồm phí dỡ hàng tại cảng đến. Hơn nữa, theo khoản 18 Điều 4 Luật Hải quan đã được sửa đổi, bổ sung năm 2005 có giải thích: Lãnh thổ Hải quan bao gồm những khu vực trong lãnh thổ Việt Nam, trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, nơi Luật Hải quan được áp dụng. Vì vậy tàu đến cảng là đã “đến cửa khẩu nhập” nên không thể cộng phí dỡ hàng tại cảng đến.

Mặt khác, phí dỡ hàng tại cảng đến là khoản mà người mua trả cho đơn vị khai thác cảng. Chi phí này sẽ chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo quy định của luật, nếu cộng khoản này thì phí dỡ hàng tại cảng nhập khẩu phải chịu hai lần thuế GTGT.

Hơn nữa tại thời điểm khai báo cơ quan hải quan, các chi phí phát sinh tại cảng như chi phí dỡ hàng chỉ phát sinh sau khi tờ khai hải quan được thông quan, doanh nghiệp làm thủ tục nhận hàng để mang về thì phải đóng các khoản chi phí này nên khi đăng ký tờ khai doanh nghiệp không thể khai báo khoản chi phí này. Như vậy, việc cộng phí dỡ hàng tại cảng đến vừa mâu thuẫn với các luật hiện hành, vừa sai về mặt bản chất kinh tế.

Ngọc Nhi

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Sắp hết thời hóa đơn đỏ (11/09/2010)

>   Hỗ trợ lãi suất mua tạm trữ lúa, gạo Hè Thu năm 2010 (10/09/2010)

>   Nhiều bất cập khi doanh nghiệp được tự in hóa đơn (10/09/2010)

>   Xây hệ thống tiêu chí mới phân bổ vốn phát triển (10/09/2010)

>   Công khai quyết toán ngân sách nhà nước (10/09/2010)

>   Ngành Thuế TPHCM phấn đấu đạt 100.000 tỷ đồng (10/09/2010)

>   Thuế đất nông nghiệp: Nghị quyết “vượt mặt” luật? (10/09/2010)

>   Băn khoăn hóa đơn tự in (10/09/2010)

>   Thanh toán thuế XNK bằng phương thức điện tử (09/09/2010)

>   Kiến nghị mở tờ khai xuất khẩu xe máy, ôtô nội địa (09/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật