Công khai quyết toán ngân sách nhà nước
Tổng cục Thống kê đã công bố quyết toán ngân sách nhà nước từ nhiều năm nay, nhưng số liệu hết sức hạn chế. Mới đây, Bộ Tài chính lần đầu tiên đã công bố công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008.
Số liệu công bố nhiều hơn so với của Tổng cục Thống kê, nhưng vẫn còn khá sơ sài. Tuy còn sơ sài cũng có thể thấy vài điều.
Các nước đều có luật chung về ngân sách nhà nước quy định về tổ chức các hệ thống ngân sách nhà nước, các nguyên tắc hoạt động cơ bản cho hệ thống ngân sách nhà nước, các thủ tục chung. Hàng năm dựa vào luật đó cơ quan hành pháp tiến hành làm dự toán, đệ trình các cơ quan hữu quan của Quốc hội, thảo luận, sửa đổi, hiệu chỉnh (theo các thủ tục định sẵn) và toàn bộ quá trình này được công khai. Cuối cùng Quốc hội thông qua luật về ngân sách cho từng năm và luật này quy định chi tiết về các khoản dự toán (thu và chi), cũng như việc phân bổ ngân sách chi tiết (cho từng dự án đầu tư, cho từng cơ quan (Bộ), cũng như các khoản hỗ trợ (thí dụ chi tiết, đến từng trường đại học, từng nhà hát và bảo tàng hay bệnh viện), vân vân. Luật được công bố công khai và ai cũng biết chi tiết dự toán ngân sách nhà nước (và quyết toán).
Các quy định của chúng ta còn rất thiếu. Chúng ta mới có luật khung, nhưng vẫn chưa hoàn thiện, và hàng năm không có Luật Ngân sách cho năm đó mà chỉ có các nghị quyết và đáng tiếc cả quá trình lẫn việc công bố chi tiết chưa được minh bạch và công khai.
Bản thân Luật Ngân sách nhà nước hiện hành (2002) chỉ hướng tới bội chi nhân sách. Cả trong luật lẫn nghị định chỉ thấy nói về bội thu, và không hề xuất hiện khái niệm thặng dư ngân sách.
Tuy số liệu do Bộ Tài chính mới công bố về quyết toán ngân sách 2008 còn chưa đầy đủ và chưa chi tiết, song có thể thấy vài điểm nổi bật.
Tổng chi ngân sách nhà nước năm 2008 là 659.488 tỉ đồng (ngân sách trung ương 358.921 và ngân sách địa phương 300.576 tỉ). Trong khi đó dự toán chi đã được Quốc hội thông qua cho ngân sách trung ương là 303.467 tỉ (tức là chi ngân sách trung ương đã vượt dự toán 58.345 tỉ, chiếm hơn 19% dự toán). Đã có khoản mục riêng về chi tiêu quốc phòng (30.017 tỉ đồng) và an ninh (14.312 tỉ đồng). Trước kia số liệu ngân sách nhà nước là bí mật quốc gia, số liệu về chi tiêu quốc phòng và an ninh càng là vậy. Nay đã công bố, đấy là một sự đổi mới có ý nghĩa.
Có một khoản đáng chú ý là 125.617 tỉ đồng (bằng 29,18% của chi theo dự toán Quốc hội) được gọi là “Kinh phí đã xuất quỹ ngân sách năm 2008 chưa quyết toán, chuyển sang năm 2009 quyết toán và số chuyển nguồn năm 2008 sang năm 2009 để chi theo chế độ quy định”. Gần 30% dự toán chi ngân sách đã được xuất quỹ, nhưng việc thực hiện đã không hoàn tất (nên Kho bạc Nhà nước chưa thanh toán và vì vậy không thể quyết toán và phải chuyển sang năm sau). Việc như vậy luôn có thể diễn ra, song cái bất bình thường ở đây là con số quá lớn và nó chứng tỏ kế hoạch chi ngân sách không sát với thực tế (hay trình độ làm dự toán có vấn đề).
Có một khoản mang tên “Chi từ các khoản thu quản lý qua Ngân sách nhà nước” là quá lớn, lên đến 55.755 tỉ đồng, cũng là một khoản rất không bình thường. Có lẽ phải chấm dứt tập quán “ghi thu - ghi chi”: để cho các tổ chức sự nghiệp tự quản và chỉ hạch toán vào chi ngân sách các khoản mà ngân sách thực phải chi cho chúng theo như thông lệ quốc tế. Làm như vậy sẽ rõ ràng hơn, và quan trọng là các đơn vị đó tự chủ hơn, nhà nước biết rõ nghĩa vụ chi của mình và rất minh bạch.
Từ số liệu do Bộ Tài chính công bố ta thấy tổng chi cho giáo dục đào tạo, dạy nghề năm 2008 là 53 ngàn 560 tỉ đồng, chiếm 8,12% tổng chi ngân sách nhà nước, trong đó chi ngân sách địa phương chiếm phần lớn.
Các khoản góp vốn cho các doanh nghiệp nhà nước, bù lỗ cho các doanh nghiệp xăng dầu, cho các doanh nghiệp nhà nước vay lại (lên đến 35 ngàn 408 tỉ đồng) cũng là các khoản rất không bình thường, khi so với tổng chi cho khoa học công nghệ chỉ là 3.191 tỉ đồng, chưa bằng 10% khoản chi đó. Không có gì ngạc nhiên là Việt Nam khó có thể có sức cạnh tranh và khó có khả năng cải thiện về công nghệ!
Có thể nói cơ chế chi ngân sách nhà nước của Việt Nam tuy đã có tiến bộ rất nhiều so với thời kỳ kế hoạch hoá tập trung, nhưng còn rất nhiều khiếm khuyết. Những con số về thu chi ngân sách mà Bộ Tài chính mới công bố, tuy còn rất sơ sài và thiếu chi tiết (và không rõ độ tin cậy thế nào), cũng phản ánh sự yếu kém đó.
Thu, chi ngân sách, quản lý ngân sách là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Chi tiêu không hiệu quả, không những làm giảm tốc độ phát triển của đất nước mà còn gây ra rất nhiều vấn đề xã hội, từ tham nhũng, lộng quyền đến nợ nần quốc gia. Thâm hụt ngân sách vẫn còn là căn bệnh kinh niên và nhiều khoản đã chi nhưng không được tính vào cân đối ngân sách. Nhà nước cần cải thiện mạnh mẽ công việc này của mình.
Nguyễn Quang A
lao động
|