Xung quanh vụ bắt giữ một số cán bộ lãnh đạo của Vinashin
Mua tàu, thiết bị cũ nát: chỉ là làm liều?
 |
Bơm tăng áp cũ nhập qua cảng Cái Lân. | Sau ông Phạm Thanh Bình, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin), thêm bốn cán bộ khác của tập đoàn này đã bị bắt giam vào ngày 3.9 với cáo buộc là đồng phạm với ông Bình trong hành vi “cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165, bộ luật Hình sự – theo thông báo của cơ quan điều tra.
Chưa kể một nghi can đã bỏ trốn, những đồng phạm của ông Bình gồm có: ông Trần Quang Vũ, nguyên tổng giám đốc điều hành Vinashin, ông Trần Văn Liêm, nguyên trưởng ban kiểm soát của Vinashin, ông Nguyễn Văn Tuyên, nguyên tổng giám đốc công ty cổ phần công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh và ông Nguyễn Tuấn Dương, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần đầu tư Cửu Long, nguyên tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên thép Cái Lân Vinashin.
Cho dù những thông tin mà cơ quan điều tra công bố về hành vi vi phạm của các cá nhân trên mới là kết quả điều tra ban đầu và họ chưa bị khẳng định là tội phạm theo pháp luật, nhưng những thông tin ban đầu ấy, cùng với diễn tiến các vụ việc ở Vinashin mà người ta đã được biết, cũng đã phần nào cho thấy cung cách điều hành, tổ chức kinh doanh ở tập đoàn này tuỳ tiện đến thế nào.
Điển hình cho cách nghĩ, cách làm phiêu lưu, tuỳ tiện của ban lãnh đạo Vinashin trước đây, trong đó trách nhiệm cao nhất thuộc về ông Phạm Thanh Bình và ông Trần Quang Vũ, chính là con tàu Bạch Đằng Giang. Con tàu này, theo như cơ quan điều tra thông báo, vốn là tàu do Ba Lan sản xuất năm 1973. Khi còn kiêm nhiệm chức vụ tổng giám đốc Vinashin, ông Bình cùng ông Vũ đã mua về với mục đích ban đầu là phá dỡ, bán sắt vụn, sau đó lại lập dự án hoán cải thành tàu có tên gọi Bạch Đằng Giang. Những ông chủ dự án lúc đó tính rằng sẽ chế tàu này thành tàu hút bùn, nếu thực hiện được chỉ cần bốn chuyến sẽ hoà vốn và sau đó có lãi. Ông Trần Quang Vũ, khi đó là tổng giám đốc tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ Nam Triệu, doanh nghiệp nhận tàu, triển khai dự án, đã dùng tàu thế chấp tại công ty tài chính của Vinashin để vay 106 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu quốc tế của Chính phủ. Nhưng tàu chỉ chạy được chuyến thứ nhất, sau đó… chìm. Khi trục vớt được, tàu đã bị hư hỏng nặng, không thể khôi phục được nữa, ông Vũ đã cho phá dỡ để bán sắt vụn dù chưa được sự đồng ý của lãnh đạo Vinashin và không thông báo cho công ty tài chính là đơn vị nhận thế chấp. Số tiền thu được từ việc bán sắt vụn tàu Bạch Đằng Giang cũng không hoàn trả cho công ty tài chính Vinashin, và tài sản nhà nước thế chấp bị mất. Theo cơ quan điều tra, việc làm đó của ông Vũ còn vi phạm quyết định số 36/2006/QĐ-BTC, ngày 7.7.2006 của bộ Tài chính, gây hậu quả kinh tế đặc biệt nghiêm trọng.
Nếu như con tàu Bạch Đằng Giang gắn với trách nhiệm của ông Bình, ông Vũ thì con tàu Hoa Sen do Vinashin mua của Ý lại gắn với trách nhiệm của ông Trần Văn Liêm, nguyên trưởng ban kiểm soát của Vinashin. Trước đây, ông Bình giao cho ông Liêm làm tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin, chủ đầu tư dự án mua tàu cao tốc Hoa Sen. Theo trung tướng Hoàng Kông Tư, thủ trưởng cơ quan An ninh điều tra, bộ Công an, thì việc mua tàu này là trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ông Liêm cũng đã không tổ chức chào hàng cạnh tranh, ký hợp đồng mua tàu trước khi lập dự án, không khảo sát kỹ thuật trước khi nhận tàu, trái với nghị định số 49/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quy trình mua bán tàu biển. Con tàu này khi nhập vào Việt Nam bị nứt đáy phải sửa chữa lớn. Tàu chạy không bao lâu đã hỏng, thua lỗ nặng và số tiền 1.300 tỉ đồng bỏ ra mua tàu coi như chỉ mua sắt vụn.
Còn ông Nguyễn Văn Tuyên, nguyên tổng giám đốc công ty cổ phần công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh làm chủ dự án đầu tư nhà máy nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định), trong khi ông Nguyễn Tuấn Dương, nguyên chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư Cửu Long, nguyên tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên thép Cái Lân Vinashin làm tổng thầu dự án này. Theo nguồn tin riêng của Sài Gòn Tiếp Thị, thực tế hai ông này đã mua máy móc, thiết bị của hai nhà máy nhiệt điện cũ từ năm 1960 và đã ngưng hoạt động từ năm 2004 của Hàn Quốc nhưng chủ yếu chỉ sử dụng tuabin chất lượng còn khá tốt, phần còn lại bán sắt vụn trong nước hoặc xuất sang Campuchia. Nhưng hai người này bị buộc tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng chính vì hành vi làm liều: trong số các thiết bị nhập về có cả các máy biến thế chứa chất độc hại mà Chính phủ Hàn Quốc cấm xuất và Chính phủ Việt Nam cấm nhập. Trong hồ sơ nhập khẩu, người ta thấy có hai văn bản: một là công văn 4407/TM – TTTM ngày 26.11.2006 do thứ trưởng bộ Thương mại lúc ấy là ông Lê Danh Vĩnh ký và công văn 2088/BM – TNMT – DCKS do thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường Đỗ Hùng Dũng ký nhưng đã được sửa đổi và photo, gửi cho phía Hàn Quốc để nhập 300 tấn thiết bị, trong đó có 20 máy biến áp cũ.
Cho tới nay, cơ quan điều tra chưa có kết luận về dấu hiệu tư lợi trong các thương vụ trên. Nhưng rõ ràng việc cố ý nhập tàu cũ nát, thiết bị máy móc cũ không thể sử dụng, thậm chí độc hại, không thể coi là những hành động “dám làm, dám chịu” vì lợi ích công. Với kết quả điều tra ban đầu như vậy, có thể thấy điểm chung xuyên suốt trong các hành vi của những cán bộ chủ chốt này của Vinashin là sự tuỳ tiện, làm liều, bất chấp quy định của Nhà nước trong việc triển khai các dự án có sử dụng nguồn vốn có nguồn gốc ngân sách tại doanh nghiệp, trong đó có cả vốn trái phiếu chính phủ.
Mạnh Quân
SÀI GÒN TIẾP THỊ
|