Xuất khẩu cá tra- chưa có giải pháp quản lý giá hiệu quả
Giá thành sản xuất trong nuôi cá tra ngày càng tăng (từ 15.500 đồng/kg trong năm 2009, lên 16.500 đồng/kg) do giá thức ăn liên tục leo thang, trong khi giá cá tra xuất khẩu sụt giảm liên tục (giảm từ 2,28 USD/kg trong năm 2009, xuống còn 2,13 USD/kg).
Mặt khác, các chi phí đầu vào của doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đều tăng, làm cho người nuôi cá lao đao, doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, nghề nuôi cá thiếu bền vững. Trước những khó khăn đó, phương pháp định ra giá sàn nhằm quản lý giá được đưa ra. Tuy nhiên, khi đi vào phân tích thì phương pháp này vẫn còn nhiều bất cập.
Tiềm năng cá tra
Các tỉnh đạt sản lượng nuôi trồng cá tra lớn gồm có Đồng Tháp khoảng 148 nghìn tấn; An Giang trên 103 nghìn tấn; Vĩnh Long gần 70 nghìn tấn; Cần Thơ trên 65 nghìn tấn; Tiền Giang 17 nghìn tấn; Hậu Giang gần 9 nghìn tấn… Tuy nhiên do giá cả không ổn định, giá thức ăn cao và lượng cá tiêu thụ chậm đã làm cho người nuôi không mạnh dạn đầu tư.
Tại vùng ĐBSCL, giá cá tra rất thất thường, trong những tháng gần đây giảm từ 800 đến 1.000 đồng/kg. Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu dao động ở mức 15.600 - 15.900 đồng/kg. Trong khi đó, giá thức ăn tăng liên tục, có tháng 4 - 5 lần điều chỉnh giá. “Với giá thành cá tra thương phẩm từ 15.500 đến 16.000 đồng/kg thì người nuôi chỉ từ hoà vốn tới lỗ”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định.
Cũng theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, do giá cá tra giảm và không ổn định nên có nhiều nơi đã treo ao, diện tích thả nuôi mới tăng không đáng kể sẽ gây khó khăn cho việc tạo nguồn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu vào những tháng cuối năm, làm cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản chưa thật sự bền vững. Về nguyên nhân dẫn tới cá tra trong nước giảm giá, Bộ NN&PTNT cho rằng, do đồng Euro đang bị mất giá nên việc xuất khẩu cá tra vào thị trường chung châu Âu sẽ gặp khó khăn, giá giảm nhiều so với xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Trong 5 tháng đầu năm 2010, mặt hàng cá tra, basa đứng vị trí thứ hai sau tôm về kim ngạch xuất khẩu, tương ứng với khối lượng xuất khẩu đạt 250 ngàn tấn, trị giá 536 triệu USD, tăng 21,24% về khối lượng và 13,17% về giá trị so với cùng kỳ.
Trước đó, số liệu thống kê 4 tháng của Bộ NN&PTNT cho biết, cá tra, basa là mặt hàng chủ đạo của xuất khẩu thủy sản với giá trị kim ngạch tương ứng là 306,98 triệu USD, cao hơn giá trị xuất khẩu tôm đông lạnh (219,97 triệu USD).
Giá sụt giảm liên tục
Theo báo cáo của Cục Chế biến Thương mại Nông lâm Thủy sản và Nghề muối, giá xuất khẩu cá tra bình quân giảm mạnh qua các năm: năm 2008 giảm 8% so với năm 2007; năm 2009 tiếp tục giảm 12,8% so với năm 2008. Năm 2009 vừa qua, giá cá tra xuất khẩu bình quân tại hầu hết các thị trường đều giảm mạnh, ngoại trừ thị trường Nga tăng 2,5% do thực hiện thống nhất cơ chế một giá xuất hàng đi Nga cho dù khối lượng và giá trị xuất khẩu sang Nga đã giảm hơn một nửa, trong khi thị trường Mỹ giảm nhẹ 1,5% mặc dù khối lượng và giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đều tăng trưởng cao.
Cục Chế biến Thương mại Nông lâm Thủy sản và Nghề muối cũng đưa ra 3 tồn tại tác động đến giá xuất khẩu cá tra. Một là do tác động khủng hoảng kinh tế thị trường co hẹp và sức mua kém. Hai là, chi phí sản xuất và lãi suất cao, hạn chế tín dụng, trong khi giá bán cá không tăng, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Người nuôi thua lỗ, cung cầu nguyên liệu không ổn định, khi thiếu nguyên liệu, khi lại tăng đột biến, gây tâm lý chạy theo số lượng, đồng thời bị nhà nhập khẩu ép giá. Ba là, cạnh tranh không lành mạnh của một số doanh nghiệp thông đồng với nhà nhập khẩu bán cá chất lượng thấp, giá thấp. Thông tin liên kết thị trường giữa các doanh nghiệp xuất khẩu còn nhiều hạn chế. Chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu không đồng đều, ghi nhãn mác không đồng nhất tác động đến các thị trường xuất khẩu.
Về việc cạnh tranh không lành mạnh của doanh nghiệp, các chuyên gia trong lĩnh vực Thủy sản cho rằng, các nhà thương mại rất giỏi và năng động nhưng họ không có nhà máy nên không bị áp lực về việc trả lương cho công nhân, khoản tiền đầu tư cơ sở sản xuất… vì vậy mà giá nào họ cũng bán miễn là có lời dù rất nhỏ. Hiện nay chỉ có khoảng 100 nhà máy sản xuất, còn lại có tới 400 nhà thương mại, do vậy việc quản lý cả 500 doanh nghiệp này về giá sàn là rất khó.
Giá sàn – khó thực hiện
Hiện nay, để khắc phục tình trạng một số doanh nghiệp chào hàng xuất khẩu với giá thấp gây ảnh hưởng xấu đến mặt bằng giá cả chung cũng như góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm, uy tín cá tra nước ta trên thị trường quốc tế, một số chuyên gia đã đưa phương pháp định ra giá sàn với mức đề xuất cho giá sàn xuất khẩu cá tra philê tại thị trường Mỹ là 1,55 USD/pound, tương đương với 3,3 USD/kg cho 100% net. Thị trường Châu Âu mức giá sàn được đề xuất thấp hơn ở mức 2,75 USD/kg và thị trường Ôxtrâylia cũng tương tự giá như tại EU với 100% net. Tại thị trường Nga giá sàn được đề xuất ở mức 1,75 USD/kg cho 100% net, bao gồm cả sản phẩm đóng gói nhỏ vào các siêu thị. Các nước khác theo sản phẩm tương tự để vận dụng, như Ai Cập, Ucraina sản phẩm gần giống với thị trường Nga nên mức giá sàn cũng xấp xỉ như vậy.
Tổng Thư ký VASEP, Ông Trương Đình Hoè cho rằng, trước đây VASEP đã tiến hành thử nghiệm nhiều lần về mức giá sàn, nhưng qua thực tế rất khó thực hiện vì quy cách của sản phẩm cá tra khá đa dạng, thị trường thay đổi, và quan trọng là chưa có chế tài xử phạt khi doanh nghiệp vi phạm.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lại cho rằng, cá tra khó có thể đưa ra mức giá sàn giống như gạo, vì philê cá tra xuất khẩu có hàng chục loại sản phẩm khác nhau nên việc đề xuất chung một mức giá sàn là không hợp lý. Các doanh nghiệp đều thừa nhận rằng, giá cá xuất khẩu có liên quan chặt chẽ tới chất lượng sản phẩm. Sản phẩm có giá thấp thì chất lượng không tốt, sẽ làm ảnh hưởng tới hình ảnh của sản phẩm cá tra trên thị trường thế giới. Vì vậy, việc quản lý giá cá tra phải đồng thời với quản lý được chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Trí Quang
CÔNG THƯƠNG
|