!
Thứ Hai, 16/08/2010 08:26

Về đề nghị tăng giá điện của VEA: Quá sức chịu đựng!

Việc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng điều chỉnh tăng giá điện từ 5 cent hiện nay lên 8 cent đã gây sốc trong cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân. Dưới đây là ý kiến đại diện DN, hiệp hội trước thông tin trên.

*Tổng giám đốc Công ty Khai thác liên doanh Khu chế xuất Sài Gòn - Linh Trung Nguyễn Văn Bé: Không đủ cơ sở

Việc VEA đề xuất nâng giá điện từ 5 cent/kWh lên 8 cent/kWh và xóa bỏ giá điện bậc thang với mục đích tăng nguồn thu bù đắp khó khăn cho tái đầu tư các dự án trong quy hoạch điện 6 và 7 là không đủ cơ sở. Bởi hiện nay giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất điện như than, dầu trên thị trường thế giới đang khá ổn định nên không tác động nhiều đến chi phí đối với ngành điện. Thực tế, giá điện hiện nay đã quá cao và ngoài sức chịu đựng của DN và người dân.

Do đó, nếu giá điện tăng thêm như đề nghị của VEA, chắc chắn sản xuất kinh doanh của DN và đời sống của người dân sẽ đảo lộn rất lớn. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, các DN đang cố gắng vực dậy sau thời gian ảnh hưởng nặng nề của tình trạng suy giảm kinh tế kéo dài vừa qua. Giá điện tăng hiện nay sẽ tác động trực tiếp đến giá thành bởi nguyên liệu đầu vào tăng dây chuyền. Trong khi đó, kế hoạch sản xuất kinh doanh của các DN thường được lập từ những tháng, quý đầu năm nên trở tay không kịp.

Chưa kể, nếu tăng giá điện theo dạng “cào bằng” thì công nhân sẽ lao đao khi chi phí nhà trọ, tiền chợ cũng tăng lên. Tôi cho rằng, Chính phủ không nên đồng ý tăng giá điện vào thời điểm này, bởi sẽ có những biến động rất lớn và gây ra nhiều hậu quả tác động xấu đến nền kinh tế, đời sống xã hội.

*Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TPHCM Bùi Quang Hải: Phải có lộ trình

Trong thời điểm kinh tế còn khó khăn mà ngành điện đề nghị tăng giá sẽ tạo ra cú sốc lớn cho cộng đồng DN và xã hội. Chưa kể, với mức tăng trên 50% theo đề nghị của VEA là quá cao, lại vào thời điểm khá nhạy cảm. Với xu thế chung, ngành điện cũng nên tăng giá. Tuy nhiên, việc tăng giá chỉ nên nhích dần, từ từ và có lộ trình. Mỗi lần tăng giá quá lắm là 20% để DN, người dân dần thích nghi.

Việc tăng cao và đột ngột sẽ khiến DN khó hạch toán giá thành; thị trường rối về giá và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng đột biến. Và hậu quả là những ngành phụ thuộc nhiều vào ngành điện bị đình đốn, còn người dân vốn khó khăn càng thêm khó khăn. Đối với việc bỏ giá bậc thang cũng nên làm để tạo sự công bằng trong xã hội. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có trợ cấp xã hội hợp lý đối với các đối tượng nghèo. Đánh giá, phân loại hộ nghèo để trợ cấp là cần thiết và thực hiện được. Hiện các nước trên thế giới cũng đã áp dụng mô hình này.

*Tổng giám đốc Công ty Northern Viking Technologies Nguyễn Hải Triều: Sẽ có nhiều doanh nghiệp đóng cửa

Tôi quan sát thấy mỗi lần đề xuất điều chỉnh tăng giá điện, phía ngành điện đều viện lý do giá bán thấp so với các nước trong khu vực dẫn đến lỗ. Do đó, không có vốn để tái đầu tư các dự án điện. So sánh như vậy là khập khiễng. Bởi nếu xét bình quân, GDP của nước ta đang thấp hơn các nước rất nhiều. Còn nói lỗ sao mỗi lần kiểm toán lại phát hiện ngành điện lời cả ngàn tỷ đồng và đề nghị được chia thưởng cho CB-CNV trong ngành?

Thực tế tình hình biến động kinh tế toàn cầu hiện nay cho thấy sắp tới còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy, nếu giá điện tăng, chắc chắn sẽ có nhiều DN phải đóng cửa, trong đó có khối DN sản xuất, chế biến thủy sản sử dụng khá nhiều điện như chúng tôi. Trước khủng hoảng kinh tế, ngành thủy sản chỉ lời bình quân 1%-2%, còn hiện nay nếu thuận buồm xuôi gió là huề vốn. Với tình hình như vậy mà giá điện lại tăng vào thời điểm này sẽ tăng thêm gánh nặng cho DN. Tôi đề nghị, ngành điện chỉ nên tăng giá vào thời điểm GDP phát triển ổn định trở lại.

*Giám đốc Công ty Tư vấn - Xây dựng Rồng Vàng Hoàng Văn Tiều: Cần minh bạch, khách quan

Nếu muốn điều chỉnh giá điện tăng, trước hết ngành điện phải xây dựng phương án giá điện phải đảm bảo minh bạch, khách quan; không lập lờ “lỗ giả lời thật” như lâu nay để liên tục xin “cơ chế”. Theo tôi, việc trước mắt là ngành điện cần tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng năng suất lao động, giảm tổn thất, giảm giá thành, qua đó góp phần giảm áp lực tăng giá điện, thay vì luôn “đòi” tăng giá.

Mặt khác, ngành điện cần phải công khai giá thành sản xuất kinh doanh điện để toàn xã hội hiểu và ủng hộ việc điều chỉnh giá điện thay vì mập mờ như hiện nay. Phía nhà nước cần có giải pháp để hạn chế tác động tới những hộ gia đình có thu nhập thấp, đời sống còn khó khăn. Đồng thời có phương án xem xét tác động của việc điều chỉnh giá điện với kinh tế xã hội và các hộ gia đình và có biện pháp để kiểm soát chặt chẽ.

Lạc Phong

SÀI GÒN GIẢI PHÓNG

Các tin tức khác

>   Thị trường bánh trung thu: Vào mùa! (16/08/2010)

>   Habeco khánh thành nhà máy bia lớn nhất Đông Nam Á (16/08/2010)

>   Không chỉ tại doanh nghiệp (16/08/2010)

>   Thêm hãng sữa tăng giá (16/08/2010)

>   Xuất khẩu hơn 4,2 triệu tấn gạo (16/08/2010)

>   Tìm thị trường xuất khẩu xi măng (16/08/2010)

>   Thị trường xe hơi ế ẩm (16/08/2010)

>   Nghịch lý ngành thép (16/08/2010)

>   Tái cấu trúc Vinashin Dung Quất: giải thể 4 công ty thành viên (15/08/2010)

>   Xe đạp trước nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá lần hai (15/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật