Thị trường bánh trung thu: Vào mùa!
Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới đến tết Trung thu, nhưng từ đầu tháng 8, hàng loạt các “đại gia” tên tuổi như Kinh Đô, Hữu Nghị, Bánh mứt kẹo Hà Nội (Hanobeco), Bibica, Hải Hà Kotobuki đã tung mẻ hàng đầu tiên ra thị trường.
Sản phẩm được đưa ra thị trường sớm, doanh số bán không đáng kể, nhưng các nhà sản xuất vẫn tung ra để chiếm lĩnh mặt bằng và gây ấn tượng với người tiêu dùng.
Lượng tăng - giá cũng tăng
Hầu hết các nhà sản xuất đều lạc quan về sức mua của thị trường bánh trung thu năm nay bởi nền kinh tế đang được hồi phục, nhu cầu mua hàng sử dụng và làm quà biếu sẽ tăng lên. Đây chính là lý do khiến không ít nhà sản xuất đã mạnh dạn tăng sản lượng bánh ra thị trường khoảng vài chục phần trăm so với năm ngoái. Cụ thể, Công ty Cổ phần Kinh Đô đưa ra thị trường tổng sản lượng 1.900 tấn bánh Trung Thu (tăng 100 tấn so với năm 2009), trong đó riêng dòng sản phẩm Trăng Vàng cao cấp là 240.000 hộp phục vụ thị trường. Ông Phan Văn Thiện - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BiBica cho biết, Bibica cũng có kế hoạch sản xuất khoảng 500 tấn bánh, tăng 20% so với năm 2009. Còn Bà Nguyễn Hồng Ngọc – Phụ trách Marketing của Công ty Cổ phần Sài Gòn Grival cũng cho biết, trung thu năm nay, Givral sẽ giới thiệu ra thị trường 27 loại bánh Trung Thu. Dự kiến, sản lượng bánh của Givral năm nay sẽ tăng 50% so với năm 2009.
Theo khảo sát, giá bánh năm nay tăng ít nhất 20% so với năm ngoái. Nguyên nhân được các nhà sản xuất cùng đưa ra là do giá nguyên liệu sản xuất như đường, đậu xanh, trứng muối, lạp xườn, các loạt hạt… đều tăng từ 20-30% so với năm ngoái. Cụ thể, giá đường năm ngoái chỉ có trên dưới 10.000 đồng/kg, năm nay đã lên từ 17.000 đồng đến 18.000 đồng/kg.Các loại hạt dưa, hạt điều, hạt sen… giá cũng tăng từ 10% đến 20%. Lạp xưởng là nguyên liệu không thể thiếu trong các loại bánh Trung thu thập cẩm, giá hiện cũng tăng 10% so với cùng kỳ. Giá đậu xanh hiện tăng khoảng 35% so với cùng kỳ. Nếu như năm ngoái, giá đậu xanh chỉ có 30.000 đồng/kg thì năm nay đã lên đến 50.000 đồng - 52.000 đồng/kg…
Giá nguyên liệu tăng, giá điện, nước, nhân công phục vụ sản xuất cũng tăng, vì vậy, giá thành sản phẩm được đẩy lên cao là điều không thể tránh khỏi. Nếu như năm ngoái, loại bánh thấp nhất của Hữu Nghị có giá 22.000 đồng/chiếc, thì năm nay loại bánh này đã tăng lên mức 24.000 đồng/chiếc. Cũng trong năm ngoái, hộp bánh biếu thấp nhất của Hữu Nghị có giá 260.000 đồng, nhưng giá hiện tại của loại bánh đó năm nay đã là 280.000 đồng. Tương tự, năm ngoái, bánh đậu xanh 1 trứng 150g của Kinh Đô có giá 28.000 đồng/chiếc, thì năm nay, loại bánh này đã tăng lên 29.000 đồng. Loại bánh cao cấp của Kinh Đô cũng được điều chỉnh lên đến 25% so với năm ngoái. Năm nay, dòng bánh cao cấp của Kinh Đô có giá từ có giá từ 350.000 - 720.000 đồng/hộp, các sản phẩm của dòng đặc trưng có giá 159.000 - 225.000 đồng/bánh. Bibica năm nay cũng công bố tăng giá bánh trung thu khoảng 10% so với năm 2009. Giá bán lẻ các sản phẩm bánh trung thu của Bibica dao động từ 23 - 72.000 đồng/chiếc tùy theo trong lượng và hương vị, bánh cao cấp dao động từ 280.000 - 800.000 đồng/hộp. Bánh trung thu của Givral có giá từ 39 - 166.000 đồng/chiếc tùy từng loại với các hương vị khác nhau. Riêng loại bánh có trọng lượng 1 kg với mẫu mã bao bì sang trọng, cổ điển thường được khách hàng lựa chọn làm quà biếu có giá 420.000 đồng.
Sản phẩm đa dạng - mẫu mã phong phú
Trung Thu năm nay tiếp tục chứng kiến sự đa dạng về chủng loại, mẫu mã mới của các nhà sản xuất. Bên các dòng bánh truyền thống, năm nay, BiBica đẩy mạnh dòng bánh trung thu dinh dưỡng dành cho người ăn kiêng, người bị bệnh tiểu đường, tim mạch nhờ việc thay thế các nguyên liệu tạo ngọt, béo truyền thông bằng các sản phẩm chuyên dụng như đường isomalt hoặc đường có nguồn gốc từ thiên nhiên. Sản phẩm của Bibica năm nay cũng có những cải tiến mới, đặc biệt nhất là hộp Đế Nguyệt 960g gồm 8 bánh với các hương vị như: Bào ngư, vi cá, hải sâm, sò điệp sốt XO, tôm Wasabi…
Không thua kém “đối thủ”, Kinh Đô cũng cho ra mắt dòng sản phẩm bánh Trung Thu Chay hảo hạng, được chế biến từ 100% nguyên liệu chay cao cấp. Bộ sản phẩm Trăng Vàng Thanh Tịnh với 4 hương vị chay: Bào Ngư Thượng Hải, Cua Alaska, Tôm Càng Biển Đông & Trà Xanh Hạt Macadimia Hawai và Đậu Xanh hạnh nhân cao cấp. Nổi bật nhất là bộ sản phẩm Trăng Vàng Hưng Phú được chế biến theo công nghệ sản xuất bánh Trung Thu hiện đại với bánh Trung Thu Tuyết và bánh Pha Lê màu sắc tự nhiên... Ngoài ra, Kinh Đô còn tiếp tục cải tiến dòng sản phẩm truyền thống theo hướng giảm ngọt, bổ sung chất xơ, nâng chất lượng sản phẩm tối ưu và khác biệt hoá hương vị từng loại nhân bánh.
Hải Hà - Kotobuki cũng tung ra thị trường nhiều loại bánh Trung Thu cao cấp như: Thu nguyệt đoàn viên, Minh nguyệt đoàn viên, Dạ nguyệt đoàn viên, Vọng nguyệt đoàn viên, bánh Trung Thu An Sinh sử dụng đường Isomalt có năng lượng thấp thích hợp với người ăn kiêng và người cao tuổi. Ngoài ra, Công ty còn có sản phẩm cao cấp hơn như: Trăng Vàng Vinh Quy, Trăng Vàng Đoàn Viên, Trăng Vàng Tiên nữ, với nhiều hương vị đặc biệt như: Gà quay vi cá, Gà quay bào ngư...
Tương tự, Hữu Nghị cũng chào bán ra thị trường bộ sản phẩm Trăng Vàng cao cấp: Trăng Vàng may mắn, Trăng Vàng Đất Việt, Trăng Vàng hạnh phúc, Trăng Vàng thân thiện, Trăng vàng thịnh vượng vói bao bì bắt mắt ...
Để gây ấn tượng mạnh tới người tiêu dùng, năm nay, nhiều hãng bánh rất chú trọng vào công đoạn thiết kế và làm mới các mẫu mã bao bì. Ngoài việc tiếp tục đầu tư các mẫu túi, hộp làm từ chất liệu thân thiện môi trường, có khả năng tự hủy linh hoạt cũng như các mẫu hộp chất liệu sang trọng phục vụ nhu cầu biếu tặng, năm nay, Kinh Đô còn thể hiện bao bì của mình nhằm chào mừng Đại lễ nghìn năm Thăng Long. Bao bì của Kinh Đô đã tạo dựng không khí lễ hội truyền thống thông qua việc bài trí các điểm bán, gian hàng bằng hệ thống đèn lồng bao quanh. Tương tự, Hữu Nghị cũng đưa ra thiết kế chào mừng Đại lễ. Theo đó, nhà sản xuất này đã tăng cường hình ảnh hoa sen với các màu sắc như trắng, đỏ, hồng và hình ảnh con rồng đời Lý làm biểu tượng trên các bao bì sản phẩm cũng như trang trí gian hàng. Bộ bánh Trung Thu cao cấp năm nay của Bibica được thiết kế độc đáo với hình tượng chùa Một Cột, con rồng nhà Lý.
Hàng “độc” chưa xuất hiện
Bánh trung thu vốn là một món ăn dân dã trong dịp rằm tháng Tám. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, thứ bánh này đã trở thành món quà biếu, tặng cho nhiều mục đích khác nhau, đặc biệt là mục đích xây dựng quan hệ xã hội. Chính vì vậy, các nhà sản xuất đã “biến” sản phẩm dân dã thành một thứ hàng xa xỉ phẩm với mẫu mã cầu kỳ, tên gọi mỹ miều và nhân bán thì đủ loại sơn hào hải vị.
Từ đầu tháng 8, bánh trung thu của các hãng đã xuất hiện tại các cửa hàng, đại lý bánh kẹo lớn tại Hà Nội và TP.HCM. Theo khảo sát, lượng khách đến mua hàng chưa nhiều. Các sản phẩm vừa được tung ra, chủ yếu vẫn là sản phẩm truyền thống như bánh nướng, bánh dẻo nhân đậu xanh, lạp xường, thập cẩm, vi cá…. Một vài quầy hàng có treo bảng giá các loại bánh cao cấp, tuy nhiên, sản phẩm “độc” vẫn chưa được các nhà sản xuất tung ra.
Lý giải điều này, một hãng sản xuất cho biết, thị trường bánh Trung thu chỉ thực sự sôi động vào thời điểm cách ngày rằm Trung thu khoảng 20 ngày. Trong khi đó, những sản phẩm “độc” thường là dùng làm quà tặng và khá đắt tiền, nếu đưa ra sớm chưa có người mua, chưa tới Trung thu đã hết “đát”, doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại.
Hầu hết các sản phẩm bánh trung thu đều có hạn dùng từ 20-30 ngày. Việc các nhà sản xuất đưa bánh sớm ra thị trường cũng nằm trong sự tính toán chặt chẽ. Các nhà sản xuất đều chấp nhận đưa bánh ra sớm để thăm dò thị trường, nếu bán không hết, đến hạn sẽ hủy, lấy lãi bán trong dịp những ngày cận trung thu để bù vào.
Doãn Hiền
diễn đàn doanh nghiệp
|