Chủ Nhật, 01/08/2010 11:28

Phần chìm đang nổi

1. Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần ở TPHCM như đang ngồi trên đống lửa. Mấy tháng trước, một tập đoàn nhà nước hứa sẽ góp vốn và trở thành cổ đông lớn của ngân hàng này trong đợt tăng vốn lên 3.000 tỉ đồng, nhưng mới đây họ đã từ chối.

Lý do là họ thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 09/2009/NĐ-CP ngày 5-2-2009, theo đó vốn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán của công ty nhà nước chỉ được một đơn vị/lĩnh vực. Bây giờ, tổng giám đốc nọ được hội đồng quản trị giao nhiệm vụ phải tìm được người mua ít nhất 25% số vốn điều lệ mới của ngân hàng. Ai mua? Mua với giá nào? Họ sẽ hỗ trợ ngân hàng ra sao?... toàn những câu hỏi “nhức đầu”!

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhà nước mới là những người “đau đầu” hơn cả. Họ có hai năm kể từ ngày 25-3-2009 (là ngày Nghị định 09 có hiệu lực) để tiến hành thoái vốn, giảm bớt các khoản đầu tư ra ngoài ngành, đưa chúng trở về đúng mức quy định. Từ nay đến thời điểm đó, các công ty nhà nước còn tám tháng để xử lý.

Nếu thị trường chứng khoán tăng trưởng, và các khoản đầu tư là vào doanh nghiệp niêm yết, thì họ còn thời gian rảnh rang. Nhưng phần lớn các khoản đầu tư ra ngoài ngành thuộc thị trường OTC, lập công ty mới, góp vốn hợp đồng hợp tác kinh doanh, nên chuyển nhượng vốn góp không dễ dàng, nhất là ở những đơn vị mới đi vào hoạt động, chưa có lợi nhuận.

Giám đốc tài chính của một tập đoàn tầm cỡ nói: “Từ năm ngoái chúng tôi đã rà soát, đã thoái dần những khoản đầu tư không nằm trong ngành nghề kinh doanh chính. Nhưng không phải cứ muốn là thoái được”.

Khó nhất, theo quy định tại khoản 5, điều 12 của Nghị định 09 là “công ty nhà nước không góp vốn hoặc mua cổ phần của quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán”. Trong số hàng trăm công ty chứng khoán, quỹ đầu tư đang tồn tại, có không ít đơn vị nhận được sự góp vốn của cổ đông nhà nước dưới hình thức khác nhau, kể cả sự góp vốn của công ty con của các tập đoàn.

Phải thoái vốn những khoản đầu tư có thể chứa đựng nhiều rủi ro là việc cần làm. Song ngay cả những khoản đầu tư không có rủi ro công ty nhà nước cũng phải xem xét hạn chế. Khoản 7, điều 12 Nghị định 09 định nghĩa rất rõ các hình thức đầu tư ra ngoài công ty nhà nước, trong đó có mua công trái, trái phiếu để hưởng lãi. Điều này có nghĩa với các tập đoàn nhà nước có nguồn thu lớn, việc đầu tư vào trái phiếu, công trái cũng phải tính toán để làm sao toàn bộ các khoản đầu tư ngoài ngành (kể cả trái phiếu, công trái) chỉ được đến giới hạn tối đa 30% tổng nguồn vốn đầu tư.

Một khó khăn khác mà các công ty nhà nước có mức đầu tư ra ngoài ngành vượt quy định đang phải đối mặt là chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính “không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán” (khoản 4a, điều 16). Đối với những khoản đầu tư tại công ty niêm yết, phương thức bán được quy định là khớp lệnh, đấu giá, thỏa thuận, giá bán “không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán” là khả thi. Nhưng với các khoản đầu tư vào công ty chưa niêm yết, mà giá bán cũng phải tuân thủ quy định trên, thì người bán chịu chết vì không biết xác định giá thị trường tại thời điểm bán như thế nào cho phù hợp.

2. Tuần qua, Công ty Đầu tư tài chính BIDV thông báo đã bán hết 3,47 triệu trong tổng số 3,55 triệu cổ phiếu của Công ty Thuận Thảo (GTT - Hose). Sau đó BIDV chi nhánh Hải Phòng đăng ký bán 1 triệu trong tổng số 2,2 triệu cổ phiếu của Công ty Dầu khí An Pha (ASP - Hose). BIDV cũng như các ngân hàng, đang trong quá trình thực hiện Thông tư 13 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) (xem bài “Dấu hiệu tảng băng trôi”, TBKTSG số 30-2010 ra ngày 22-7-2010).

Thông tư 13 vẫn tiếp tục là một trong những chủ đề “nóng” của giới ngân hàng. Có những quy định mà việc thực hiện có thể sẽ làm thay đổi hẳn cơ cấu cũng như tăng trưởng tín dụng của ngân hàng, và qua đó tác động đến nền kinh tế. Khoản 5.6 điều 5 là một quy định như vậy.

Cụ thể: “Các khoản cho vay để đầu tư chứng khoán, các khoản cho vay các công ty chứng khoán, các khoản cho vay nhằm mục đích kinh doanh bất động sản thuộc dạng tài sản “Có” có hệ số rủi ro bằng 250%”.

Trên thực tế, một khoản vay nếu có mất hoàn toàn thì cũng chỉ là 100% (không kể lãi), nhưng quy định trên đã nâng hệ số an toàn lên tới 250% là một cách chế tài: nếu ngân hàng cho vay chứng khoán, kinh doanh bất động sản, thì nó sẽ “ăn” lẹm vào “room” để dành cho các khoản cho vay khác như cho vay sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, xuất nhập khẩu… Với chế tài này, nói như tổng giám đốc một ngân hàng, là nên dừng cho vay chứng khoán, bất động sản hoặc hạn chế cho vay đến mức tối đa có thể.

Quan trọng hơn, như phản ánh của một số ngân hàng, mới đây trong các buổi thảo luận, hướng dẫn về Thông tư 13 NHNN đã chỉ rõ cho vay chứng khoán phải hiểu theo Luật Chứng khoán, có nghĩa là bao gồm cả cổ phiếu, trái phiếu, và các công cụ phái sinh. Tổng giám đốc một ngân hàng nói: “Có ba yếu tố tác động vào một khoản vay: tài sản thế chấp, nguồn trả nợ và mục đích sử dụng vốn. NHNN hướng dẫn nếu một trong ba yếu tố đó, cái nào có hệ số rủi ro cao nhất, thì lấy cái đó làm hệ số rủi ro chung cho khoản vay”.

Vậy một tổ chức thế chấp trái phiếu để vay tiền kinh doanh bất động sản, nguồn trả nợ là trái phiếu, thì khoản vay đó vẫn phải xếp vào danh mục có hệ số rủi ro 250%. Một cá nhân thế chấp sổ tiết kiệm vay tiền mua cổ phiếu, khoản cho vay đó cũng có hệ số rủi ro 250% cho dù ngân hàng cho vay tối đa bằng 90% giá trị sổ tiết kiệm. Mục đích sử dụng vốn vay có lẽ đang được xếp lên hàng đầu, nhưng ngân hàng liệu có kiểm soát được ý chí của người vay tiền?

Những dấu hiệu về sự thu hẹp của dòng tiền chảy vào chứng khoán, bất động sản, buộc các doanh nghiệp nhà nước phải tập trung vào hoạt động kinh doanh chính, đang rõ dần. Phần chìm của tảng băng trôi trên thị trường tài chính, mà chúng tôi đã từng đề cập trong số báo trước, đang từ từ nổi lên. Để nổi hết, nó cần bao nhiêu thời gian? Chỉ có thị trường mới có thể cho câu trả lời chính xác!

Hải Lý

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Dòng tiền dịch chuyển sang sàn Hà Nội (01/08/2010)

>   Lo ngại tỷ giá, khối ngoại bán ròng nguyên tuần (31/07/2010)

>   Tiêu điểm kinh tế tuần 02/08 – 07/08 (31/07/2010)

>   Cổ phiếu giá khủng tại UPCoM (31/07/2010)

>   Hủy giao dịch mức giá 500.000 đồng cổ phiếu WTC (31/07/2010)

>   UPCoM-Index giảm 2,24 điểm sau 1 tuần giao dịch  (30/07/2010)

>   BCTC và “khoảng trống” mang tên "cổ phiếu OTC" (30/07/2010)

>   Thiếu dòng tiền dẫn dắt (30/07/2010)

>   Cổ phiếu vận tải biển: Của để dành (30/07/2010)

>   HOSE thay đổi giờ giao dịch từ tháng 9/2010 (30/07/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật