Thứ Sáu, 20/08/2010 06:48

OTC, sống nhờ repo 

Trong khi cơ quan quản lý vẫn loay hoay chưa định ra mô hình hợp lý để quản lý giao dịch cổ phiếu của các công ty đại chúng (CTĐC) trên TTCK tự do (tồn tại bên cạnh hai sàn niêm yết và UPCoM), thì các CTCK và môi giới đã linh hoạt tìm ra cơ chế tạo thanh khoản cho các cổ phiếu này. Một trong những cách là hỗ trợ tài chính cho NĐT dưới hình thức repo cổ phiếu.

Giao dịch gắn với repo

Cách đây 3 tuần, giới đầu tư Hà Nội rộ lên việc tìm mua cổ phiếu CTCP Đầu tư phát triển đa quốc gia (IDI), sau khi có thông tin công ty này sẽ chào sàn trong quý III trên HOSE, với giá 36.000 đồng/CP. Trên thị trường, giá cổ phiếu này giao dịch ở mức 23.000 đồng/CP, được repo với giá 13.000 đồng/CP. Cổ phiếu CTCP Bất động sản Eximbank giao dịch ở mức 15.000 đồng/CP, được repo với giá 12.000 đồng/CP. Cổ phiếu CTCP Đầu tư PVIF giao dịch ở mức 14.300 đồng/CP, được repo với giá 10.000 đồng/CP. Nhiều cổ phiếu có cái tên khá xa lạ như Tài chính Ninh Bắc, Idico Long Sơn… cũng được nhiều NĐT biết đến thông qua nghiệp vụ repo hỗ trợ thanh khoản của các CTCK.

Trước khi niêm yết, cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai được CTCK VNDirect repo với mức giá khá cao. Khi đó, giá cổ phiếu này giao dịch trên thị trường tự do ở mức 50.000 đồng/CP thì NĐT chỉ phải bỏ ra 15.000 đồng/CP để mua, vì được CTCK hỗ trợ vốn 35.000 đồng/CP.

Hỗ trợ cho nghiệp vụ repo cổ phiếu OTC thường là các CTCK có ngân hàng mẹ đứng đằng sau như CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS), An Bình, Sacombank… Tùy mỗi CTCK, nhưng tiêu chí hàng đầu cho việc lựa chọn cổ phiếu được repo là DN phải có lợi nhuận, thanh khoản cao và có lộ trình niêm yết rõ ràng. Nhiều CTCK ưu tiên repo cổ phiếu ngân hàng khi giá các cổ phiếu này hiện đang ở mức thấp, khiến việc repo an toàn. Tại CTCK SHS, giá repo không vượt quá 40% thị giá của cổ phiếu (theo đánh giá của SHS), đồng thời không vượt quá 2 lần mệnh giá của cổ phiếu đó. Kỳ hạn repo tối đa 6 tháng. Trước đây, khi làm tư vấn cho một số DN như CTCP Thép Đà Nẵng Ý, CTCP Công trình giao thông 584, SHS đã làm đầu mối giao dịch với nghiệp vụ repo hỗ trợ vốn cho NĐT. Chính vì thế, trước khi lên sàn, các cổ phiếu này thanh khoản rất tốt, được nhiều NĐT tìm đến. Tại CTCK Thăng Long, với lợi thế là ngân hàng đứng đằng sau (Ngân hàng Quân đội), cùng với việc phát triển mạnh mảng tư vấn, Công ty cũng đã thực hiện repo nhiều cổ phiếu OTC.

Trên thị trường OTC gần đây, rất ít cổ phiếu có giao dịch mà không được repo. Chỉ trừ những cổ phiếu hiếm hoặc sắp niêm yết thu hút sự quan tâm thực sự của NĐT thì không cần đòn bẩy tài chính vẫn có thanh khoản.

Định giá ra sao?

Một trong những yêu cầu của quản trị rủi ro khi thực hiện cho vay là định giá cổ phiếu. Làm sao mức giá đưa ra không quá thấp để NĐT chấp nhận được, nhưng không quá cao để CTCK chấp nhận được rủi ro. Thông thường, việc định giá cổ phiếu repo là do mỗi CTCK tự đưa ra. Để đảm bảo an toàn, các CTCK thường đưa ra mức giá khá thấp. Chẳng hạn, 35 - 40% thị giá hoặc không cao quá 2 lần mệnh giá. Cũng như repo cổ phiếu trên thị trường niêm yết, nếu giá cổ phiếu trên thị trường OTC sụt giảm thì NĐT sẽ phải bổ sung tài sản để tài khoản không bị âm. Tuy nhiên, việc repo cổ phiếu trên thị trường niêm yết có thuận lợi là cổ phiếu được giao dịch hàng ngày và NĐT biết ngay có phải nộp bổ sung tài sản hay không. Trong khi đó, trên thị trường OTC, cổ phiếu có khi "đóng băng" cả tháng. Theo người phụ trách nguồn vốn của một CTCK, công ty luôn theo sát diễn biến giá cổ phiếu OTC hàng ngày. Giá cổ phiếu là giá được ghi nhận giao dịch thực tế tại công ty. Do đó, nếu cổ phiếu sụt giảm mạnh thì có thể yêu cầu NĐT nộp bổ sung tài sản.

Một môi giới chuyên nghiệp trên thị trường OTC cho biết, hai tuần qua, thị trường niêm yết giảm mạnh, dẫn đến tình trạng ngưng giao dịch trên thị trường OTC. Khi thị trường niêm yết giảm mạnh, thị trường OTC kém thanh khoản và các cổ phiếu không thường xuyên được giao dịch, thậm chí giao dịch đứt quãng cả tuần. Nhưng chính điều này lại giúp một số cổ phiếu trên thị trường OTC giảm giá ít hơn so với thị trường niêm yết. Vì vậy, mặc dù thị trường niêm yết giảm mạnh, nhiều cổ phiếu mất giá đến 40 - 50%, thì không ít cổ phiếu cùng ngành nghề tương ứng trên thị trường OTC vẫn không phải nộp tài sản bổ sung, do mất thanh khoản.

Nguyên Thành

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Thị trường ngày 20/08 và góc nhìn từ CTCK (20/08/2010)

>   Kiên nhẫn cầm tiền (19/08/2010)

>   UPCoM-Index giảm còn 48,25 điểm (19/08/2010)

>   Khi chứng khoán bị ngoảnh mặt (19/08/2010)

>   Lý do chứng khoán lao dốc (19/08/2010)

>   Thị trường ngày 19/08 và góc nhìn từ CTCK (19/08/2010)

>   Hết cửa cho môi giới tự do? (18/08/2010)

>   Tại sao chính sách tốt vẫn gây tác động tiêu cực? (18/08/2010)

>   PSB giao dịch đột biến, UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (18/08/2010)

>   Nhiều cổ phiếu 'chết' trên sàn UPCoM (18/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật