Lực cản lớn đối với trái phiếu doanh nghiệp
Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang ngày càng nở rộ, nhưng thị trường này còn thiếu nhiều yếu tố cơ bản.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu cho biết, diễn biến gần đây trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy, sự hiểu biết và khả năng tận dụng kênh huy động vốn thông qua trái phiếu đang diễn ra theo một xu hướng tốt.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với sự phục hồi của kinh tế Việt Nam và thế giới, nhu cầu đối với các loại trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam đã và sẽ tiếp tục phục hồi nhanh.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Công ty Chứng khoán Tân Việt, Chi nhánh TP.HCM cho biết, trong cơ cấu dịch vụ tư vấn năm nay, Công ty sẽ đặc biệt quan tâm đến dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bởi đây sẽ là mảng hoạt động có nhiều tiềm năng.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã coi trái phiếu doanh nghiệp như một kênh huy động vốn đáng quan tâm trong điều kiện hiện nay. Giám đốc một doanh nghiệp cho biết, trong năm 2010, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ rất sôi động, bởi hoạt động của hầu hết doanh nghiệp đã vào “guồng”, nên nhu cầu vốn để mở rộng sản xuất và đầu tư tăng lên. Mặt khác, doanh nghiệp cũng chọn thời gian này để phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vì trông đợi vào luồng tiền giải ngân của các tổ chức tài chính, ngân hàng…
Tuy nhiên, ông Quỳnh cũng cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang còn nhiều vấn đề. Đặc biệt, tính thanh khoản của thị trường chưa cao, nên trái phiếu của nhiều doanh nghiệp sau khi phát hành hầu như không có giao dịch trên thị trường thứ cấp. Trong khi đó, việc định giá, xác định lãi suất trái phiếu doanh nghiệp hiện vẫn theo “cảm tính”, chứ chưa có cơ sở khoa học thực sự.
Giới chuyên môn cho rằng, nguyên nhân của vấn đề trên là do ngay cả thị trường trái phiếu chính phủ chưa hoàn thiện, do đó, chưa có một mặt bằng lãi suất chuẩn của trái phiếu chính phủ để làm cở sở cho việc xác định lãi suất trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hiện nay, hoạt động định mức tín nhiệm vẫn còn là “khoảng trống”, trong khi đây là một yếu tố quan trọng để xác định rủi ro của từng đối tượng phát hành, qua đó mới xác định được mức giá, mức lãi suất của đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.
Theo ông Quỳnh, việc thành lập một công ty định mức tín nhiệm trong nước hiện nay là rất cần thiết. Hiệp hội Thị trường trái phiếu đã có ý tưởng xin phép Bộ Tài chính cho thành lập một tổ chức định mức tín nhiệm thuộc Hiệp hội trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo ý kiến của một số người trong cuộc, sự nhập cuộc của các công ty định mức tín nhiệm tại thị trường Việt Nam không phải dễ. Theo một số nhà chuyên môn, một công ty định mức tín nhiệm lớn mạnh, có uy tín lớn, được thị trường thừa nhận thì trước đó phải có thời gian gây dựng lòng tin. Trong khi đó, giai đoạn đầu, công ty định mức tín nhiệm hầu như không có khoản doanh thu gì để duy trì hoạt động. Do đó, không phải ai cũng đủ “gan” để dấn thân vào lĩnh vực “xương xẩu” này.
Ông Tạ Ngọc Hữu, Giám đốc đối ngoại Công ty Định mức tín nhiệm Vietnam Credit cho biết, việc công bố các sản phẩm xếp hạng tín nhiệm không tham vấn (Unsolicited Ratings) cũng là một khó khăn đối với Vietnam Credit. “Chúng tôi chưa đủ lớn để các hãng truyền thông mua tin riêng để trả phí, mà việc tổ chức họp báo công bố thì quá tốn kém hoặc không thuận lợi cho chúng tôi”, ông Hữu nói.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cũng chưa có thói quen chấp nhận việc “bị” xếp hạng bởi một tổ chức định mức tín nhiệm tư nhân. Theo ông Hữu, năm ngoái, khi Vietnam Credit đưa ra sản phẩm xếp hạng tín nhiệm các ngân hàng, họ quá bất ngờ vì những phản ứng của giới ngân hàng đối với sản phẩm xếp hạng này.
Chí Tín
Đầu tư
|