Chủ Nhật, 01/08/2010 21:18

Thị trường chứng khoán tháng 7:

Kỳ vọng lại...trượt

Cùng với việc dòng tiền chưa hồi sinh, sự tận dụng quá mức của các doanh nghiệp niêm yết trong việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn đã khiến cho giới đầu tư “ngán ngẩm”. Tháng 7 trôi qua và những kỳ vọng cho một sự tăng trưởng của thị trường cũng trượt theo.

Ngó đâu cũng thấy… tăng vốn

Nguồn cung hàng hóa trên thị trường liên tục gia tăng được xác định là một trong những nguyên nhân khiến thị trường trong trạng thái ảm đạm. Chỉ riêng quý I/2010, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp phép cho các công ty tăng vốn thêm 17.000 tỉ đồng theo mệnh giá, trong khi đó còn có 300 công ty có nghị quyết tăng vốn. Cuộc chạy đua tăng vốn này sẽ còn kéo dài trong cả hai quý còn lại của năm.

Nhiều nhà đầu tư đã dị ứng với các cổ phiếu có kế hoạch tăng vốn. Hầu hết các cổ phiếu trước khi chia tách đều được đẩy giá lên cao, vì thế nhiều nhà đầu tư đã phải ngậm ngùi khi “lăn chốt” - vừa chôn vốn vào việc mua cổ phiếu phát hành thêm, vừa khó chịu khi cổ phiếu “gốc” tiếp tục giảm giá sau khi điều chỉnh giảm ở ngày chốt quyền.

Tăng vốn nhiều nhất phải kể đến các đại gia ngân hàng. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ giờ không màng gì đến cổ phiếu có mệnh danh “vua” bởi sự pha loãng được ví như… cháo. Với khối lượng niêm yết hàng trăm triệu cổ phiếu như vậy, cần có lượng vốn đầu tư rất lớn với điều kiện thị trường có cơ hội tăng trưởng rõ nét. Đến cả cổ tức hằng năm với tỷ lệ chẳng đáng là bao cũng được trả bằng cổ phiếu.

Sức hấp dẫn của cổ phiếu tăng vốn giờ chỉ còn lại với những cổ phiếu chưa chia tách bao giờ, lại có sự tăng trưởng liên tục trong vài năm trở lại đây. Điều kiện quan trọng nữa đó là khối lượng niêm yết trước khi chia tách chỉ giới hạn ở con số vài triệu cổ phiếu. Rõ ràng sức lực của thị trường đang bị hao hụt bởi phong trào tăng vốn. Trong khi chưa có dòng tiền mới bổ sung vào thị trường thì nguồn tiền hiện có đang bị găm giữ một phần cho việc mua cổ phiếu mới.

Nguồn tiền chưa dồi dào không chỉ là vấn đề riêng của thị trường chứng khoán. Áp lực lạm phát khiến các chính sách tiền tệ phải theo hướng thắt chặt. Lãi suất ngân hàng cho vay khá cao, vì thế các doanh nghiệp niêm yết đã lựa chọn cách huy động vốn thông qua phát hành tăng vốn để tránh áp lực mà không đắn đo nhiều đến quyền lợi của các cổ đông.

Vấn đề đặt ra là đồng vốn đã “hút” thông qua thị trường chứng khoán có được sử dụng một cách có hiệu quả hay cổ đông sẽ phải chịu thiệt đơn thiệt kép. Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý cần có sự điều tiết, tránh để tình trạng huy động vốn ồ ạt khiến cho giới

đầu tư giảm sút niềm tin, ngại ngần khi gửi gắm đồng vốn vào thị trường.

Sự kỳ vọng lại “trượt” qua tháng 7

Song hành với thị trường chứng khoán luôn là sự kỳ vọng của giới đầu tư. Các con số vĩ mô cho thấy tình hình kinh tế trong nước đang được cải thiện: GDP quý II tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái (quý I/2010 chỉ tăng 5,8%); lạm phát theo tháng tiếp tục được duy trì ở mức thấp (CPI tháng 7 của Hà Nội tăng 0,25% và của TP.HCM giảm 0,09%); thêm vào đó là sự hỗ trợ của giá cả hàng hóa nguyên vật liệu thế giới đi xuống.

Tháng 7 từng được kỳ vọng cho một sự tăng trưởng dù chưa thể mạnh của chỉ số VN-Index với những lý do cơ bản như tình hình vĩ mô trong nước ổn định, lãi suất giảm nhiệt. Tuy nhiên, sau khi đạt mức cao nhất kể từ đầu năm, 549,51 điểm ngày 6/5, đến nay VN-Index vẫn chưa thể thoát khỏi xu hướng giao dịch lình xình trong biên độ hẹp, trên dưới 500 điểm.

Đến thời điểm này, không mấy nhà đầu tư nhắc đến sự kỳ vọng cho những tháng tiếp theo của quý III. Không ít đánh giá còn cho rằng thị trường trong cả những tháng cuối năm sẽ tiếp diễn trạng thái thận trọng. Thị trường chứng khoán toàn cầu đang chờ đợi những tín hiệu cho sự phục hồi thực sự của kinh tế thế giới, đặc biệt là châu Âu và Hoa Kỳ.

Trở lại với diễn biến hiện tại. Giới đầu tư không còn quá lo ngại với tình trạng thanh khoản thấp vì điều đó cũng nói lên rằng cả bên bán, chứ không chỉ bên mua đang thận trọng với hành động của mình. 500 điểm đang là ngưỡng để đánh giá xem bên bán hay bên mua thiếu kiên nhẫn hơn.

Cuộc chiến giữa bên bán và bên mua sẽ chỉ được ngã ngũ khi có thông tin đủ sức nặng ví như một quả cân lớn được đặt lên một phía của bàn cân đang lắc lư trong trạng thái khá cân bằng. Xu hướng giao dịch của khối ngoại tiếp tục giảm dù vẫn duy trì xu hướng mua ròng, điều này được lý giải bởi sự thận trọng trong bối cảnh có quá nhiều thông tin tác động.

Tuần giao dịch cuối cùng của tháng 7 được bắt đầu bởi một phiên kém may mắn. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/7, chỉ số này giảm 2,21 điểm xuống còn 498,1 điểm với khối lượng giao dịch tăng nhẹ.

Song Hà

Doanh nhân sài gòn

Các tin tức khác

>   Thị trường ngày 02/08 và góc nhìn từ CTCK (01/08/2010)

>   Phần chìm đang nổi (01/08/2010)

>   Dòng tiền dịch chuyển sang sàn Hà Nội (01/08/2010)

>   Lo ngại tỷ giá, khối ngoại bán ròng nguyên tuần (31/07/2010)

>   Tiêu điểm kinh tế tuần 02/08 – 07/08 (31/07/2010)

>   Cổ phiếu giá khủng tại UPCoM (31/07/2010)

>   Hủy giao dịch mức giá 500.000 đồng cổ phiếu WTC (31/07/2010)

>   UPCoM-Index giảm 2,24 điểm sau 1 tuần giao dịch  (30/07/2010)

>   BCTC và “khoảng trống” mang tên "cổ phiếu OTC" (30/07/2010)

>   Thiếu dòng tiền dẫn dắt (30/07/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật