Thứ Ba, 13/07/2010 10:22

UPCoM: Điểm đến của các “đội lái”?

Ngày 19/7, thị trường đăng ký giao dịch cổ phiếu (UPCoM) sẽ được thay đổi phương thức khớp lệnh và kéo dài thời gian giao dịch. Ngay khi thông tin này được công bố, sàn UPCoM đã có những "chuyển biến mạnh": khối lượng và giá trị giao dịch tăng vọt, dòng tiền chảy mạnh vào thị trường, cả nhà đầu tư lẫn nhà đầu cơ dường như đang bị hút vào cơn lốc xoáy UPCoM trong suốt những ngày qua.

"Cơn lốc xoáy" trên sàn UPCoM

Ngày 9/7/2010, Tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội đã ký Quyết định số 468/QĐ-SGDHN ban hành Quy chế quản lý thị trường đăng ký giao dịch tại Sở GDCK Hà Nội, thay thế Quyết định 159/QĐ-TTGDHN ngày 27/4/2009 về việc ban hành Quy chế quản lý thị trường đăng ký giao dịch tại Trung tâm GDCK Hà Nội.

Theo đó, thời gian giao dịch được mở rộng, từ 8h30 đến 15h00 (trước là 10h00 đến 15h00), thời gian nghỉ từ 11h30 đến 13h30. Thay phương thức giao dịch thỏa thuận điện tử bằng phương thức giao dịch khớp lệnh liên tục. Lệnh giao dịch theo phương thức khớp lệnh liên tục là lệnh giới hạn, đơn vị giao dịch khớp lệnh liên tục là 100 cổ phiếu. Các điều chỉnh trên thị trường UPCoM sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 19/7/2010.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 6, thông tin UPCoM cải tiến giao dịch đã được nhiều nhà đầu tư và CTCK đón nhận một cách hồ hởi. Dòng tiền liên tục được đổ vào thị trường khiến cho thanh khoản tăng vọt, bất chấp việc quy chế giao dịch chưa thay đổi. Nhà đầu tư lớn, bé tranh nhau đặt lệnh kịch trần ngay từ đầu phiên. Kết quả là cả thị trường "đột ngột" đi lên trong 11 phiên liên tiếp với hàng chục cổ phiếu tăng trần. Một nhà đầu tư trên sàn ví von: "Mặt biển yên bình của sàn UPCoM bỗng nhiên dậy sóng khi gặp một cơn lốc xoáy".

Không cần quan tâm đến chỉ tiêu tài chính, thậm chí không biết chính xác tên doanh nghiệp hay ngành nghề kinh doanh, nhà đầu tư đổ xô đi mua cổ phiếu với hy vọng, thay đổi phương thức giao dịch sẽ khiến sàn UPCoM hấp dẫn hơn, các cổ phiếu sớm muộn cũng được các "đội lái" để ý và làm giá.

Chỉ trong 14 phiên giao dịch (kể từ 21/6 đến 9/7), thị trường đã có 12 phiên tăng và 2 phiên giảm điểm (trong đó có 11 phiên tăng liên tiếp). Chỉ số UPCoM-Index tăng hơn 21,6%, từ mức 46,02 điểm lên 55,99 điểm cuối tuần trước. Với biên độ 10% mỗi phiên, một số cổ phiếu trên sàn UPCoM đã tăng hơn 100%.

Minh bạch thông tin, câu hỏi vẫn để ngỏ

Mặc dù cơ chế giao dịch tương tự như HNX, nhưng cơ chế công bố thông tin đối với sàn UPCoM lại khá lỏng lẻo. Theo quy định hiện hành (Quyết định số 108/2009/QĐ-BTC và Thông tư số 09/2010/TT-BTC) thì các DN đăng ký trên sàn UPCoM, ngoài việc phải công bố thông tin bất thường và thông tin theo yêu cầu, sẽ chỉ phải thực hiện công bố báo cáo tài chính năm được kiểm toán và báo cáo thường niên.

Quy định đăng ký giao dịch trên UPCoM có thể vì dễ dãi để tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ lên sàn. Tuy nhiên, hệ lụy của việc dễ dãi trong chuyện minh bạch thông tin này lại có ảnh hưởng rất lớn đến nhà đầu tư.

Hiện nay, chỉ đến ngày doanh nghiệp chính thức giao dịch, nhà đầu tư mới có được bản cáo bạch, rồi mỗi năm chỉ được đọc báo cáo tài chính 1 lần. Việc công bố thông tin thưa thớt như vậy khiến nhà đầu tư luôn trong tình trạng tù mù thông tin về các công ty trên sàn này. Nếu quy định này không sớm được cải tiến thì sẽ tạo điều kiện cho các "đội lái" dễ dàng lướt sóng, gây nhiễu loạn thị trường.

Thời gian giao dịch UPCoM được đẩy lên sớm hơn từ 8h30 thay vì 10h00 như trước kia. Như vậy là cơ chế giao dịch của UPCoM gần giống HNX, nhưng thời gian giao dịch kéo dài tới bốn tiếng rưỡi. Biên độ dao động lớn hơn HNX (10%) cùng thời gian giao dịch khá dài như vậy sẽ là cơ hội cho những ai thích lướt sóng… ngay trong ngày.

Hiện có 78 doanh nghiệp đang đăng ký giao dịch trên UPCoM, tổng vốn điều lệ đạt hơn 8.278 tỷ đồng. Tuy nhiên, có hơn một nửa số doanh nghiệp có vốn điều lệ dưới 50 tỷ đồng cùng khối lượng cổ phiếu lưu hành khá ít, minh bạch thông tin kém cho thấy sàn UPCoM sẽ là “điểm đến” béo bở cho các "đội lái". Nhiều chuyên gia nhận định, sàn UPCoM sẽ là bệ phóng cho các cổ phiếu trong thời gian tới, sau khi xác định một mặt bằng giá cao, các cổ phiếu này sẽ chuyển sàn để các đội lái "chốt lời". Có thể hình dung một kịch bản tăng trần liên tiếp trên UPCoM sau đó lại giảm sàn liên tiếp trên HOSE hoặc HNX sẽ xảy ra. Vì vậy, dẫu chỉ là sự thay đổi trên sàn UPCoM, song sự ảnh hưởng là liên thông và sẽ tác động mạnh đến toàn bộ TTCK Việt Nam.  

Nguyễn Quang

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Sôi động sàn UpCom (13/07/2010)

>   Thị trường ngày 13/07 và góc nhìn từ CTCK (12/07/2010)

>   UPCoM-Index giảm nhẹ 0,43 điểm (12/07/2010)

>   UPCoM: 1.1 triệu cp VCT chào sàn ngày 15/07 (12/07/2010)

>   OTC: Cổ phiếu thị giá nhỏ được quan tâm (12/07/2010)

>   Thị trường tuần 12-16/07 và góc nhìn từ CTCK (11/07/2010)

>   TTCK: Yếu tâm lý (09/07/2010)

>   Giao dịch ký quỹ, CTCK nóng lòng chờ… phát lệnh (09/07/2010)

>   UPCoM-Index tăng lên mức 55,99 điểm (09/07/2010)

>   “Phản ứng trên UPCoM là một tín hiệu tốt” (09/07/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật