Tái cấu trúc tập đoàn qua TTCK
Nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam thời gian qua đã khá thành công trong việc tái cấu trúc các doanh nghiệp (DN) trong tập đoàn, điển hình là các công ty trong Tập đoàn Sông Đà, Dầu khí… Trong khi đó Vinashin lại không mấy thành công, nhìn từ TTCK để hình dung quá trình tái cấu trúc này.
Nhìn từ Sông Đà đến PVN
Số lượng các công ty niêm yết trên TTCK hiện nay phần đông xuất thân từ các DN nhà nước được cổ phần hóa. Trong số đó, có sự góp mặt của rất nhiều công ty con từ các tập đoàn kinh tế như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), TCT Sông Đà, TCTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex)…
Chỉ riêng các công ty con trực thuộc TCT Sông Đà đã lên đến 29 công ty niêm yết và 35 công ty trong dòng họ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam… Nếu tính giá trị vốn hóa thị trường thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chiếm trên 13% giá trị vốn hóa toàn thị trường, cao hơn hẳn các tập đoàn kinh tế khác. Hầu hết các công ty niêm yết này đều bị chi phối bởi tập đoàn hoặc tổng công ty. Điều này cho thấy việc thực hiện chủ trương cổ phần hóa của các tập đoàn này khá thành công. Sự thành công của PVN hay Sông Đà là việc tận dụng TTCK để tái cấu trúc công ty.
Quá trình cổ phần hóa giúp PVN chuyển đổi DN và huy động vốn cho công ty con nhằm tái cấu trúc hoạt động của công ty con. Giai đoạn tiếp theo của PVN chính là quá trình thoái vốn thông qua TTCK. Từ việc sở hữu đến 52,12% vốn trong PVC, PVN đã thoái vốn chỉ còn nắm giữ 36% cổ phần trong công ty. Quá trình thoái vốn theo PVN nhằm thu hồi vốn để đầu tư vào công ty khác và nâng cao tính tự chủ cho công ty.
Mô hình của TCT Sông Đà cho thấy việc chi phối vốn các công ty con dưới hình thức giản đơn (hình 1). Căn cứ vào mức độ tự chủ trong hoạt động kinh doanh của các công ty con, TCT Sông Đà xem xét việc thoái vốn hoặc sắp xếp lại quá trình hoạt động của các công ty con.
Do đặc điểm sở hữu trực tiếp các công ty con có quy mô vốn tương đối thấp nên với số lượng nắm giữ lớn sẽ là điều không dễ điều hành tập đoàn. Chính vì vậy, việc tái cấu trúc hoạt động của các công ty con là cần thiết. Quá trình tái cấu trúc này sẽ giúp TCT nắm giữ những công ty chủ lực trong ngành.
Chẳng hạn, gần đây TCT Sông Đà đang xem xét chuyển phần vốn góp của TCT trong SD8 sang cho SD7 quản lý. Quá trình tái cấu trúc này sẽ giúp TCT tập trung vào các đầu mối lớn và giúp các công ty con trở nên năng động hơn với sự phát triển của nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, đối với PVN việc sở hữu hoặc chi phối các công ty con trở nên đa dạng hơn (hình 2). Quá trình thoái vốn trong các công ty không chỉ trực tiếp đến từ PVN mà đến từ các công ty trong tập đoàn nhất là các công ty trong lĩnh vực đầu tư tài chính như PVF, công ty quản lý quỹ, công ty tài chính...
Còn nhớ việc thoái vốn của PVF trong 9,9 triệu CP PVD với mức giá trị lên đến gần 955 tỷ đồng, nay PVF tiếp tục đăng ký mua vào 2 triệu CP của công ty này. Nếu tính trên giá CP từ thời điểm bán đến thời điểm mua, chênh lệch giá khá lớn, trên 30%.
Hoạt động này vừa giúp quá trình cổ phần hóa được đẩy mạnh vừa giúp công ty huy động được nguồn lực tài chính để phát triển, nhưng đồng thời đây cũng chính là hoạt động đầu tư sinh lợi của các công ty góp vốn, nhất là công ty trong lĩnh vực đầu tư tài chính.
Ngẫm lại Vinashin
Vinashin là tập đoàn kinh tế lớn, nắm trong tay một lượng lớn các DN cả về số lượng lẫn quy mô vốn, thế nhưng, nhìn từ TTCK chỉ duy nhất Công ty Đầu tư và Vận tải dầu khí Vinashin (VSP) với mức độ chi phối chỉ 40,4% vốn cổ phần của công ty.
Điều này cho thấy việc chuyển đổi mô hình hoạt động của các công ty con trong tập đoàn không được thực hiện quyết liệt như những tập đoàn kinh tế khác. Điều này còn để lại một hậu quả rất lớn cho các công ty con trong việc huy động thêm các nguồn lực từ nhân lực đến tài chính để phát triển. Đồng thời tập đoàn không thể thu hồi vốn đầu tư nhằm tập trung vào quá trình tái cấu trúc hoạt động của các công ty khác.
PVN hay Sông Đà, Vinaconex… niêm yết các công ty con nhằm gia tăng sự giám sát của các cổ đông bên ngoài, nói cách khác sẽ giúp thị trường giám sát hoạt động của các công ty con nhằm làm lành mạnh hóa tình hình tài chính.
Trong khi đó Vinashin lại không ý thức hoạt động này. Quá trình tái cấu trúc diễn ra thầm lặng, thiếu sự giám sát từ thị trường và từ các cổ đông góp vốn. Đó là một cơ chế truyền động kém hiệu quả để ngày nay các tập đoàn kinh tế hay TCT nhà nước phải rút ra bài học của quá trình tái cấu trúc.
Ths.Lê Đạt Chí - Trưởng Bộ môn ĐTTC, trường Đại học kinh tế TPHCM
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
|