Sắp hết thời hóa đơn đỏ
Theo Nghị định 51/2010/NĐ-CP, từ ngày 1.1.2011, doanh nghiệp (DN) sẽ không còn phải chịu cảnh lên cơ quan thuế chầu chực chỉ để mua “hóa đơn đỏ”.
Trả lời Thanh Niên, ông Lê Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, nói: “Ngay bây giờ, DN cần lên kế hoạch in hóa đơn cho năm 2011, sử dụng loại hóa đơn nào để tháng 11 tới báo cáo với cơ quan thuế. Chúng tôi sẽ tư vấn cho DN vấn đề này. Tôi vừa ký một loạt thông báo quyết định chấp nhận mẫu in hóa đơn của DN, có nhiều DN in tới 25.000 - 30.000 hóa đơn. Số lượng đó có thể không sử dụng hết từ nay đến cuối năm và như vậy là lãng phí. Vì thế DN phải xác định mấy tháng còn lại in bao nhiêu số hóa đơn là đủ. Nếu mua hóa đơn cũng đừng mua nhiều quá. Sang năm mới tự in rồi, tất cả hóa đơn này đều hủy hết”.
“Trách nhiệm hiện nay về phát hành hóa đơn là của cơ quan thuế và Bộ Tài chính, nhưng theo Nghị định 51, trách nhiệm này là của DN. Do vậy, DN cần xác định rõ nhằm tránh trường hợp bị đối tượng xấu lợi dụng hóa đơn của mình để kinh doanh bất hợp pháp” - Ông Lê Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM |
Đại diện Cục Thuế TP.HCM cũng khẳng định, các hóa đơn đang sử dụng hiện nay tới ngày 31.12.2010 sẽ tiến hành thanh hủy và DN báo cáo thanh hủy với cơ quan thuế. Các loại hóa đơn cũ, từ ngày 1.1.2011 sẽ không có giá trị pháp lý, cho nên bị xem là hóa đơn bất hợp pháp.
Giải thích vì sao phải thanh hủy toàn bộ hóa đơn tự in hiện nay khi Nghị định 51 có hiệu lực, ông Dương cho biết do hóa đơn đặt in phải sử dụng số series mới của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, DN vẫn có thể tiếp tục sử dụng mẫu cũ của hóa đơn tự in, đặt in.
Có bao nhiêu loại hóa đơn?
Mặc dù đến nay chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 51, nhưng theo cơ quan thuế, DN nên sớm nắm bắt nội dung của nghị định để chuẩn bị kỹ càng việc thực hiện.
Hóa đơn điện tử là hóa đơn “được khởi tạo, lập, xử lý trên hệ thống máy tính của tổ chức, cá nhân kinh doanh đã được cấp mã số thuế khi bán hàng hóa, dịch vụ và được lưu trữ trên máy tính của các bên theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; Hóa đơn điện tử được sử dụng theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử"
(Trích Nghị định 51/2010/NĐ-CP) |
Nghị định quy định về hình thức hóa đơn gồm hóa đơn tự in, hóa đơn điện tử, hóa đơn đặt in. Để in hóa đơn tự in, DN cần trang bị một phần mềm như phần mềm kế toán, khi xuất hóa đơn sẽ cập nhật vào hệ thống tài khoản và cơ quan thuế kiểm tra được việc xuất hàng trên sổ sách kế toán. Còn hóa đơn đặt in sẽ được DN đặt in ở một số nhà in theo quy định của cơ quan thuế.
Nhiều DN quan tâm, nếu mỗi tháng DN chỉ sử dụng 1- 2 cuốn hóa đơn thì việc mua phần mềm tự in hay đặt in sẽ gây tốn kém, phức tạp. Do vậy đề nghị cơ quan thuế tiếp tục bán hóa đơn cho những DN này. Tuy nhiên đại diện Cục Thuế TP.HCM khẳng định, thậm chí nếu 1 năm chỉ dùng 1 cuốn hóa đơn thì DN vẫn phải tự in hóa đơn hoặc đặt in hóa đơn. “Nghị định 51 nêu rõ DN trước khi đăng ký kinh doanh cũng cần lên phương án in hóa đơn để khi được cấp mã số thuế là có hóa đơn để kinh doanh ngay”, ông Dương nói.
Tiến sĩ Vũ Văn Thành, một nhà tư vấn thuế, băn khoăn về việc DN chịu trách nhiệm quá nặng trong việc bảo mật hóa đơn. Đại diện Phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế TP.HCM) cũng nhận định: “Nghị định 51 có một điều khoản theo tôi là không phù hợp, đó là yêu cầu DN tự in hóa đơn phải có một mật mã và thông báo cơ quan thuế về mật mã nhận dạng hóa đơn tự in của DN. Quy định như vậy thì khó cho DN quá, bởi mật mã như thế nào để người khác không nhận biết được thì rất khó. Theo tôi, mật mã có thể là con dấu tròn của DN đóng trên hóa đơn”.
N.Trần Tâm
Thanh Niên
|