Băn khoăn với ghép phí vào thuế
Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa “ngã ngũ” việc có bỏ các loại phí bảo vệ môi trường hay không, khi Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, nhiều nội dung của Dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường đã nhận được sự đồng thuận cao của các chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội cũng như người dân, song một trong những vấn đề còn gây tranh cãi nhiều là có nên tiếp tục thu phí bảo vệ môi trường hay không, khi Luật Thuế bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống.
“Chúng ta ban hành một luật thuế mà chỉ đánh vào 5 nhóm đối tượng, gồm xăng dầu, than, dung dịch HCFC, túi nhựa xốp và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng, trong khi 2/5 nhóm đối tượng này đang phải nộp phí bảo vệ môi trường. Như vậy, liệu có nhất thiết phải xây dựng Luật Thuế bảo vệ môi trường hay không?”, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đặt câu hỏi.
Theo ông Sơn, nếu các loại phí hiện hành không bao quát hết các nhóm đối tượng gây ô nhiễm môi trường, mức phí đặt ra không đạt mục tiêu đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững… thì cần phải sửa đổi cho phù hợp, thay vì ban hành hẳn 1 sắc thuế. Vẫn theo ông Sơn, nếu nhất thiết phải xây dựng Luật Thuế bảo vệ môi trường, thì cần phải cân nhắc đưa các loại phí hiện hành thành thuế, đi đôi với việc mở rộng đối tượng chịu thuế.
Nếu Luật Thuế bảo vệ môi trường được thông qua thì ngoài mặt hàng xăng dầu sẽ được chuyển từ phí thành thuế và vẫn thu theo mức hiện hành là 1.000 đồng/lít xăng dầu bán ra, các loại hàng hoá còn lại sẽ đồng thời phải nộp cả thuế lẫn phí. “Phí bảo vệ môi trường đánh vào doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường, trong khi thuế bảo vệ môi trường đánh vào người sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm môi trường, nhưng dù ai nộp đi chăng nữa, cuối cùng, gánh chịu khoản chi phí này vẫn là người tiêu dùng”, ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lo ngại.
Ông Hiền kiến nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc chuyển các loại phí hiện hành thành thuế và khi Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực sẽ bỏ các khoản phí bảo vệ môi trường hiện hành. Cùng quan điểm này, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề xuất “chuyển tối đa các loại phí thành thuế” và ngân sách chỉ thu 1 trong 2 loại, hoặc là thu phí hoặc là thu thuế, để vừa đạt được mục tiêu động viên hợp lý đóng góp của xã hội, tạo thêm nguồn thu để giải quyết vấn đề môi trường, vừa đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế, của các sản phẩm chủ yếu sản xuất trong nước.
Phí thường gắn với dịch vụ, chỉ có người cung cấp dịch vụ mới được thu phí của người thụ hưởng dịch vụ, vì vậy, theo Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng, khi chưa có thuế bảo vệ môi trường thì thu phí (thực ra là thuế) là hợp lý, nhưng khi đã có thuế thì cần phải bỏ phí bảo vệ môi trường.
Ở chiều ngược lại, ông Phùng Quốc Hiển dứt khoát: “Không thể lồng phí vào thuế, vì thuế và phí có sự khác nhau cơ bản”. Cụ thể, phí bảo vệ môi trường đánh vào quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, trong khi thuế bảo vệ môi trường đánh vào mọi tổ chức, cá nhân sử dụng những sản phẩm gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, nếu ghép phí vào thuế sẽ tạo ra môi trường mất công bằng, không khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị để ít gây hại đến môi trường trong quá trình sản xuất. Theo ông Hiển, việc đánh cả thuế và phí không chỉ góp phần lành mạnh môi trường sống, mà còn góp phần làm lành mạnh môi trường kinh doanh.
Có chung quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh phát biểu: “Nếu ghép thuế vào phí sẽ dẫn tới nhiều bất cập và tạo ra môi trường kinh doanh thiếu công bằng”. Ông Ninh nêu ví dụ, doanh nghiệp khai thác đá ốp lát gây ô nhiễm môi trường tại nơi khai thác thì phải nộp phí bảo vệ môi trường, nhưng sản phẩm đá ốp lát khi đem sử dụng không gây ô nhiễm môi trường thì không phải nộp thuế. “Nếu chuyển toàn bộ các loại phí thành thuế thì dẫn đến mâu thuẫn là sản phẩm chỉ gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất, nhưng không gây ô nhiễm trong quá trình sử dụng hoặc không sử dụng (xuất khẩu) vẫn phải nộp thuế bảo vệ môi trường”, ông Ninh phát biểu.
Mạnh Bôn
Đầu tư
|