Thuế chuyển nhượng BĐS: Cần có hệ số tham chiếu
Trên thị trường chuyển nhượng tự do, hầu hết các giao dịch BĐS đều được người dân thực hiện theo hướng giảm tối đa các loại thuế cho bên bán và bên mua.
Một căn biệt thự kê khai nộp thuế chỉ trên dưới 1 tỷ trong khi giá trị thật có thể lên tới một căn hộ giá vài tỷ bạc nhưng giá kê khai để nộp thuế chỉ vài trăm triệu... Đó đang là thực tế trên thị trường bất động sản (BĐS), cơ quan thuế dù biết cũng bó tay.
Giám đốc một sàn giao dịch BĐS cho biết: Hiện nay các cơ quan quản lý không có công cụ để kiểm soát giá đất trên thị trường. Căn cứ duy nhất họ có là bảng giá đất do UBND tỉnh, thành phố quy định. Chẳng hạn, tại khu vực phổ cổ, giá đất tùy địa điểm dao động từ 150 - 250 triệu đồng/m2 nhưng khung giá đất cao nhất do UBND thành phố quy định chỉ 81 triệu đồng/m2. Trong khi đó, phần lớn các giao dịch BĐS hiện nay được thực hiện bằng tiền mặt nên khó có thể xác định được giá trị thực của lô đất hoặc căn hộ là bao nhiêu tiền.
Thậm chí, khi trao đổi với phóng viên, một cán bộ thuế thừa nhận, dù biết người dân khai man giá bán so với giá trị thực của căn nhà, lô đất khi bán để trốn thuế thu nhập cá nhân (TNCN), song hiện chưa có cơ chế nào để kiểm soát và xử phạt, vì cơ quan quản lý cũng chỉ căn cứ vào hồ sơ, giấy tờ do hai bên nộp lên (đã có công chứng). Theo các chuyên gia BĐS, để hạn chế việc người dân lách luật khai man giá mua bán thì cần phải có hệ số giá đất tham chiếu cho từng khu vực theo từng tháng. Tuy nhiên, điều này lại chưa thể thực hiện, vì hiện chưa có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm khảo sát giá thị trường trong từng tháng hoặc từng quý để áp thuế cho người dân.
Theo Luật Thuế TNCN, đối tượng chuyển nhượng BĐS có thể lựa chọn hai hình thức nộp thuế: chịu thuế suất 25% trên phần lãi của mỗi lần chuyển nhượng; hoặc chịu mức thuế 2% trên tổng giá bán. Mức 2% này được căn cứ trên giá đất do UBND các tỉnh, thành phố quy định. Chuyên gia BĐS Đặng Hùng Võ phân tích: Vì lợi ích của cả người mua và người bán, người dân thường thỏa thuận ghi giá trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn thực tế. Và để được cơ quan nhà nước chấp nhận hồ sơ, họ chỉ ghi trên hợp đồng mức giá ngang với giá UBND tỉnh, TP quy định. Như thế họ sẽ được nộp thuế thấp hơn số thực tế.
Còn bà Nguyễn Thị Cúc - nguyên phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Đúng là Nhà nước đang bị thiệt vì trong hầu hết các giao dịch BĐS người dân thường khai giá mua bán thấp hơn giá thị trường để phải đóng thuế ít nhất. Tuy nhiên, hiện nay ngành thuế cũng chỉ có thể dựa vào bảng giá đất do UBND tỉnh thành phố quy định để tính thuế chứ chưa có công cụ kiểm soát giá và tính thuế theo đúng giá thị trường.
Hoàng Hà
diễn đàn doanh nghiệp
|