Thu ngân sách 6 tháng đầu năm tăng 21,6%
Trong 6 tháng đầu năm 2010, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 242.430 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2009.
Đây là số liệu chính thức được đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2010 của ngành Tài chính được tổ chức ngày 5/7 tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2010, những nhiệm vụ nổi bật của ngành Tài chính là việc thực hiện các chính sách kích thích kinh tế (trong đó có việc gia hạn, miễn, giảm thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp); tập trung mọi nguồn lực kiềm chế lạm phát; thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán; đồng thời đẩy mạnh thực hiện hải quan điện tử; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ thuế, phí để bình ổn giá nhiều mặt hàng thiết yếu…
Trong 6 tháng đầu năm 2010, tổng thu NSNN đạt 242.430 tỷ đồng, đạt 52,5% dự toán, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, thu nội địa ước đạt 51,1% dự toán, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2009.
Tổng chi NSNN 6 tháng đầu năm ước đạt 273.080 tỷ đồng, bằng 46,9% dự toán, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2009.
Bội chi NSNN luỹ kế 6 tháng ước 30.650 tỷ đồng, bằng 25,6% mức bội chi cả năm Quốc hội quyết định và được bù đắp bằng các nguồn vay trong nước và ngoài nước theo quy định.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2010, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh.
Đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát và giá cả, Bộ khẳng định từ nay đến hết năm 2010, không điều chỉnh giá điện và giá than bán cho sản xuất điện.
Đối với giá xăng dầu, trường hợp giá thế giới tăng buộc phải điều chỉnh tăng giá bán trong nước thì doanh nghiệp phải báo cáo Liên Bộ Tài chính - Công thương, đồng thời phải đảm bảo giãn cách thời gian giữa các lần điều chỉnh giá theo đúng quy định. Bộ cũng sẽ sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ thuế, Quỹ bình ổn giá xăng dầu để không gây tác động bất lợi đến sản xuất và tâm lý người tiêu dùng.
Đối với giá các loại nguyên, nhiên, vật liệu quan trọng là đầu vào của sản xuất, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công Thương ban hành kịp thời các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu để không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Đối với công tác Thuế và Hải quan, Bộ yêu cầu tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tổ chức thu đúng, đủ và kịp thời vào NSNN, tăng cường kiểm tra để chống thất thu thuế, đồng thời tập trung xử lý, thu hồi dứt điểm các khoản nợ đọng thuế, số thuế, phí phải nộp của một số doanh nghiệp theo kết luận của các cơ quan chức năng.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh yêu cầu ngành cần khắc phục ngay tình trạng ban hành cơ chế chính sách chậm. Việc ban hành chính sách phải kịp thời, phù hợp, “sát sườn" với điều kiện của doanh nghiệp để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Đồng thời, ngành cũng cần tiếp tục đẩy mạnh tăng thu, giảm bội chi, xây dựng dự toán thu NSNN chặt chẽ, sát với thực tế.
Giang Oanh
Chính phủ
|