Thứ Sáu, 09/07/2010 19:36

Giao dịch ký quỹ, CTCK nóng lòng chờ… phát lệnh

Với tư cách là “người chơi chính”, khi giao dịch ký quỹ chính thức được Bộ Tài chính cho phép triển khai, dù quy định có liên quan thoáng đến mấy, theo các CTCK, họ cũng không dám “dùng ẩu”, vì điều này đồng nghĩa với việc tự “đốt” túi mình, thậm chí đối mặt với rủi ro phá sản. Bởi vậy, những ý kiến về việc các CTCK sẽ lạm dụng nghiệp vụ này làm ảnh hưởng đến tính an toàn của TTCK có vẻ đã quá lo xa.

Các CTCK đang kỳ vọng Dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động giao dịch mua chứng khoán ký quỹ, đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đưa ra lấy ý kiến sẽ sớm hoàn tất, để chính thức ban hành và có hiệu lực, nhằm tăng tính thanh khoản cho TTCK.

Thay vì đưa ra nhiều quy định quá chặt, thậm chí bất hợp lý như dự thảo, Thông tư chỉ nên đưa ra các quy định có tính nguyên tắc, tránh can thiệp quá sâu vào nghiệp vụ quản lý rủi ro của CTCK, cũng như quyền giao dịch của NĐT. Với những nội dung của dự thảo Thông tư, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý đang lo lắng thái quá cho sự an toàn của các CTCK, cũng như TTCK? Phải chăng đây là lý do chính khiến việc cho phép triển khai giao dịch ký quỹ bị trì hoãn suốt thời gian dài?

Quan điểm của nhiều CTCK cho rằng, ngay cả khi các quy định về giao dịch ký quỹ cởi mở đến mấy, họ cũng không vì thế mà nới tay trong triển khai nghiệp vụ này, ngược lại, các CTCK sẽ thiết lập hệ thống quản trị rủi ro đủ chặt chẽ và hiệu quả, để không tự đẩy mình đến chỗ “cháy túi”, thậm chí phá sản.

Theo CTCK TP. HCM (HSC), khi được phép triển khai giao dịch ký quỹ, ngoài “bộ lọc” rủi ro thứ nhất là các quy định pháp lý, các CTCK sẽ thiết lập “bộ lọc” thứ hai nhằm đảm bảo kiểm soát được rủi ro. Cụ thể, CTCK sẽ phải đề ra quy trình triển khai giao dịch ký quỹ rõ ràng, chặt chẽ, nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ mất khả năng thanh toán. Cùng với thiết lập hệ thống quản trị rủi ro được đặt lên hàng đầu, các CTCK còn phải xây dựng tiêu chuẩn, cũng như hạn mức cho vay sao cho an toàn nhất.

Việc kiểm soát rủi ro khi giao dịch ký quỹ, theo ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Kiểm soát nội bộ, CTCK Saigonbank Berjaya, “tiền kiểm” quan trọng hơn “hậu kiểm”, bởi cũng giống như ngân hàng sàng lọc khách hàng trước khi đưa ra quyết định cho vay, các CTCK cũng cần “chấm điểm” khách hàng kỹ lưỡng trước khi quyết định hạn mức, thời gian cho vay. Điều này có nghĩa là CTCK chỉ có thể tận dụng tối đa mặt tích cực của giao dịch ký quỹ khi đầu tư nhiều công sức cho xây dựng cơ sở dữ liệu về khách hàng. Theo đó, những khách hàng uy tín sẽ được tạo thuận lợi tối đa khi giao dịch ký quỹ, còn nếu không thì ngược lại.

Ngoài sự nỗ lực của “người chơi chính”, nhiều ý kiến từ CTCK cũng kiến nghị UBCK trong quá trình lấy ý kiến hoàn chỉnh Thông tư hướng dẫn giao dịch ký quỹ cần bổ sung quy định, NĐT phải có trách nhiệm trả nợ đến cùng cho CTCK khi họ giao dịch ký quỹ trong bất kể hoàn cảnh nào. Ý tưởng này được ông Phạm Ngọc Phú, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCK An Thành đề xuất. Đồng thời, ông Phú cũng kiến nghị cần có thêm các quy định làm rõ quy trình CTCK khởi kiện NĐT trong trường hợp họ cố tình “xù” nợ, hoặc chậm thanh toán cho CTCK theo hợp đồng hai bên đã thoả thuận.

Tuy giao dịch ký quỹ vẫn đang trong quá trình đợi hướng dẫn chính thức từ phía Bộ Tài chính, nhưng thực tế, nhiều CTCK đang triển khai nghiệp vụ này dưới các hình thức khác nhau. Để kiểm soát rủi ro, các CTCK đã thiết lập quy trình quản trị rủi ro khá bài bản, chặt chẽ.

Lãnh đạo một CTCK cho biết, trước khi quyết định cho NĐT vay tiền đầu tư chứng khoán cách đây 2 năm, Công ty đã chuẩn bị rất kỹ hệ thống kiểm soát rủi ro bằng cách tham khảo kinh nghiệm quốc tế, mời chuyên gia của Công ty Tài chính quốc tế (IFC) tư vấn… Theo khuyến nghị của IFC, Công ty chỉ nên cho NĐT vay không quá 8%/vốn điều lệ. Sau một thời gian thử nghiệm, tỷ lệ này chứng tỏ tính an toàn cao, nên Công ty đã tham khảo IFC nâng tỷ lệ này lên 25%. Do triển khai nghiêm ngặt các biện pháp quản trị rủi ro, nên tỷ lệ này không chỉ vẫn đảm bảo an toàn tài chính, mà còn giúp Công ty có doanh thu tốt hơn rõ rệt từ cung cấp dịch vụ này.

Thực tế cho thấy, số CTCK cho vay kiểu “vung tay quá trán” là có, nhưng không nhiều. Đa số CTCK tuy rất chiều thượng đế khi họ có nhu cầu giao dịch ký quỹ, nhưng đó không phải là kiểu chiều vô lối, bất chấp rủi ro, mà ngược lại họ luôn biết cách làm cho túi tiền sinh lời tốt nhất, nhưng cũng đồng thời đảm bảo mục tiêu giảm thiểu rủi ro. Với việc ý thức tự tạo ra các “bộ lọc” rủi ro như vậy, các CTCK đang nóng lòng chờ triển khai giao dịch ký quỹ, chờ Bộ Tài chính chính thức phát lệnh.

Hữu Hòe

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   UPCoM-Index tăng lên mức 55,99 điểm (09/07/2010)

>   “Phản ứng trên UPCoM là một tín hiệu tốt” (09/07/2010)

>   “Lách luật” tạo thanh khoản cho cổ phiếu OTC (09/07/2010)

>   Chứng khoán về “mo” (09/07/2010)

>   UPCoM: Chấp thuận đăng ký giao dịch cho Tư vấn Xây dựng Vinaconex (08/07/2010)

>   PFV được chấp thuận đăng ký giao dịch 60 triệu trên UPCoM (08/07/2010)

>   Thị trường ngày 09/07 và góc nhìn từ CTCK (08/07/2010)

>   UPCoM-Index giảm phiên thứ 2 liên tiếp (08/07/2010)

>   Tháng 6/2010, 148 NĐTNN được cấp mã giao dịch (08/07/2010)

>   UPCoM thay áo mới… (08/07/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật