“Lách luật” tạo thanh khoản cho cổ phiếu OTC
NĐT nên cẩn trọng với những cổ phiếu có thanh khoản tốt nhưng đã được các đầu mối OTC đẩy giá lên cao
Từ khi công bố kế hoạch lên niêm yết, giám đốc một DN tại miền Trung liên tục nhận được những cú điện thoại từ các công ty đầu tư, các đầu mối môi giới cổ phiếu OTC lớn tại Hà Nội và TP. HCM đề nghị đến tìm hiểu về công ty.
Thực tế, một số công ty và nhà môi giới cổ phiếu cá nhân quy mô lớn đang cố "lách luật" để nỗ lực tạo ra thanh khoản cho một số CP nhất định, trong khi phần lớn cổ phiếu trên thị trường OTC vẫn bị mất thanh khoản do chưa có một cơ chế giao dịch thực sự thuận lợi và hợp pháp.
Đầu tư trạng thái!
Theo quy định hiện hành, chỉ các Sở GDCK mới được tổ chức TTCK, trong khi đó hoạt động môi giới chứng khoán chỉ các CTCK được cung cấp. Đối với cá nhân thì hoạt động môi giới không bị cấm nhưng cũng không được cho phép một cách rõ ràng. Tuy nhiên, bên cạnh những cổ phiếu thực sự tốt và "hot", hiện một số đầu mối môi giới OTC đã tạo được thanh khoản cho cổ phiếu trên thị trường này bằng những cách sáng tạo riêng.
Giám đốc một công ty đầu tư kể về phương thức đầu tư và tạo thanh khoản cho cổ phiếu OTC mà công ty này đã thực hiện từ vài năm nay. Sau khi tìm kiếm được DN tiềm năng, với đội ngũ phân tích tốt, công ty sẽ mua cổ phiếu. Sau đó, sẽ giới thiệu với các NĐT khác tiềm năng của DN và cơ hội đầu tư vào cổ phiếu đó. Nếu NĐT có nhu cầu, công ty sẽ chuyển nhượng số cổ phiếu này từ tài khoản của mình chứ không làm môi giới với bên bán khác. Do là công ty đầu tư tài chính nên DN cũng làm luôn dịch vụ hỗ trợ tài chính thông qua hình thức repo… Với việc làm trọn gói như trên, NĐT thì giảm thiểu được rủi ro, còn công ty thì có thêm nguồn thu, gia tăng uy tín.
Cũng với cách làm như trên, một CTCK đã đứng ra làm giao dịch cho vài mã chứng khoán chưa niêm yết. Không chạy theo số lượng, CTCK này chỉ lựa chọn trong mỗi giai đoạn hai đến ba mã cổ phiếu.
Do có quan hệ chặt chẽ với ban lãnh đạo DN nên CTCK hiểu rất rõ DN làm ăn thế nào, tiềm năng ra sao. Vì thế, họ thường là một trong những đầu mối "thạo tin" của DN trước nhất. Từ việc có thông tin, CTCK đã định hướng cho NĐT đầu tư sao cho có lợi nhất.
Do giao dịch cổ phiếu OTC thường theo lô lớn (10.000 CP/lô) nên CTCK tạo cơ chế cho NĐT dùng đòn bẩy đến 70%. Khi giao dịch cổ phiếu OTC, NĐT sẽ ký một hợp đồng chuyển nhượng cổ phiếu. Trong đó có những điều khoản về vay tiền, trả nợ, thủ tục tất toán hợp đồng khi hết thời hạn repo.
Giao dịch theo phương thức này, NĐT không được đứng tên cổ phiếu trong sổ cổ đông ngay. Nếu trong thời hạn hợp đồng còn hiệu lực giá cổ phiếu tăng, NĐT bán đi và thu chênh lệch. Nếu giá giảm và NĐT muốn tất toán hợp đồng thì sẽ bị trừ vào số tiền đã nộp để mua cổ phiếu (khoảng 30% giá trị). Nếu NĐT muốn sở hữu cổ phiếu thì họ phải nộp toàn bộ số tiền còn thiếu. Có thể hình dung việc đầu tư cổ phiếu theo hình thức trên giống như đầu tư trạng thái. Nghĩa là NĐT không đầu tư vào cổ phiếu mà chỉ đầu tư trạng thái sở hữu cổ phiếu. Nếu thị trường tốt, cổ phiếu tăng giá, họ thu lợi nhuận hoặc ngược lại.
Phụ trách môi giới cổ phiếu OTC tại một CTCK cho biết, thực ra CTCK cũng muốn thực hiện phương thức mua đứt - bán đoạn. Tuy nhiên, việc làm thủ tục mất khá nhiều thời gian do CTCK không làm quản lý sổ cổ đông và bản thân công ty đại chúng cũng không dành thời gian và một bộ phận chuyên giải quyết vấn đề này. Trong khi nhu cầu mua bán diễn ra nhanh, nên buộc phải "nghĩ" ra cách đầu tư trạng thái giống như trong giao dịch vàng qua tài khoản trước đây.
Hấp dẫn cổ phiếu mới
Khi thị trường niêm yết lình xình chưa rõ xu hướng, nhiều cổ phiếu trên thị trường OTC gần đây đã bị mất giá, mất thanh khoản. Nhiều cổ phiếu OTC được mua đi - bán lại, bị đẩy giá lên khá cao thời gian qua, hiện không còn hấp dẫn NĐT.
Một đầu mối môi giới lớn tại Hà Nội cho biết, những cổ phiếu mới, đang có giá trong khoảng từ trên 10.000 đến gần 20.000 đồng/CP được giao dịch khá sôi động. Nhất là những cổ phiếu có kế hoạch lên sàn và EPS khá cao thì thu hút được sự quan tâm của NĐT nhiều hơn, bởi họ thấy rõ được tiềm năng tăng giá của những cổ phiếu này.
Các môi giới cũng hướng luồng tiền NĐT vào các cổ phiếu này trên thị trường OTC khi trên thị trường niêm yết có quá ít biến động. Cotec Anpha, CTCP Đầu tư và phát triển đa quốc gia (IDI), Elcom… là một trong số những mã được NĐT quan tâm.
Theo một NĐT chuyên nghiệp trên thị trường OTC, trong bối cảnh hiện nay, NĐT nên cẩn trọng với những mã cổ phiếu có thanh khoản tốt nhưng đã được các đầu mối OTC đẩy giá lên khá cao. Bởi thực tế, khi chào sàn, giá các cổ phiếu này bị điều chỉnh liên tục và nguy cơ thua lỗ thuộc về những NĐT thiếu thận trọng. Bằng chứng là, một số mã như: TNT, DNY, NTB… trước đây giao dịch trên thị trường với giá cao, nhưng sau khi chào sàn giá bị điều chỉnh xuống thấp hoặc có tăng, song chưa biết lúc nào mới có thể bắt kịp mức giá đã hình thành trên thị trường OTC trước đây.
Nguyên Thành
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|