Thời cơ trái phiếu…
Trái phiếu đang trở thành công cụ năng động trong kinh doanh vốn của các ngân hàng thương mại. Một công cụ để nắm thời cơ tạo lợi nhuận, nhưng cũng không ít rủi ro phải dè chừng.
Suốt năm 2009, hoạt động đấu thầu trái phiếu Chính phủ ảm đạm, liên tiếp loạt phiên thất bại khi thiếu vắng nhà đầu tư. Nay, sự sôi động đang trở lại từ “sóng” nhập cuộc của các ngân hàng thương mại.
Chuyển động mới
Hai tháng qua, kết quả đấu thầu trái phiếu Chính phủ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) khá ấn tượng: liên tiếp những phiên gọi vốn đạt mức cao, lượng đăng ký vượt trội và lãi suất có xu hướng giảm.
Giữa tháng 4, 3 lô trái phiếu phát hành với lượng gọi thầu 2.000 tỷ đồng đã được bao trọn. Từ tháng 5 đến nay, có 7.400 tỷ đồng trúng thầu trong tổng 11.000 tỷ đồng lượng gọi thầu các đợt phát hành trái phiếu Chính phủ qua HNX.
Đó là những con số ấn tượng so với sự ảm đạm kéo dài trong năm 2009. Ấn tượng hơn, thông kê từ HNX cho thấy, tổng khối lượng nhà đầu tư đăng ký trong các đợt phát hành trong tháng 5 đến nay lên tới 31.375 tỷ đồng.
Cũng theo HNX, khoảng 95% trong quy mô nói trên có từ sự tham gia của các ngân hàng thương mại.
Nếu trong năm 2009, hoạt động đấu thầu trái phiếu Chính phủ liên tiếp thất bại được giải thích từ nguyên nhân chính là lãi suất không hấp dẫn. Nay, tình thế đã khác. Trái phiếu trở thành công cụ năng động để các nhà băng nắm bắt cơ hội trên thị trường, nắm thời cơ từ sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước.
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Thăng Long (TLS), hoạt động đấu thầu trái phiếu Chính phủ thời gian gần đây sôi động do thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện, và do nhu cầu lớn về trái phiếu để cầm cố trên thị trường mở.
Kết quả đấu thầu gần đây cho thấy, khối lượng trúng thầu tăng mạnh trong khi lãi suất yêu cầu giảm ở tất cả các kỳ hạn. Lãi suất trái phiếu 3 năm giảm nhẹ 0,3 điểm phần trăm từ 11,25% vào ngày 13/5 xuống còn 10,95%; lãi suất trái phiếu 5 năm giảm 0,3 điểm phần trăm từ 11,5% vào ngày 22/4 xuống còn 11,2% vào ngày 28/5 và 4/6.
Cơ hội và rủi ro
Trong khi đó, cũng theo TLS, do các ngân hàng có khuynh hướng giữ lại trái phiếu để cầm cố, tranh thủ vốn đang được Ngân hàng Nhà nước “bơm” trên thị trường mở, nên giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp gần đây khá im ắng.
Việc dùng trái phiếu để cầm cố trên thị trường mở được xem là thời cơ để sinh lợi cho các ngân hàng thương mại hiện nay. Một số phân tích cho rằng với lãi suất trái phiếu khoảng 11%/năm, dùng cầm cố tranh thủ nguồn vốn khoảng 7% - 8%/năm trên thị trường mở để có chênh lệch hấp dẫn 3% - 4%. Nguồn vốn đó tiếp tục được tranh thủ cho vay trên thị trường liên ngân hàng để có thêm chênh lệch…
Trong khi đó, nếu cho vay theo các nhu cầu sản xuất kinh doanh thông thường, lúc này tỷ lệ lãi biên mà các nhà băng thu được chỉ khoảng từ 2% - 3%. Mặt khác, tín dụng tăng trưởng thấp trong suốt 5 tháng đầu năm khiến nguồn thu từ lãi cũng hạn chế.
Ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc Phòng Kinh doanh vốn và ngoại hối của HSBC Việt Nam, cũng cho biết hiện đang có nhiều ngân hàng có nhu cầu mua trái phiếu Chính phủ và sau đó dùng để vay lại vốn từ Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở.
“Đây là một động lực tốt cho các ngân hàng tham gia mua trái phiếu Chính phủ tích cực hơn, giúp tạo nguốn vốn trung và dài hạn cho Bộ Tài chính. Trước đây, nếu không thể tiếp cận vốn thị trường mở, một số ngân hàng sẽ ngần ngại tham gia mua trái phiếu Chính phủ”, ông Hải nói.
Cũng theo chuyên gia này, chuyển động trên là hoàn toàn bình thường khi các nhà băng nhận thấy có khả năng kiếm lợi từ chênh lệch giữa lợi tức trái phiếu Chính phủ và lãi suất trên thị trường mở.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng nếu ngân hàng không có nguồn vốn tiền đồng ổn định và chỉ dựa vào vốn vay từ thị trường mở để dùng vào đầu tư trái phiếu, ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn về thanh khoản khi Ngân hàng Nhà nước ngưng cung ứng vốn ra trên thị trường (trong trường hợp cơ quan này muốn thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát).
Thực tế, vốn đầu tư trái phiếu là dài hạn và không hẳn ngân hàng nào cũng luôn sung túc và ổn định nguồn vốn để theo đuổi. Khi “trái gió, trở trời”, Ngân hàng Nhà nước ngừng “bơm” vốn, thậm chí “hút” về để kiềm chế lạm phát, khó khăn thanh khoản, ngân hàng buộc phải bán trái phiếu và lúc đó có thể thua lỗ.
Trong khi đó, chuyên gia của HSBC Việt Nam lưu ý rằng thị trường trái phiếu Chính phủ hiện vẫn chưa có tính thanh khoản cao. Do đó, các ngân hàng có khả năng không bán được trái phiếu khi cần thanh khoản tiền đồng, đặc biệt khi các ngân hàng đều muốn bán ra. Và đây cũng là một rủi ro cần chú ý.
“Trong thời gian tới, nếu có quá nhiều ngân hàng tham gia vào kinh doanh chênh lệch lãi suất mà không có thực lực về thanh khoản tiền đồng, Ngân hàng Nhà nước có khả năng phải liên tục duy trì lượng vốn lớn bơm vào thị trường mở. Nếu không, các ngân hàng sẽ gặp khó khăn về thanh khoản”, ông Hải nhận định.
Một thống kê của Công ty Chứng khoán Thăng Long cho thấy, trong tháng 5 đến tuần đầu tháng 6, tổng lượng tiền Ngân hàng Nhà nước “bơm” ròng ra thị trường mở khoảng 21.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu cơ quan này sẽ tiếp tục duy trì sự hỗ trợ như thế trong thời gian bao lâu?
Minh Đức
TBKTVN
|