Thứ Ba, 08/06/2010 06:57

Đua nhau đòi phát hành trái phiếu quốc tế

Nhiều tập đoàn nhà nước lớn đang xin phép Chính phủ được phát hành trái phiếu quốc tế có giá trị tổng cộng lên tới cả tỷ đô la để cân đối vốn cho các dự án đầu tư của họ.

Sau khi 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế của Chính phủ kỳ hạn 10 năm (đáo hạn vào ngày 29/1/2020) với lãi suất danh nghĩa 6,75%/năm, lợi tức phát hành 6,95%, được phát hành thành công trên thị trường quốc tế vào hồi cuối tháng 1 vừa qua, phần lớn trong số này đã được cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vay để đầu tư cho dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Tuy nhiên, có vẻ như PVN vẫn chưa hết “khát” vốn khi tập đoàn này lên kế hoạch phát hành thêm ít nhất 5.000 tỷ đồng (có thể lên tới 500 triệu - 1 tỷ USD) trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế trong năm nay.  Chỉ điểm qua vài dự án lớn đang được triển khai như nhà máy điện Nhơn Trạch II (750 MW), Thái Bình 2, Long Phú 1 (1.200 MW), nhà máy sơ xợi Đình Vũ (300 triệu USD), dự án đường ống dẫn khí lô B - Ô Môn (800 triệu USD), khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (trên 6 tỷ USD) v.v… thì cho dù PVN chỉ phải góp hơn 20% cổ phần ở một số dự án lớn như Lô B - Ô Môn hay khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn thì nhu cầu vốn đầu tư của PVN cũng đã là không nhỏ.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó tổng giám đốc PVN, vào cuối năm ngoái đã cho hay, kênh phát hành trái phiếu quốc tế sẽ là kênh huy động vốn hiệu quả giúp tập đoàn ông thu xếp tài chính cho hàng loạt dự án đang triển khai. Theo tính toán của ông Dũng, nhu cầu vốn chỉ trong năm 2010 của PVN đã lên tới 4 tỷ USD. Không chỉ “gã nhà giàu” PVN muốn phát hành trái phiếu quốc tế để huy động vốn cho các dự án của mình mà cả 2 doanh nghiệp lớn khác trong lĩnh vực công nghiệp là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng có nhu cầu tương tự.

Hơn 2 tháng trước, EVN đã đề nghị Chính phủ cho vay khoảng 500 triệu USD từ nguồn phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ để đảm bảo vốn cho các công trình nguồn điện và lưới điện. Trước đó, tập đoàn này cũng đã có kế hoạch phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp năm 2010 tại thị trường trong nước để thu xếp vốn cho các dự án lưới điện và nguồn điện đang triển khai. Thế nhưng, con số 2.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp mà EVN phát hành được trong đợt 1 của năm nay được lãnh đạo EVN cho là “chỉ đủ bù đắp cho các khoản tạm ứng trước vào năm ngoái cho các dự án đang đầu tư”.

Ông Mai Quốc Hội - Kế toán trưởng EVN cho biết, năm nay EVN dự kiến thu về từ khấu hao khoảng 5.000 tỷ đồng và từ cổ phần hóa thêm khoảng 1.000 tỷ đồng nữa. Nhưng khoản thu này được xem là “chỉ đủ trả số nợ vay khoảng 6.000 tỷ đồng đã đến hạn trả nợ trong năm nay”. Vì vậy, ngoài kế hoạch phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp nói trên (năm ngoái EVN cũng đã phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp), EVN cũng đang kỳ vọng có thêm nguồn vốn từ trái phiếu quốc tế của Chính phủ. “Có những dự án quy mô tới hơn 1 tỷ USD, dù phần vốn đối ứng phía Việt Nam chỉ là 15% thì con số tuyệt đối cũng đã rất lớn, lên tới 150 triệu USD, nên thu xếp cũng vất vả”, ông Hội thừa nhận.

Còn đối với TKV, ông Nguyễn Văn Hải - Phó tổng giám đốc cho hay, TKV muốn được phát hành khoảng 300 - 500 triệu USD trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế trong năm nay để lấy vốn cho các dự án than, bauxit, điện. “TKV chưa bao giờ phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế mà mới chỉ phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu tại thị trường trong nước vào năm 2007 và năm 2009 với lãi suất tương ứng là 9,5% và 10,4%” - ông Hải cho biết. Theo ông, mỗi năm TKV có nhu cầu vốn tới 1 tỷ USD.

Để thu xếp vốn, TKV đã tìm kiếm từ nhiều nguồn khác nhau như vay thương mại, tín dụng xuất khẩu, tín dụng có bảo lãnh của Chính phủ. Mới đây nhất tập đoàn này đã dành được một khoản vay trị giá 150 triệu USD cho các dự án phát triển ngành than thuộc chương trình tài trợ năng lượng và tài nguyên của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) có lãi suất thấp hơn lãi suất thương mại thông thường và thời hạn vay là 5 năm.

Đổi lại, TKV phải đảm bảo nguồn than xuất khẩu ổn định cho thị trường Nhật Bản, mỗi năm từ 1 đến 1,5 triệu tấn than cục 5 và than cám 1 (loại có nhiệt lượng cao dùng cho sản xuất thép).Bên cạnh đó, TKV cũng đã đạt được thỏa thuận vay vốn với trị giá 200 triệu USD, đồng tài trợ bởi 7 tổ chức tín dụng nước ngoài (do Credit Suisse là đầu mối), cho các dự án của mình. Lãnh đạo TKV cho hay, hiện chỉ nhu cầu vốn để phát triển các dự án khai thác than trong năm 2010 và các năm sau thôi cũng đã rất lớn, bởi suất đầu tư khai thác mỏ hiện nằm trong khoảng 125 - 150 USD/tấn công suất. Vì vậy, khoản vay trên chỉ đáp ứng được một phần nhỏ tổng nhu vốn đầu tư của tập đoàn này.

Diệu Xuân

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Vietsovpetro sẽ vươn ra vùng biển sâu và xa bờ (06/06/2010)

>   Huy động được 1,200 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (04/06/2010)

>   TDH phát hành 6 triệu trái phiếu chuyển đổi từ 01/07 (04/06/2010)

>   Huy động được 1.400 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (04/06/2010)

>   MCG chuyển đổi 20% trái phiếu thành cổ phiếu tỷ lệ 1:10 (03/06/2010)

>   Thép Bắc Việt sẽ phát hành 75 - 85 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (03/06/2010)

>   Trái phiếu “lên ngôi” (03/06/2010)

>   OCB phát hành 1.000 tỉ đồng kỳ phiếu (03/06/2010)

>   Tháng 5, huy động 26.065 tỉ đồng trái phiếu chính phủ (02/06/2010)

>   Nhiều doanh nghiệp tìm vốn qua kênh trái phiếu (01/06/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật