Thế giới tuần 7-13/6: Cảnh báo và bi quan
Tuần qua, các định chế tài chính quốc tế lớn liên tiếp đưa ra những cảnh báo về tình hình kinh tế thế giới. Tuy nhiên, hầu hết dự báo đều mang tới một bức tranh màu xám. Thậm chí có dự báo còn đổ lỗi cho bóng đá sẽ là nguyên nhân khiến kinh tế suy giảm.
Khủng hoảng nợ châu Âu có thể gây hiệu ứng domino đối với châu Á. |
Hiệu ứng Domino. Phó Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Naoyuki Shinohara nhận định, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu có thể làm gián đoạn thương mại toàn cầu, ảnh hưởng đến châu Á do khu vực này vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Theo đó, những vấn đề tín dụng có thể lan sang châu Á thông qua các kênh cấp vốn; khủng hoảng nợ công ở một số nước khu vực sử dụng đồng Euro có thể gây hiệu ứng domino sang châu Á.
Có thể “chết yểu”. Đồng euro có thể sẽ "chết" trước khi kết thúc nhiệm kỳ Nghị viện châu Âu - đó là nhận định của đa số chuyên gia kinh tế Khu tài chính London trong cuộc điều tra dư luận do tờ Sunday Telegraph (Anh) thực hiện và được công bố ngày 7/6. Thậm chí, có những ý kiến cho rằng, đồng Euro sẽ không tồn tại dưới mô hình thành viên hiện nay trong một tuần tới, chứ chưa nói tới nhiệm kỳ nghị viện năm năm.
Trở ngại mới. Hôm 10/6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2010 và 2011 lên mức 2,9 - 3,3%, và năm 2012 lên mức 3,2-3,5%. Tuy nhiên, WB cảnh báo khủng hoảng nợ châu Âu đã tạo ra những trở ngại mới trên con đường phục hồi bền vững trung hạn của kinh tế thế giới. WB cũng cho rằng, sự phục hồi kinh tế thế giới về trung hạn đang phải đối phó với nhiều trở ngại như dòng vốn quốc tế tiếp tục giảm, thất nghiệp cao…
Giống Hy Lạp. Ngày 11/6, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cảnh báo, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công, tương tự như Hy Lạp nếu nước này không nhanh chóng xử lý các khoản nợ công đang ngày càng phình to. Ông Kan nhấn mạnh, Nhật Bản không thể tiếp tục dựa vào việc phát hành trái phiếu để trả các khoản nợ khi quy mô ngân sách ngày càng thu hẹp trong bối cảnh dân số giảm và lão hóa.
Cao lịch sử. Hôm 9/6, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke đã cảnh báo về tình trạng nợ quốc gia và đề nghị Washington nghiêm túc rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu hiện nay. Ông Bernanke cho hay, nợ quốc gia của Mỹ đang ở mức cao trong lịch sử (13.000 tỷ USD) và thâm hụt ngân sách tiếp tục tăng. Số liệu của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, nợ quốc gia sẽ tăng lên 19.600 tỷ USD vào năm 2015, vượt quá 100% GDP.
Giảm tăng trưởng. Báo chí quốc tế ngày 7/6 dẫn dự báo của Liên hợp quốc cho biết, các nước đang phát triển tại châu Á có thể tăng trưởng 7% trong năm nay. Tuy nhiên, nguy cơ về một cuộc suy thoái mới tại các nước giàu có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng trên tới 1%. Theo Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc, nguy cơ kìm hãm tốc độ tăng trưởng châu Á xuất phát từ những bất ổn kinh tế tại một số nước khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Chưa lạc quan. Báo chí Hy Lạp ngày 11/6 công bố kết quả thăm dò dư luận từ 2-7/6 cho thấy, có tới 80% người dân Hy Lạp lo sợ khủng hoảng nợ hiện nay ở nước này có thể làm bùng phát những bất ổn về xã hội. Rất ít người tỏ ra lạc quan về triển vọng kinh tế trong thời gian tới. 69% cho rằng, tình hình kinh tế sẽ ngày càng xấu đi, chỉ 12% hy vọng tình hình sẽ sáng sủa hơn. Thậm chí, 72% ý kiến cho rằng, kinh tế nước này đang đi sai hướng.
Lỗi ở bóng đá. Theo điều tra của Viện quản lý Chartered, chủ sử dụng lao động tại Anh lo sợ Cúp bóng đá 2010 có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế nước này tới 1 tỷ bảng do giờ làm việc bị mất. Hơn một nửa số chủ sử dụng lao động được hỏi tỏ ra lo lắng nhân viên của họ bị phân tâm bởi các trận thi đấu. Các nhân viên sẽ không tập trung khiến năng suất lao động giảm, mất thời gian bàn luận về các trận đấu trong giờ làm việc.
Dương Lâm
TBKTVN
|