Góc nhìn cải cách
Nút thắt trong luật
Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 1-7-2007, gồm 14 chương, 120 điều, quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan quản lý thuế nhằm bảo đảm phục vụ hỗ trợ người nộp thuế và giám sát quá trình tuân thủ pháp luật thuế có hiệu quả.
Tuy nhiên, trong luật này còn một số điểm chưa phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho cơ quan thực hiện. Cụ thể, Điều 110 quy định, đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; hành vi chậm nộp tiền thuế; hành vi khai thiếu nghĩa vụ thuế, thời hiệu xử phạt là 5 năm, kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện. Điều này có thể dẫn tới tình trạng doanh nghiệp chây ỳ, cố tình không nộp thuế đúng hạn, tìm cách chậm nộp quá 5 năm để không bị xử phạt. Tương tự, theo Điều 93 thì các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bao gồm: trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; yêu cầu phong tỏa tài khoản; khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật để thu đủ tiền thuế, tiền phạt…
Nhưng các biện pháp này không dễ thực hiện bởi đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, liên quan đến nhiều thủ tục hành chính và tốn khá nhiều thời gian. Đơn cử như việc phong tỏa tài khoản chẳng hạn, hiện nay việc mở tài khoản tại các ngân hàng khá dễ dàng, trong khi cơ quan thu thuế khó mà biết hết các tài khoản của doanh nghiệp để đề nghị phong tỏa. Bên cạnh đó, Điều 45 của luật này quy định: trong trường hợp người nộp thuế vừa có số tiền thuế nợ, tiền thuế truy thu, tiền thuế phát sinh, tiền phạt thì việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự nộp tiền thuế nợ trước, tiếp đến tiền thuế truy thu, tiền thuế phát sinh, tiền phạt. Đây cũng là vấn đề khó thực hiện đồng bộ vì hệ thống phần mềm tra cứu ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng Luật Quản lý thuế như cơ chế phối hợp giữa các đơn vị ngoài ngành chưa tốt; tổ chức bộ máy và năng lực cán bộ còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp vẫn tìm "kẽ hở" để lách luật... Song điều quan trọng là cần có văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế một cách cụ thể, rõ ràng. Có như vậy thì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như công tác quản lý của cơ quan chức năng mới thuận lợi, đạt được hiệu quả như mong muốn.
Nguyễn Hiền
Hà Nội Mới
|