Vẫn điều tiết được thuế với người sở hữu nhiều nhà ở
Mặc dù không đánh thuế đối với nhà ở của tổ chức, cá nhân, nhưng trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư tại hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, không vì thế mà ngân sách không điều tiết được đối với những người sở hữu nhiều nhà ở có giá trị lớn.
Thưa ông, vì sao Bộ Tài chính lại quyết định không đánh thuế nhà ở?
Trong Dự thảo Luật thuế nhà đất trước đây, Bộ Tài chính kiến nghị đánh thuế đối với cả nhà ở, với mục tiêu hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản. Tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ thì thấy rằng, dù có đánh thuế đối với nhà ở cũng không hạn chế được tình trạng đầu cơ, bởi trên thực tế, người ta đầu cơ vào mảnh đất, chứ không ai đầu cơ vào ngôi nhà xây trên mảnh đất đó.
Tôi lấy ví dụ, ngôi nhà xây ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) và ngôi nhà xây ở một huyện nào đó thuộc tỉnh Lai Châu chẳng hạn, giá trị xây dựng 2 ngôi nhà như nhau, thậm chí ngôi nhà xây ở Lai Châu còn đắt hơn ở quận Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, giá trị ngôi nhà (cả quyền sử dụng đất) ở quận Hoàn Kiếm đắt gấp hàng chục lần, thậm chí là hàng trăm lần ở Lai Châu, mà đánh thuế 2 ngôi nhà này như nhau do căn cứ vào giá trị xây dựng, là chưa công bằng và không phù hợp với thực tiễn.
Nhưng tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XII (cuối năm 2009), khi trình Dự thảo Luật thuế nhà đất, Bộ Tài chính lại bảo vệ quan điểm phải đánh thuế nhà?
Khi xây dựng Luật Thuế nhà đất, chúng tôi đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế, nhưng không phải nhằm mục tiêu tăng thu cho ngân sách, mà chỉ muốn hạn chế tình trạng đầu cơ, bảo đảm sự công bằng hơn trong xã hội theo hướng, người giàu có sống trong những ngôi nhà trị giá nhiều tỷ đồng cũng phải có nghĩa vụ đóng góp một phần nhỏ vào ngân sách. Nhưng sau khi thảo luận nhiều lần, lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, đại biểu Quốc hội, cũng như các chuyên gia kinh tế, thì thấy rằng, nếu có thu cũng không được nhiều vì những ngôi nhà phải chịu thuế (có giá trị xây dựng từ 2 tỷ đồng trở lên) không nhiều, việc quản lý thuế lại phức tạp, chi phí đi thu khá lớn. Hơn nữa, việc thu thuế nhà cũng không hạn chế được tình trạng đầu cơ, nên kiến nghị không thu thuế đối với nhà ở.
Vậy phải hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản bằng cách nào, thưa ông?
Tôi được biết, tại góc phố Hàng Bài - Lý Thường Kiệt (Hà Nội) có ngôi biệt thự rất đẹp, chủ đầu tư mua xong thì dỡ bỏ để xây công trình khác. Điều này cho thấy, đầu cơ bất động sản thực chất là đầu cơ vào mảnh đất nơi ngôi nhà tọa lạc, chứ không phải đầu cơ vào ngôi nhà. Vì vậy, để hạn chế đầu cơ, phải đưa ra mức thuế đối với đất ở phù hợp.
Theo Dự thảo Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, diện tích trong hạn mức phải nộp mức thuế là 0,03% giá trị; phần diện tích vượt hạn mức nhưng không quá 3 lần nộp 0,06% và phần diện tích vượt trên 3 lần nộp 0,1%. Nếu cần, Quốc hội có thể nâng mức thuế ngoài hạn mức lên nữa để hạn chế đầu cơ.
Với cách tính thuế trên, người có nhiều nhà sẽ phải nộp thuế nhiều hơn?
Đúng vậy. Mỗi ngôi nhà tọa lạc trên một vị trí đất khác nhau, người có nhiều nhà thì có quyền sử dụng nhiều thửa đất ở, diện tích tính thuế là tổng diện tích các thửa đất. Như vậy, người có nhiều nhà, mặc dù không phải nộp thuế nhà, nhưng phải nộp thuế sử dụng nhiều mảnh đất khác nhau.
Tôi cho rằng, cách tính thuế như trên là công bằng hơn. Cũng với ví dụ ngôi nhà ở Lai Châu và ngôi nhà ở quận Hoàn Kiếm nêu trên, giá trị ngôi nhà (cả quyền sử dụng đất) ở quận Hoàn Kiếm đắt hơn nhiều lần ở Lai Châu, thì phải nộp thuế cao hơn nhiều lần, vì theo quy định, giá tính thuế được xác định bằng diện tích đất tính thuế nhân với giá của 1m2 đất do UBND cấp tỉnh quy định.
Nếu người ta đầu cơ vào nhà chung cư thì sao?
Đối với nhà ở chung, diện tích đất tính thuế được xác định bằng hệ số phân bổ nhân với diện tích nhà thuộc quyền sở hữu của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nên người sở hữu chung cư ở Hà Nội, TP.HCM phải nộp thuế cao hơn những nơi khác, vì 2 địa phương này có giá đất cao hơn. Người sở hữu nhiều căn hộ chung cư thì phải nộp thuế tất cả căn hộ mà họ sở hữu.
Khi Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có hiệu lực (ngày 1/1/2012), ông có lo ngại về việc quản lý thuế không?
Không, vì hiện ngành thuế vẫn thu thuế đối với quyền sử dụng đất ở của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Quản lý khoản thu này có thể nói là khá hiệu quả do nhiều nơi đã thực hiện ủy nhiệm cho chính quyền địa phương thu hộ, mà chính quyền địa phương thì nắm rất chắc, rất sát diện tích từng thửa đất, ai đang sử dụng, mua bán thế nào.
Mạnh Bôn
BÁO ĐẦU TƯ
|