Vất vả “se duyên” với đối tác nước ngoài
Cách đây vài năm, việc tìm đối tác chiến lược nước ngoài không chỉ đơn thuần nhằm hợp tác với đối tác có nguồn vốn dồi dào, nhiều kinh nghiệm, mà còn phần nào nhằm “đánh bóng” tên tuổi.
Đến nay, thời gian chưa dài, nhưng cũng đủ để các ngân hàng thấy được những chông gai và nhiều dư vị khi quyết định “se duyên” với đối tác nước ngoài.
Năm 2007, một trong những chủ đề được quan tâm nhất của giới đầu tư là kế hoạch cổ phần hóa Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), trong đó nổi lên việc lựa chọn đối tác chiến lược trước hay sau khi chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Qua thời gian đàm phán khó khăn, cơ quan chức năng đã phải quyết định thay đổi trình tự, theo đó sẽ IPO trước khi chọn đối tác chiến lược.
Đến nay, trong khi các ngân hàng khác lần lượt gia tăng tiềm lực, thì quá trình tìm kiếm đối tác chiến lược của Vietcombank vẫn đình trệ, đến mức nhiều cổ đông của Vietcombank bày tỏ mong muốn Vietcombank được là ngân hàng... bình thường (tức là không chịu những ràng buộc của một ngân hàng thí điểm cổ phần hóa) để có thể tiến hành tăng vốn (!).
Tại đại hội cổ đông năm 2010 vừa diễn ra, Vietcombank cho biết sẽ trình kế hoạch tăng vốn điều lệ từ hơn 12.100 tỷ đồng lên hơn 17.587 tỷ đồng, tăng hơn 5.486 tỷ đồng. Theo đó, đợt I (dự kiến trong quý II/2010), Vietcombank sẽ phát hành thêm 9,28% cho cổ đông hiện hữu với giá bằng mệnh giá; đợt II (dự kiến trong quý IV/2010), phát hành thêm hơn 436 triệu cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu, ứng với tỷ lệ 33% tính trên số cổ phiếu sau khi phát hành 9,28% đợt I. Như vậy, đối tác chiến lược vẫn vắng bóng và nguồn vốn huy động vẫn nhắm đến các cổ đông hiện hữu.
Trên thực tế, ngay cả những ngân hàng đã chọn được đối tác chiến lược nước ngoài cũng không dễ giữ chân nguồn vốn ngoại. Tại đại hội cổ đông năm nay, cổ đông của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã chất vấn Ban lãnh đạo ngân hàng về kế hoạch thoái 9,93% vốn của Ngân hàng ANZ tại Sacombank.
Với chiến lược phát triển của ANZ khi trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, phía ANZ đã chủ động tìm đối tác để có kế hoạch thoái vốn sớm tại Sacombank. Có ý kiến cho rằng, ANZ không chỉ muốn phục vụ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mà còn muốn thâm nhập thị trường Việt Nam, khai thác hơn nữa khách hàng Việt Nam, nên việc thoái vốn là cần thiết, để không mâu thuẫn với lợi ích trong phần vốn góp tại Sacombank. Song dư luận cũng không loại trừ lý do hiệu quả lợi nhuận và chiến lược kinh doanh của các ngân hàng nội không phù hợp với kỳ vọng của đối tác nước ngoài.
Trong khi đó, không ồn ào với những đồn đoán, Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB) mới đây bất ngờ công bố chính thức bán 15% cổ phần cho đối tác chiến lược là Commonwealth of Australia - ngân hàng bán lẻ số 1 tại Australia - và dự kiến nâng lên 20% vào năm 2011 khi được Chính phủ cho phép.
Ông Hàn Ngọc Vũ, Chủ tịch HĐQT VIB cho hay, VIB đi từng bước chặt chẽ, đặc biệt chú trọng đến hiệu quả kinh doanh khi hợp tác với Commonwealth of Australia, bởi đối tác này hoàn toàn không có ý định tham gia đầu tư vào một ngân hàng Việt Nam khác.
“Quá trình hợp tác được hai bên đi những bước rất chặt chẽ. Trước khi mua 15% cổ phần của VIB, Commonwealth of Australia đã hợp tác hỗ trợ kỹ thuật thành công cho VIB. Với đối tác chiến lược này, chúng tôi hướng đến mục tiêu trở thành 1 trong 3 ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam”, ông Vũ chia sẻ.
Bá Thư
đầu tư
|