Lực đỡ từ vĩ mô
Báo cáo kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm vừa công bố cho thấy, các chỉ tiêu kinh tế cơ bản tiếp tục ổn định tích cực. Dòng vốn trên TTCK đang vận động mạnh cho một "cơ hội tháng 5", phản ứng với khả năng mở rộng tín dụng cho nền kinh tế cũng như cho thị trường.
Vốn nước ngoài sẽ chảy mạnh?
Hãng Bloomberg trích báo cáo hôm 29.4 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy có khả năng dòng vốn nước ngoài đang chảy mạnh vào các nền kinh tế mới nổi ở Châu Á: “Việc duy trì đồng nội tệ yếu có thể khuyến khích dòng vốn đầu tư nước ngoài hoặc hình thức vay tiền từ nơi có lãi suất thấp và thông qua các quỹ để đầu tư vào các nước này (carry trade). Triển vọng tăng trưởng tốt cũng như sự chênh lệch ngày càng rộng về lãi suất, tỉ giá tại các nước đang phát triển sẽ hấp dẫn dòng vốn chảy vào khu vực”.
Theo ước đoán của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng dòng vốn đầu tư toàn cầu hướng đến các nước đang phát triển năm 2010 có thể đạt khoảng 800 tỉ USD, tăng cao so với mức 450 tỉ USD vào nửa cuối năm 2009. Báo cáo của IMF cũng cho rằng, các nước đang phát triển cần cẩn trọng đón nhận dòng vốn này vì nó có thể làm tăng tốc lạm phát và giá trị tài sản.
Báo cáo 4 tháng của Bộ Kế hoạch-Đầu tư cũng cho thấy cả mức cam kết và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam đều có tín hiệu tích cực. Lượng vốn giải ngân 4 tháng đạt 3,4 tỉ USD, tăng 36% cùng kỳ, riêng tháng 4 đạt khoảng 900 triệu USD. Trung bình, giải ngân vốn FDI đạt khoảng 850 triệu USD/tháng.
Theo đánh giá, đây là mức khá cao và tương đương mức giải ngân vốn FDI giai đoạn trước suy thoái kinh tế. Báo cáo phân tích vĩ mô 4 tháng đầu năm của CTCK Thăng Long cũng nhìn nhận mức giải ngân cao của dòng vốn FDI đã đóng góp một phần quan trọng tài trợ cho thâm hụt thương mại và thúc đẩy sản xuất của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong những tháng tới.
Diễn biến tỉ giá VND/USD trên thị trường chợ đen đang bình ổn do yếu tố cung - cầu và khá trùng hợp với diễn biến mua ròng của NĐTNN trên TTCK suốt 3 tháng gần đây.
“Một sự ngạc nhiên thú vị là khi các báo cáo của tổ chức nước ngoài tỏ ra khá bi quan về lạm phát và thâm hụt thương mại thì đó cũng là lúc NĐTNN bắt đầu những chuỗi ngày mua ròng mạnh mẽ” - báo cáo của CTCK Thăng Long nhận xét.
Theo số liệu này, tính chung 4 tháng, NĐTNN mua ròng trên TTCK Việt Nam khoảng 229 triệu USD. Thống kê của hai sở giao dịch cũng ghi nhận 4 tháng qua là thời kỳ giao dịch bùng nổ nhất của NĐTNN với 13/16 tuần khối này mua ròng liên tục.
Chứng khoán: Độ "nóng” phụ thuộc chính sách
Độ “lỏng” của chính sách tiền tệ hiện tại được xem là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới độ “nóng” của TTCK.
NHNN đang nỗ lực giảm lãi suất thị trường sau khi con số lạm phát rất thấp của tháng 4 được công bố. Hiện các NHTMNN đã đạt được sự đồng thuận về trần lãi suất cho vay 13% áp dụng từ 1.5. Rõ ràng việc này sẽ giúp các DN hạ thấp chi phí và thúc đẩy sản xuất. Chúng tôi không thấy có sức ép lạm phát nghiêm trọng nào trong những tháng tới.
"Do vậy, chúng tôi kỳ vọng chính sách tiền tệ sẽ dần được nới lỏng theo hướng phục vụ tăng trưởng và thị trường tài chính sẽ được cải thiện” - các kinh tế gia của CTCK Thăng Long bình luận. Theo mô hình dự báo của tổ chức này, tỉ lệ lạm phát trong tháng 5.2010 chỉ vào khoảng 0,21-0,32%.
Phân tích các yếu tố vĩ mô ảnh hưởng tới TTCK trong những tháng còn lại của năm 2010, báo cáo trên cũng nhấn mạnh đến yếu tố chính sách: “Các biến số kinh tế ổn định làm tăng kỳ vọng vào việc Chính phủ thực thi các chính sách tăng trưởng”. Hai yếu tố quan trọng nhất là sức ép lạm phát và thâm hụt thương mại đang dịch chuyển theo hướng tích cực.
Các ước đoán về hai chỉ tiêu này đang có những quan điểm khác nhau. Từ cuối tháng 3, nhiều báo cáo của tổ chức quốc tế lo ngại về con số thâm hụt 1,35 tỉ USD trong tháng và khoảng 3,5 tỉ USD tính chung cho 3 tháng. Citigroup cho rằng, thâm hụt thương mại làm ảnh hưởng tới niềm tin vào đồng nội tệ.
Ngân hàng Barclays lại nhận định “mức thâm hụt này không quá xấu như thoạt nhìn qua”: Giải ngân vốn FDI và kiều hối sẽ bù đắp sự thâm hụt này và tỉ giá tự do ổn định chứng tỏ cung - cầu cân bằng hơn. Tổ chức này ước tính, năm nay Việt Nam có thể nhận 7 tỉ USD kiều hối và 11 tỉ USD vốn FDI.
Mới đây, Citigroup lại cho rằng lạm phát của Việt Nam có thể trên 10%, thậm chí gần 11% trong năm nay bất chấp số liệu tốt của tháng 4. Barclays Capital lại dự đoán lạm phát bình quân chỉ là 9,7%. Bà Prakriti Sofat - Phó Chủ tịch Barclays Capital phụ trách Indonesia và Việt Nam - cũng không đồng tình với xếp hạng tín dụng Việt Nam ở mức tiêu cực BB của Ficht. Ngược lại, Barcays Capital đánh giá cao trái phiếu quốc tế của Việt Nam và dự đoán tăng trưởng GDP 2010 từ 6,8% đến xấp xỉ 7%, lạc quan hơn nhiều so với IMF và WB.
Các chuyên gia kinh tế của CTCK Thăng Long cho rằng, mức lạm phát cả năm sẽ chỉ xoay quanh 9% - “phù hợp với mong đợi”. Quan trọng hơn là TTCK sẽ phản ứng tích cực khi các ngân hàng mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, tức là khả năng giảm lãi suất thị trường một cách thực tế chứ không hẳn do một quyết định chính sách: “Mặc dù tiền bị hút về ròng qua thị trường mở, nhưng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng liên tục ổn định và giảm cho thấy thanh khoản của hệ thống đã được cải thiện. Việc mặt bằng lãi suất giảm sẽ là động lực chính để mở rộng tín dụng trên diện rộng và thanh khoản trong nền kinh tế gia tăng”.
Hoàng Nguyên
lao động
|