Thận trọng với tín dụng cầm cố chứng khoán
Mặc dù đã rộng cửa hơn với hoạt động tín dụng cầm cố chứng khoán, nhất là từ sau khi được thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận đối với khoản vay ngắn hạn, song các ngân hàng cho biết, trong lúc này NĐT cũng tỏ ra thận trọng đối với việc sử dụng vốn vay kinh doanh cổ phiếu. Mặt khác, các ngân hàng cũng không thể nới lỏng điều kiện cho vay đối với loại hình này khi diễn biến thị trường chưa thực sự ổn định.
Theo một cán bộ cấp cao Khối khách hàng cá nhân, Eximbank, hiện đơn vị này vẫn cho vay cầm cố chứng khoán, vì chưa sử dụng hết "room" 20% vốn điều lệ theo quy định. Eximbank cho vay chứng khoán với lãi suất thỏa thuận chỉ dao động trong khoảng 14 - 15%/năm, không cao hơn so với tín dụng tiêu dùng và mua nhà, đất trả góp. Hạn mức vốn được cung cấp cho NĐT tối đa không quá 3 lần mệnh giá. Thế nhưng, vị cán bộ trên cho biết, dư nợ cho vay cố không có chiều hướng tăng tưởng, do NĐT thận trọng hơn trước. Đồng thời, Ngân hàng cũng kiểm soát chặt hơn về chất lượng tín dụng cầm cố.
Trong năm qua, Eximbank đã liên kết với nhiều CTCK để triển khai tín dụng cầm cố, hỗ trợ vốn cho NĐT. Song trong thời gian gần đây, Ngân hàng đã tạm dừng việc cung ứng vốn cho một số CTCK để cho vay cầm cố. CTCK SJCS cho biết, không còn nhận được nguồn vốn cung ứng từ Eximbank để triển khai cho vay cầm cố, vì thế SJCS cũng hạn chế hơn trong việc hỗ trợ vốn cho NĐT. Tuy nhiên, theo SJCS, trong lúc này, không phải NĐT nào cũng mặn mà với việc sử dụng vốn vay ngân hàng để kinh doanh, vì áp lực lãi suất và rủi ro tăng.
Tương tự tại CTCK Âu Việt (AVSC), trước đây có không dưới 5 ngân hàng liên kết cung ứng hạn mức tín dụng để thông qua Công ty hỗ trợ vốn cho NĐT mở tài khoản tại sàn chứng khoán AVSC, trong đó có cả Agribank, BIDV… Thế nhưng, hiện các ngân hàng này đã tạm ngưng cung ứng vốn cho AVSC triển khai cho vay cầm cố.
Ông Bùi Tấn Tài, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân, Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết, chưa khi nào Ngân hàng ngưng cho vay cầm cố chứng khoán, bởi hạn mức vốn được sử dụng theo quy định 20% vốn điều lệ vẫn còn, nhưng Ngân hàng luôn kiểm soát chặt chất lượng tín dụng. Danh mục cổ phiếu NĐT được cầm cố để vay vốn kinh doanh cổ phiếu phải nằm trong danh mục được ACB lựa chọn, với các mã chứng khoán thanh khoản cao. Lãi suất cho vay cầm cố chứng khoán được ACB áp dụng như lãi suất tín dụng khách hàng cá nhân.
ACBS là đơn vị trực thuộc được ACB cung ứng hạn mức vốn hỗ trợ vốn cho NĐT trong kinh doanh cổ phiếu thông qua hình thức cho vay cầm cố chứng khoán.
Chủ tịch HĐQT CTCK SBS, ông Nguyễn Hồ Nam cũng cho hay, hiện Công ty có liên kết với các định chế tài chính để cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng cho NĐT như: repo, cầm cố, ứng trước tiền mua chứng khoán... Tuy nhiên, quá trình thực hiện việc cung ứng vốn cho NĐT được kiểm soát chặt chẽ bởi Phòng quản lý rủi ro, Khối phân tích, Ủy ban nguồn vốn và Ủy ban quản lý rủi ro để đảm bảo các dịch vụ này an toàn cho Công ty và cả NĐT. Đồng thời, theo đánh giá của ông Nam, khác với trước, hiện NĐT tỏ ra thận trọng hơn trong việc sử dụng vốn vay, vì lãi suất còn cao.
Theo các ngân hàng, cho vay cầm cố chứng khoán cũng như các loại hình tín dụng khác và việc quản lý rủi ro không có gì khác, song đây là sản phẩm tín dụng nằm trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên sẽ hạn chế cung ứng vốn khi TTCK có biến động cũng như nhanh chóng thu hồi nợ vay đến hạn.
Theo đánh giá của ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc SJCS, so với năm trước, hạn mức vốn ngân hàng cung ứng cho các CTCK hỗ trợ NĐT thông qua hình thức cho vay cầm cố có giảm, song không phải vì thế mà NĐT khó tiếp cận vốn vay mà nguyên nhân chính là do tâm lý lo ngại trước biến động của thị trường cũng như áp lực lãi suất thỏa thuận còn ở mức cao. NĐT sẽ phải tính kỹ bài toán có nên sử dụng vốn vay để kinh doanh khi lãi suất vay vốn cao hơn khả năng sinh lãi trong đầu tư.
Vân Linh
Đầu tư chứng khoán
|