Thứ Ba, 25/05/2010 10:12

TTCK qua lăng kính các chỉ tiêu vĩ mô

Trong báo cáo Chiến lược đầu tư trước đây, chúng tôi nhận định rằng, sự tăng trưởng mạnh mẽ của TTCK như năm 2009 sẽ khó lặp lại trong năm 2010, vì DN niêm yết nhìn chung sẽ không đạt mức tăng trưởng ấn tượng như năm 2009, do các yếu tố hỗ trợ đặc biệt thời hậu khủng hoảng giảm dần, kèm theo tình trạng pha loãng EPS với lịch trình tăng vốn của nhiều DN.

Đến thời điểm này, với những diễn biến mới về vĩ mô thế giới và trong nước, đồng thời các công ty niêm yết đã kết thúc mùa ĐHCĐ và công bố kết quả kinh doanh quý I/2010, chúng tôi duy trì quan điểm trên và bổ sung những cập nhật về triển vọng vĩ mô và công ty niêm yết từ nay tới cuối năm.

Các yếu tố vĩ mô chính yếu ảnh hưởng tới thị trường từ nay tới cuối năm

Bất ổn về nợ công tại châu Âu vẫn là một lo ngại. Gói cứu trợ đặc biệt của EU, IMF, ECB là điều kiện cần để ổn định tâm lý trong ngắn hạn, chứ không thể nhanh chóng giải quyết được các vấn đề mang tính cơ bản. Chi tiết để thực hiện cắt giảm thâm hụt ngân sách và nợ công của các nước Nam Âu như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy có thể lấy lại niềm tin trên các thị trường tài chính và tránh được rủi ro suy thoái tại châu Âu hay không, sẽ quyết định đến bối cảnh vĩ mô thế giới trong năm nay. Các diễn biến liên quan đến vấn đề này có thể kéo dài 1 - 2 tháng để nhìn rõ được triển vọng của con đường hồi phục vững chắc trong trung hạn của kinh tế thế giới.

Trong khi kinh tế Mỹ gần đây có những dấu hiệu hồi phục khá cân bằng và Trung Quốc mạnh tay làm nguội sự hồi phục nóng của nền kinh tế, thì bất ổn nợ công của châu Âu làm tăng rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu hơn là rủi ro bất ổn do sự bùng lên của lạm phát, vốn là hệ lụy của chính sách siêu nới lỏng tiền tệ. Do đó, khi áp lực nhập khẩu lạm phát giảm, chúng tôi cho rằng, lạm phát không còn là rủi ro quá lớn để NHNN có thể thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trong vòng 1-2 tháng tới, thanh khoản và tăng trưởng tín dụng có khả năng được nới dần, tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất giảm. Đây là yếu tố thuận lợi, được mong chờ từ lâu cho TTCK.

Kết quả kinh doanh quý I và cập nhật triển vọng của các DN niêm yết

Tổng hợp kết quả kinh doanh quý I/2010 của 161 DN cho thấy:

- Có sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ấn tượng. Với nhóm DN không thuộc ngành tài chính, ngân hàng và bất động sản, tổng doanh thu quý I/2010 tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất - kinh doanh tăng 44% và lợi nhuận sau thuế tăng 57%. Nhóm 2 bao gồm các ngân hàng, công ty tài chính, công ty bảo hiểm và bất động sản có mức tăng lợi nhuận 51%.

- Tỷ suất lợi nhuận được cải thiện. Trong quý I/2010, tỷ suất lợi nhuận gộp là 19,22%, tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động sản xuất - kinh doanh là 11,88%, tỷ suất lợi nhuận sau thuế là 10,5%, trong khi quý I/2009 lần lượt là 19%, 10,94%, 8,82%.

- So với quý I/2009, tới hết quý I/2010, mức độ pha loãng cổ phiếu của các DN trong danh sách là 15%.

Bức tranh kết quả kinh doanh quý I/2010 ấn tượng, đặc biệt là yếu tố lợi nhuận như trên có thể giải thích bởi một số nguyên nhân sau:

- Một là, cơ sở so sánh thấp. Quý I/2009 là giai đoạn đáy của khủng hoảng, hoạt động kinh doanh của các công ty diễn ra rất kém. Trong bối cảnh đó, các biện pháp kích cầu của Chính phủ vừa được bắt đầu, chưa phản ánh các yếu tố hỗ trợ đáng kể vào kết quả kinh doanh trong quý I/2009 và các biện pháp cắt giảm chi phí của DN chỉ thể hiện rõ hơn ở các quý sau đó.

- Hai là, một số DN ghi nhận lợi nhuận không thuộc hoạt động kinh doanh chính trong quý I/2010, như KDC. Đáng chú ý, có DN ghi nhận tăng trưởng cao, nhưng thực tế là so với kế hoạch năm vẫn thấp, như vậy mức tăng trưởng này không phải là yếu tố bất ngờ đối với DN (ABT, AGF, CSM, PVF, SJS).

Căn cứ vào kết quả hoạt động kinh doanh quý I/2010 cũng như những thay đổi về nền kinh tế, thị trường tài chính - chứng khoán, chúng tôi cập nhật và rà soát lại ước tính kết quả hoạt động kinh doanh năm 2010 của 89 công ty và đưa ra một số nhận xét sau:

- Năm 2010, các dự báo về doanh thu, lợi nhuận lạc quan hơn so với thời điểm đầu năm. Cụ thể, dự báo về doanh thu cao hơn 3,6% so với dự báo tại thời điểm đầu năm. Con số này đối với lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh và lợi nhuận thuần lần lượt là 6% và 1,6% (năm 2010, doanh thu sẽ tăng 11,1% và lợi nhuận tăng 19,5% so với năm 2009).

- Yếu tố cơ sở so sánh thấp sẽ không ảnh hưởng mạnh tới triển vọng kinh doanh trong các quý còn lại. Thậm chí ngược lại, bởi điểm nổi bật trong kết quả kinh doanh năm 2009 là lợi nhuận không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính tăng cao (trong đó có hoàn nhập dự phòng tài chính, do TTCK phục hồi mạnh), đồng thời biện pháp kích cầu dần dần có tác dụng, DN cắt giảm chi phí, tiêu thụ của một số ngành bắt đầu tăng mạnh (như vật liệu xây dựng). Như vậy, trên cơ sở so sánh với cùng kỳ năm 2009, bức tranh lợi nhuận các quý còn lại của năm 2010 sẽ khó duy trì mức tăng trưởng cao như quý I, trừ phi TTCK tăng trưởng đột biến.

- Hoạt động tăng vốn của các DN niêm yết và 24 ngân hàng thương mại (từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng) sẽ dồn vào nửa cuối năm, gây áp lực pha loãng cho EPS 2010. Tuy nhiên, khi xét về định giá, sau khi điều chỉnh tăng lợi nhuận dự kiến cho năm 2010, tăng 19,5% so với năm 2009, thì vào ngày 21/5, PE 2010 trung bình của 89 DN trong phạm vi phân tích đã giảm từ 9,55 xuống còn 9 lần, khiến các cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn để đầu tư.

Tóm lại, chúng tôi duy trì quan điểm rằng, ảnh hưởng lớn nhất đối với TTCK năm 2010 là chính sách tiền tệ. TTCK từ giờ tới cuối năm tiếp tục quá trình hồi phục dài hạn và có thể có những đợt dao động tương đối mạnh, tùy thuộc vào diễn biến của chính sách tiền tệ và các yếu tố vĩ mô khác. Mặt bằng lãi suất hạ xuống và lo ngại về vấn đề nợ công của các nước Nam Âu dịu bớt sẽ giúp TTCK có cơ hội hồi phục. Bên cạnh đó, mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2010 của các DN có thể không ấn tượng như năm 2009, nhưng định giá của thị trường đang ở mức hấp dẫn. Đây là điểm thu hút các NĐT nước ngoài, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn, nhưng Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng.

Khối Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK SSI

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Khi “cơn lốc màu xanh” đi qua (25/05/2010)

>   Áp lực vốn cho thị trường (25/05/2010)

>   ITD: Kiến nghị đầu tư thu phí tự động ERP theo hình thức BTO (25/05/2010)

>   CAD dời ĐHĐCĐ tới ngày 28/05 (24/05/2010)

>   Nhiều cổ phiếu đã trở về mức giá rẻ (24/05/2010)

>   Chứng khoán sắp đón sóng mới (24/05/2010)

>   Để hiểu thêm về thành viên độc lập (24/05/2010)

>   Xây dựng cơ chế cổ phần hóa Sở GDCK để tăng tính cạnh tranh (24/05/2010)

>   Thị trường đã đến đáy!? (24/05/2010)

>   Níu chân dòng vốn gián tiếp (24/05/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật