Tây Ban Nha tham gia chiến dịch giảm chi tiêu
Ngày 12/5, Tây Ban Nha đã chính thức tham gia chiến dịch "thắt lưng buộc bụng" của Khu vực đồng euro nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát khủng hoảng nợ trên toàn châu Âu.
Phát biểu trước Quốc hội Tây Ban Nha, Thủ tướng nước này Jose Luis Rodriguez Zapatero khẳng định chính phủ phải thực hiện một nỗ lực khác thường để giảm thâm hụt ngân sách và phải thực hiện nỗ lực này trước khi kinh tế Tây Ban Nha bắt đầu phục hồi.
Theo kế hoạch, Madrid sẽ giảm 5% chi tiêu cho các dịch vụ dân sự trong năm nay, trước khi tạm thời ngừng toàn bộ chi tiêu này trong năm tới. Kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" cũng sẽ giảm chi phí đầu tư, lương hưu và giảm 13.000 việc làm trong khu vực nhà nước.
Tây Ban Nha từng tận hưởng hơn một thập kỷ kinh tế tăng trưởng nhanh, một phần nhờ sự hỗ trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và tỷ giá đồng euro thấp so với các đồng tiền chủ chốt khác. Nước này từ lâu vẫn được đánh giá là có một ngân sách cân bằng và mức nợ công thấp. Tuy nhiên, sự đổ vỡ của thị trường nhà ở trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007-2008 đã tác động xấu đến Tây Ban Nha, khiến kinh tế nước này mất đi sức cạnh tranh trước đây và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt.
Ông Zapatero đưa ra tuyên bố trên sau khi Khu vực đồng euro, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã nhất trí thành lập Quỹ chống khủng hoảng nợ trị giá gần 1.000 tỷ USD để bình ổn giá trị đồng euro, với điều kiện các nước thành viên ghi nhận mức công nợ cao phải cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách nhà nước.
Trước đó, Hy Lạp đã cam kết giảm nợ và thâm hụt ngân sách nhà nước để đổi lấy gói cứu trợ dài hạn 110 tỷ euro từ EU và IMF trong ba năm từ nay đến năm 2012. Chính phủ Bồ Đào Nha cũng đang chuẩn bị công bố một loạt biện pháp "thắt lưng buộc bụng," sau khi chi phí vay mượn của nước này tăng vọt trong tuần trước do hậu quả khủng hoảng nợ ở Hy Lạp.
Cùng ngày, một quan chức cấp cao Hy Lạp yêu cầu giấu tên cho biết nước này đã nhận được 5,5 tỷ euro (6,9 tỷ USD) từ khoản cho vay khẩn cấp mà IMF đã đồng ý giải ngân cho Hy Lạp. Các thủ tục chuyển tiền được thực hiện với sự hợp tác chặt chẽ của IMF và được giám sát nghiêm ngặt. Quan chức này cũng tỏ ý hy vọng Hy Lạp sẽ nhận được 14,5 tỷ euro từ EU vào đầu tuần tới.
Trước đó, ngày 11/5, Hy Lạp đã đề nghị EU và IMF "bơm" 20 tỷ euro đầu tiên trong gói cứu trợ dài hạn EU-IMF dành cho Hy Lạp trong bối cảnh nước này không còn cơ hội vay tiền trên thị trường để trang trải các khoản lãi trái phiếu chính phủ đáo hạn trong tháng này và vài tháng tới.
Như vậy, Hy Lạp đã trở thành nước đầu tiên trong Khu vực đồng euro phải nhận trợ giúp từ IMF trong 11 năm tồn tại của khu vực này.
Vietnam+
|