Thứ Sáu, 07/05/2010 16:20

Kornai János trả lời phỏng vấn tạp chí Kinh Tài

Nan giải việc phân chia niềm vui và nỗi khổ đau

Kỳ cuối: Bài học từ những thành công một nửa

Theo GS Kornai János, chủ nghĩa dân tuý dài hạn, cải cách cưỡng bức, bóp nghẹt tự do tư tưởng và ngạo mạn dân tộc là những điều không thích hợp trong phát triển bền vững.

Kỳ 1: Thế hệ hiện tại hy sinh cho thế hệ tương lai

Kỳ 2: Không có mô hình phát triển bền vững cho tất cả

Một số người nghĩ rằng sự tăng trưởng kinh tế nhanh của Trung Quốc sẽ tự động dẫn chúng ta đến những cải cách hệ thống. Ông nghĩ thế nào về quan điểm này? Những cải cách hệ thống có nhất thiết là sản phẩm phụ của tăng trưởng kinh tế?

Nếu nghiên cứu lịch sử của nhiều nước ở tầm thế kỷ, chúng ta có thể rút ra kết luận: không có mối quan hệ tự động, tất định giữa mức độ phát triển kinh tế và các hình thái chính trị. Càng ít có thể chỉ ra một loại quan hệ nhân quả đơn giản nào đó giữa tốc độ tăng trưởng và mức độ phát triển của đời sống chính trị.

Nước Đức đã thuộc vào hàng các nước công nghiệp phát triển nhất và giàu nhất, khi rơi vào sự thống trị của Hitler và đảng Quốc Xã. Ngược lại, trong một loạt các nước châu Âu đã bắt đầu hình thành nhà nước pháp quyền và nền dân chủ đại nghị khi mức phát triển kinh tế còn thấp hơn hiện nay rất nhiều.

Sở hữu tư nhân, tự do kinh doanh, sự phổ biến của cơ chế thị trường tạo ra các điều kiện thuận lợi cho cải cách chính trị – nhưng không đảm bảo một cách tự động việc thực hiện cải cách chính trị.

Trung Quốc đã đi một quãng đường dài trong những cải cách định hướng thị trường, nhưng các mục tiêu cải cách thị trường của nó vẫn chưa được thực hiện: hệ thống thị trường và sở hữu tư nhân chưa được thiết lập một cách thoả đáng; chính phủ vẫn can thiệp vào công việc của các doanh nghiệp tư nhân; các độc quyền hành chính vẫn chưa bị xoá bỏ. Cùng lúc đó, kiểm soát của chính phủ đã được tăng cường. Theo ông, Trung Quốc phải có những nỗ lực gì để đạt các mục tiêu cải cách thị trường của mình?

Từ Budapest, tôi muốn dè dặt để đừng đưa ra các lời khuyên cho chính sách kinh tế Trung Quốc. Nước các bạn có các nhà kinh tế học xuất sắc, những người hiểu kỹ hoàn cảnh, tình hình chính trị, kinh tế và xã hội – họ có tư cách hơn tôi nhiều để nói cần phải làm gì. Nhiều nhất tôi có thể đưa ra nhận xét của mình về vài vấn đề.

• Theo cảm tưởng của tôi có các vấn đề lớn trong khu vực ngân hàng. Trong bối cảnh khủng hoảng, nhìn từ bên ngoài các ngân hàng Trung Quốc có vẻ vững chắc nhưng không có nghĩa tất cả đều ổn. Các chuyên gia Trung Quốc phải phân tích chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá, cơ cấu các khoản vay, đặc biệt là việc xử lý các khoản nợ xấu với con mắt mở và phê phán.

• Đáng sợ là, giữa sự phát triển có tốc độ rất nhanh này nảy sinh những bất cân đối và thiếu – cân bằng trong nền kinh tế có thể gây ra những rắc rối lớn. Trong khi các chính trị gia kinh tế thúc tăng trưởng GDP càng nhanh càng tốt, họ bỏ qua một số nhiệm vụ phát triển quan trọng, chẳng hạn như xây dựng nhà ở, bảo vệ môi trường, giao thông đô thị, vân vân.

• Sự bất bình đẳng thu nhập đã tăng mạnh ở Trung Quốc. Điều này cũng bất lợi về mặt kinh tế, chưa kể đến việc đúng là nó xúc phạm cảm nhận công lý của người dân. Hiện tượng này sớm muộn có thể trở thành nguồn gốc của những căng thẳng xã hội nghiêm trọng.

• Phải chuẩn bị cho việc thị trường xuất khẩu của Trung Quốc có thể bị thu hẹp. Rồi tiêu dùng cá nhân và xã hội của Trung Quốc càng tăng, khoảng cách giữa chi phí lương của các sản phẩm sản xuất ở Trung Quốc và ở các nước phát triển sẽ càng nhỏ. Cho đến nay Trung Quốc theo đuổi chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và đầu tư. Trung Quốc được chuẩn bị chưa cho việc sửa đổi chiến lược này?

• Để cho nền kinh tế thị trường hiện đại hoạt động suôn sẻ, không thể thiếu nhà nước pháp quyền. Các bước quan trọng đã được tiến hành để hiện đại hoá hệ thống pháp luật, nhưng tôi tin vẫn còn rất nhiều việc phải làm để bảo vệ cả tài sản tư lẫn tài sản công, và để buộc tôn trọng, thực thi các hợp đồng.

Việc liệt kê các vấn đề, những lo âu và những việc cần làm không hề đầy đủ. Tôi thành tâm hy vọng rằng chính sách kinh tế Trung Quốc sẽ tìm được các câu trả lời đúng cho các câu hỏi khó.

Các nhà kinh tế học Trung Quốc nghĩ rằng nếu muốn tiếp tục cải cách, Trung Quốc sẽ phải chịu chi phí nặng hơn. Ông thấy triển vọng cho cải cách của Trung Quốc thế nào?

Trong mỗi nước thành công và thất bại luân phiên lẫn nhau. Đặc biệt quan trọng là, các nước phải rút ra bài học từ những bước thành công một nửa.

• Chủ nghĩa dân tuý trong dài hạn là không thích hợp. Sớm muộn dân chúng cũng đòi truy cứu việc thực hiện các lời hứa được lòng dân nhưng vô trách nhiệm và sẽ quét sạch những kẻ đã theo đuổi chính sách kinh tế nông nổi sang bên lề.

• Việc áp đặt những cải cách cưỡng bức lên dân chúng là không thích hợp. Các cuộc cải cách tỏ ra bền vững là các cuộc cải cách được tranh luận và được sự ủng hộ rộng rãi.

• Bóp nghẹt các quan điểm phê phán chính sách của chính phủ là không thích hợp. Trong nhiều nước Đông Âu các đảng cầm quyền đã thử bóp nghẹt các tiếng nói đối lập, đàn áp các cuộc phản đối, đe doạ những người có chính kiến độc lập. Việc làm này đã có thể tạo trật tự một thời gian ngắn, nhưng sớm muộn vẫn phải khai mở khả năng cạnh tranh giữa các quan điểm, tự do ý kiến.

• Sự ngạo mạn dân tộc chủ nghĩa, sự khoe khoang thành tích là không thích hợp. Thế giới bên ngoài có thiện cảm hơn với các nước tuyên bố: sẵn sàng học hỏi, sẵn sàng thâu nạp và thích ứng theo điều kiện địa phương những kinh nghiệm chính trị và kinh tế nước ngoài đã thành công.

TS Nguyễn Quang A

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   Tác động của tỷ giá tới lạm phát (07/05/2010)

>   LHQ kêu gọi châu Á phục hồi kinh tế hợp lý hơn (06/05/2010)

>   Thế giới cần định hình con đường phát triển mới (06/05/2010)

>   Kinh tế châu Á đang ở vạch xuất phát tăng lãi suất (06/05/2010)

>   Diễn đàn kinh tế châu Phi chú trọng tăng trưởng (06/05/2010)

>   Bi kịch nợ công ở Hy Lạp, vì đâu nên nỗi? (06/05/2010)

>   “Bất ổn chính trị ảnh hưởng đến tăng trưởng KT Thái Lan” (06/05/2010)

>   Thêm tín hiệu chứng tỏ kinh tế Anh hồi phục vững (05/05/2010)

>   IMF: Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe phục hồi nhanh (05/05/2010)

>   Cứu Hy Lạp có thể cứu cả châu Âu (05/05/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật