Kinh tế thế giới chưa ra khỏi khủng hoảng?
Theo nhận định của các nhà kinh tế Trung Quốc, kinh tế thế giới vẫn chưa thực sự thoát khỏi khủng hoảng, dù cho gói cứu trợ cho Hy Lạp mới được phê chuẩn và thị trường vốn đang tăng mạnh.
“Gói cứu trợ cho Hy Lạp là một tin tích cực. Nó sẽ giúp ổn định nền kinh tế khu vực sử dụng đồng Euro, và theo cách nào đó góp phần giảm bớt những rào cản hướng tới sự phục hồi của nền kinh tế thế giới”, Zhuang Jian, một nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) chia sẻ với tờ China Daily.
Mới đây, các nước thành viên khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thông qua gói giải cứu 110 tỷ Euro (tương đương 146 tỷ USD) dành cho Hy Lạp, trong đó Đức đóng góp 30 tỷ USD.
“Gói cứu trợ từ IMF và EU chắc chắn sẽ giúp Hy Lạp tránh được cuộc khủng hoảng nợ công ít nhất là bây giờ, đồng thời giảm bớt những nguy cơ trong tương lai gần về khủng hoảng nợ lan khắp châu Âu. Điều này sẽ gián tiếp triệt tiêu nguy cơ ảnh hưởng tới sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu”, Wang Tao, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng UBS Trung Quốc, cho hay.
Theo chuyên gia Wang, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thực thi các chính sách và thị trường cần câu trả lời chắc chắn xem Hy Lap có thể tiếp tục tự bảo vệ hay không.
Tuy nhiên, Zuo Xiaolei, chuyên gia kinh tế trưởng của China Galaxy Securitites, lại cho rằng gói cứu trợ này là một điều đáng thất vọng, vì những nước giàu như Hy Lạp “tự đào mồ chôn mình” và rồi giờ lại kêu gào cứu trợ từ các nước khác.
Các chuyên gia kinh tế Trung Quốc cũng cho rằng, mặc dù kinh tế Mỹ đã bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn còn tồn tại nguy cơ dẫn tới một cuộc khủng hoảng kép. Theo ông Zuo, bất chấp những phiên tăng điểm gần đây của Phố Wall, các thị trường vốn vẫn chưa có tín hiệu về niềm tin kinh tế thực sự nào.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi thứ đều u ám. “Thậm chí nếu một cuộc khủng hoảng kép thực sự xảy ra, tác động của nó cũng sẽ yếu hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008”, Chen Xingdong, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty BNP Paribas Securities, nhận định.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, nền kinh tế nước này đã đạt mức tăng trưởng 3,2% trong quý đầu năm nay. Đây là quý thứ 3, kinh tế Mỹ có mức tăng trưởng dương.
“Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn các mức tăng trưởng trong năm 2008. Kinh tế Mỹ thiếu những động lực mới để mở rộng trong ngắn hạn”, chuyên gia Chen cho hay.
Xia Yeliang, nhà kinh tế học đến từ trường Đại học Bắc Kinh, cho rằng sự vắng bóng những máy móc công nghiệp mới đã khiến người ta hoài nghi về sự tăng trưởng lâu dài của Mỹ và các nền kinh tế ở châu Âu.
Theo các chuyên gia, các lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật cao từng đóng vai trò chủ chốt trong sự phát triển của kinh tế Mỹ. Nhưng hiện Mỹ đang phải đối mặt với sự thiếu hụt. Quốc gia này sẽ phải mất 2-3 năm để những lĩnh vực công nghiệp mới nổi như năng lượng mới hay công nghệ sinh học thúc đẩy được hoạt động đầu tư.
Tiêu dùng tại Mỹ trong quý 1/2010 đã tăng 3,6%, theo báo cáo của Bộ Thương mại nước này, nhưng các nhà phân tích cho rằng, sự tăng trưởng tiêu dùng sẽ bị hạn chế do thất nghiệp tăng lên, trong khi thu nhập giảm đi.
Mỹ đang từng bước thúc đẩy thương mại theo Sáng kiến xuất khẩu quốc gia mới của Tổng thống Barack Obama. Theo sáng kiến này, Mỹ dự định tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu trong vòng 5 năm tới và tạo ra thêm 2 triệu việc làm.
“Nếu Mỹ muốn xuất khẩu tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn, họ nên cân nhắc lại chiến lược và dỡ bỏ những hạn chế đối với việc xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao”, chuyên gia kinh tế Chen nói.
Ông Zuo Xiaolei cho rằng, Trung Quốc cũng có thể tham dự một phần vào lĩnh vực này.
“Chính phủ Trung Quốc cũng nên nghiên cứu sáng kiến mới của Mỹ và thảo luận với những người đồng nhiệm ở Mỹ về việc những sản phẩm công nghệ cao nào có thể xuất khẩu được sang Trung Quốc… Đây là cơ hội cho cả đôi bên”, ông nói.
Trang Huyền
TBKTVN
|