Quan điểm khác với tin tức
Hãng tin tài chính Bloomberg cuối tuần qua đã phải đưa thông tin đính chính nhận định của CTCK Sài Gòn (SSI) về dự báo liên quan đến tỷ giá - việc làm được coi là vô cùng hiếm với một hãng thông tấn trong hàng ngũ lớn nhất thế giới như Bloomberg. Tạm không đề cập đến trách nhiệm của Bloomberg trong việc đưa tin thiếu chuẩn xác, bài viết muốn chia sẻ một góc nhìn sâu hơn về sự kiện này, qua việc so sánh với những gì đã từng diễn ra trong quá khứ trên thị trường Việt Nam và quốc tế.
Quan điểm hay tin tức?
Trước tiên xin tóm tắt một chút về sự kiện. Ngày 10/5 hãng tin Bloomberg đưa ra một bài báo tựa đề là “Vietnam may devalue dong by 4% to support exports, SSI says” (tạm dịch là “Việt Nam có thể phá giá tiền đồng 4% để hỗ trợ xuất khẩu, SSI nói”). Từ ngày đó, xu hướng tỷ giá USD/VND có biến động tăng lên và một số bài báo trong nước có ý kiến cho rằng, SSI đã đi quá xa và đã “phát ngôn thay Ngân hàng Nhà nước” (NHNN), góp phần gây ra biến động tiêu cực trên thị trường. Tiếp đó, vào ngày 13/5 đại diện của NHNN đã bác bỏ thông tin phá giá 4% và cho biết đã gửi báo cáo lên Chính phủ và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đề nghị có hướng xử lý với phát ngôn làm ảnh hưởng đến diễn biến tỷ giá VND/USD. Nhưng đến ngày 20/5, Hãng tin Bloomberg đã đính chính lại thông tin về nhận định của SSI, thay chữ “phá giá” (“devalue”) bằng chữ “làm yếu đi” hay “để tiền xuống giá” (“weaken”) và bỏ đi con số 4%. Trong việc đưa tin về sự kiện này, một số tờ báo trong nước đã không chú đến chữ “may” (“có thể”) trong các bản tin của Bloomberg (chứ không phải là một từ khẳng định chắc ăn là Việt Nam “sẽ” phá giá tiền đồng). Chữ này có nghĩa là một dự đoán và là một quan điểm, không phải là một tin tức.
Vấn đề đầu tiên cần làm rõ là người tiếp nhận thông tin đang coi thông tin “Việt Nam có thể giảm giá tiền đồng 4%” này là ý kiến dự báo của SSI hay coi đó là một dạng tin tức (tin đồn hay tin nội bộ chẳng hạn)? Trên TTCK nhiều nước, thông tin dự báo trong các báo cáo phân tích có tính cách nêu ý kiến và tư vấn. Bản thân nhiều bộ chỉ dẫn hành xử của các CTCK lẫn các hiệp hội nghề nghiệp (như bộ chỉ dẫn “Research Objectivity Standards” của CFA Institute chẳng hạn) cũng đặt quan tâm nhiều đến vấn đề là trong báo cáo của mình, đối tượng cung cấp cần phân biệt rõ đâu là thông tin thật (fact) và đâu là ý kiến hay quan điểm (opinion) khi đưa các báo cáo cho khách hàng. Vậy nên người tiếp nhận cũng cần phân biệt rõ đâu là tin tức, đâu là ý kiến dự báo của người phân tích.
Khi trả lời kênh truyền hình VTV1, Chủ tịch SSI, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết, cơ sở của các nhận định SSI đưa ra xuất phát từ các dự báo (có ước tính số liệu) về thâm hụt cán cân thương mại và về cán cân tổng thể trong năm 2010 so với năm 2009. Cơ sở đưa các dự báo này được lựa chọn đúng hay sai, ước tính có hợp lý không... là một vấn đề khác. Quan trọng là những điều này cho thấy, đây là quan điểm trên cơ sở một số phân tích của công ty, chứ không phải SSI đưa ra tin tức hay phát ra tín hiệu là đây là tin nội bộ của họ là Việt Nam sẽ phá giá VND 4%. Người nhận thông tin cần phán xét xem quan điểm đó có đúng hay không, các lập luận có hợp lý hay không. Nếu đúng thì tin, không thì không tin.
Một hành xử hợp lý là vài ngày sau thông tin về dự báo tỷ giá của SSI do Bloomberg đăng tải, CTCK Thăng Long đã có những phản biện về vấn đề này. Có ý kiến cho rằng, đây là hành động “phản đòn nhau” của các CTCK, nhưng thực tế, điều này là bình thường ở TTCK nước ngoài. Nhìn từ những diễn biến trên các thị trường quốc tế (sự kiện Hy Lạp gần đây chẳng hạn), không có gì lạ khi các CTCK đưa ra những phân tích (trái ngược nhau), nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của khách hàng khi mà có một thông tin hay dự báo nào được đưa ra có ảnh hưởng đến thị trường.
Nhiều nghiên cứu từ năm 1992 tới nay cho thấy, các nhóm phân tích có thể cạnh tranh nhau trong cách đưa ra các dự báo (dự báo tốt cho công ty, dự báo chính xác hơn về lợi nhuận hoặc đưa ra báo cáo kịp thời khi có tin tức quan trọng...) nhằm giành giật thị phần trong hoạt động hoặc để cạnh tranh về uy tín. Vậy nên chẳng có gì khác thường trong việc một CTCK đưa ra dự báo và một công ty khác thể hiện quan điểm trái ngược lại sau đó. Đây là một thị trường cạnh tranh và phương thức cạnh tranh đó được thừa nhận ở nhiều nước.
Từ nhận định của SSI, nghĩ về nhận định của các tổ chức nước ngoài
Vấn đề thứ hai là nên “xử lý” trường hợp của SSI như thế nào? Gần đây Hy Lạp đang xem xét kiện lại các ngân hàng đầu tư Mỹ vì việc các ngân hàng này dự đoán Hy Lạp sẽ không đủ khả năng trả nợ làm tăng chi phí vay nợ của Hy Lạp và làm nước này khó vay nợ trên thị trường quốc tế. Đề nghị của NHNN với Chính phủ và UBCK rằng, cần “phạt SSI” vì cho rằng, tổ chức này đã góp phần làm thị trường biến động bất lợi cho nền kinh tế cũng có lý lẽ tương tự như vậy.
Nhưng trong bối cảnh hiện nay, thông tin về kinh tế Việt Nam có thể được đăng tải ở báo chí nước ngoài (ví dụ trường hợp Bloomberg lần này) và ảnh hưởng tới quan điểm của nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam. Như vậy, nếu tổ chức nước ngoài đưa ra báo cáo bất lợi cho nền kinh tế và gây ra những biến động lớn trong nền kinh tế thì sao? Liệu chúng ta có kiện hết các tổ chức này hay không?
Chắc hẳn nhà đầu tư chưa quên một số sự kiện liên quan đến các báo cáo ngoại như của HSBC vào giai đoạn cuối 2007 và đầu 2008, trong đó đưa ra dự báo về mức điểm của VN-Index vào cuối năm 2008 và đưa Việt Nam vào danh mục không khuyến nghị đầu tư. Đây là những hoạt động bình thường của một tổ chức đầu tư nước ngoài, vì họ có thang sắp xếp các mục khuyến nghị đầu tư, không đầu tư, mua mạnh vào hay bán mạnh ra. Họ cũng thường đưa ra những dự đoán cụ thể về giá cổ phiếu (price target hay target price) và dự báo lợi nhuận (earnings forecast).
Nhìn ở khía cạnh số liệu vĩ mô, World Bank và IMF hay EIU cũng thường có báo cáo thường kỳ, trong đó có rất nhiều số liệu ước tính về tăng trưởng GDP, cán cân thanh toán, thậm chí là tỷ giá, lãi suất của các nước. Trong quá khứ, cũng có lần Fitch Ratings và Standard & Poor’s hạ hạng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam (chẳng hạn trong năm 2008). Vậy chúng ta có thể kiện bao nhiêu tổ chức nếu một số thông tin này ảnh hưởng bất lợi đến TTCK và nền kinh tế?
Cần một khuôn khổ pháp lý rõ ràng và giám sát hữu hiệu
Việc SSI nêu quan điểm của họ về vấn đề tỷ giá - dù là một vấn đề nhạy cảm, nhưng có lẽ không có lý do gì để xử phạt. Tổ chức Việt Nam nếu không nói thì tổ chức nước ngoài vẫn có thể nói. Mỗi năm chúng ta đều thấy, nhiều tổ chức nước ngoài dự báo GDP của Việt Nam và nếu giả sử một tổ chức dự báo GDP tăng trưởng thật thấp thì tác hại của nó có tệ hơn dự báo tỷ giá không? Nếu báo chí của Việt Nam không đăng những tin “nhạy cảm” như vậy thì báo chí nước ngoài cũng có thể đăng tải. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, thông tin từ hãng tin nước ngoài cũng có thể làm thị trường trong nước bị ảnh hưởng nặng. Tổ chức Việt Nam vốn am tường thị trường và nền kinh tế Việt Nam hơn mà không được đưa ra báo cáo là một tổn thất về chất lượng thông tin trên TTCK và điều này chỉ làm tệ hại hơn vấn đề thông tin bất cân xứng mà thôi. Kết quả là nó sẽ gây tổn hại nhà đầu tư nhiều hơn đem lại lợi ích.
Vấn đề ở đây là cần xây dựng một khuôn khổ pháp lý mà các tổ chức phân tích chứng khoán và kinh tế trong nước phải tuân thủ, như qui định về cơ sở ra báo cáo, qui định về phân biệt rõ giữa quan điểm (khuyến nghị, dự báo) và thông tin đã được xác minh, qui định về tách bạch lợi ích nhà phân tích với hoạt động kinh doanh khác, quy chuẩn nghề nghiệp của nghề phân tích… Quan trọng hơn, cần có những cơ chế giám sát hiệu quả về hoạt động phân tích và cung cấp thông tin, ví dụ không chỉ là giám sát của cơ quan quản lý, mà còn là giám sát của những hiệp hội nghề nghiệp. Nói cách khác, phải có một khuôn khổ chặt chẽ hơn để giúp phân biệt giữa hành vi trục lợi với hành vi đưa ra dự báo trung thực dù dự báo đó có thể không tích cực, thậm chí không có lý. Sự cạnh tranh giữa các CTCK sẽ làm cho những người đưa ra báo cáo không hợp lý bị mất uy tín qua các phản biện của những tổ chức khác.
Thị trường Việt Nam cũng cần có những hỗ trợ tốt hơn cho nhà đầu tư trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin để tránh sự hiểu lầm đáng tiếc, gây biến động bất thường, hay tránh cho nhà đầu tư bị tin đồn khuấy nhiễu. Vai trò này trước hết phải thuộc về CTCK và bộ phận đưa ra báo cáo phân tích trong việc phải giúp nhà đầu tư hiểu rõ thông điệp mình gửi đi, đâu là thông tin phân tích và đâu là những quan điểm, ý kiến dự báo cũng như những cơ sở chính của quan điểm đó.
Cuối cùng, để nâng cao độ chính xác và chất lượng của các dự báo thì cần sự minh bạch hơn nữa thông tin của các công ty niêm yết và thông tin vĩ mô. Nếu nhiều nguồn thông tin nhà phân tích cũng chỉ được biết mù mờ, thậm chí không được phép tiếp cận thì họ làm sao mà dự báo tương đối chính xác được? Liệu Việt Nam có muốn tạo ra một “hiệu ứng chèn lấn” trong công tác dự báo, tức là chỉ có cơ quan nhà nước mới được dự báo vĩ mô? Nếu dự báo trong bối cảnh cơ quan nhà nước có nhiều thông tin hơn mà vẫn sai sót thì ai sẽ chịu trách nhiệm với thị trường?
Hồ Quốc Tuấn, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ, Đại học Manchester, Anh
Đầu tư chứng khoán
|