Niềm tin ngoại
Giới đầu tư nước ngoài đang nhận định rất khả quan về kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thế giới vẫn nhiều lo ngại về khủng hoảng nợ quốc gia ở một số nước châu Âu.
Tại một hội thảo ở Hà Nội, nhà kinh tế học của Barclay Capital, bà Prakriti Sofat cho rằng, kinh tế Việt Nam đang phát triển tốt, hoàn toàn trái ngược với quan điểm bi quan về kinh tế Việt Nam của tổ chức tín nhiệm Fitch Ratings. Bà Prakriti Sofat không đồng tình với Fitch trong việc xếp hạng Việt Nam ở mức BB và nhận định, Việt Nam là một trong các thị trường mới nổi của châu Á có định hướng phát triển kinh tế đúng đắn.
Việt Nam đứng thứ ba trong bảng xếp hạng Chỉ số Lòng tin kinh doanh (TCI) do Ngân hàng HSBC công bố ngày 4/5 sau khi tiến hành khảo sát tại 17 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vị trí này cho thấy, Việt Nam là nơi được giới doanh nhân nước ngoài tin tưởng khi làm ăn tại đây.
Theo bảng xếp hạng TCI, trên thang điểm từ 0-200, Việt Nam được 132 điểm, sau Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (134 điểm) và Ấn Độ (133 điểm), nhưng cao hơn rất nhiều so với các nền kinh tế xếp sau như Hồng Kông hay Singapore (111 điểm), hai trung tâm kinh tế lớn tại châu Á.
Nhìn chung giới đầu tư, kinh doanh nước ngoài đều thừa nhận, Việt Nam đang hấp dẫn giới đầu tư nước ngoài với mức dân số đông 86 triệu người và tỷ lệ tiêu dùng cao, lao động giá rẻ, năng suất cao và môi trường chính trị ổn định. Những tin tức vĩ mô này chắc chắn sẽ hậu thuẫn cho đà tăng điểm của TTCK trong thời gian tới.
Thường có một khoảng thời gian trễ nhất định để nhận định tích cực về kinh tế vĩ mô của giới chuyên môn, nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể tác động đến TTCK. Do các nhà đầu tư đại chúng phải mất một thời gian sau mới nhận ra được những điều mà giới chuyên môn đã nhận biết từ trước nhờ phân tích các yếu tố tài chính tiền tệ. Đó là lý do vì sao các nhà đầu tư nước ngoài thường mua trước và bán trước khi TTCK còn đang tiếp tục đi xuống hoặc tăng lên.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng nhạy cảm với tin tức thế giới hơn nhà đầu tư trong nước, vì thế, việc TTCK thế giới giảm điểm do lo ngại khủng hoảng nợ công cũng làm giảm việc mua ròng của khối nhà đầu tư ngoại, trong khi các nhà đầu tư nội vẫn hăm hở đánh lên các cổ phiếu nhỏ.
Từ đầu năm đến nay, TTCK giao dịch trong bối cảnh khi thị trường trong nước giảm điểm do kinh tế vĩ mô còn chưa ổn định, lạm phát có nguy cơ tăng cao thì TTCK Mỹ và các nước khác tăng vững chắc. Khi kinh tế trong nước ổn định, lạm phát được kiềm chế, tỷ giá được kiểm soát và chứng khoán bắt đầu vào chu kỳ tăng giá mới thì thị trường nước ngoài lại giảm mạnh vì lo ngại khủng hoảng nợ. Chính bối cảnh lúc trong ấm thì ngoại lại chưa êm hoặc ngược lại đã làm kìm hãm đà tăng điểm của thị trường. Nhà đầu tư cần lưu ý, phức tạp của thị trường hiện nay là rủi ro đến từ cả bên trong và bên ngoài và đặc biệt, cần cảnh giác với những biến động của tình hình kinh tế, tài chính thế giới.
Thành Nam
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|