Chạy theo cổ phiếu nhỏ
Trong khi hàng loạt cổ phiếu trụ cột trên thị trường chứng khoán giẫm chân tại chỗ bất chấp kết quả kinh doanh khá tốt, gần đây các cổ phiếu nhỏ (giá thấp và vốn điều lệ ít, thị trường thường gọi là penny-stock) đã thu hút dòng tiền và tăng giá chóng mặt.
Từ đầu tháng 4 đến nay, VN-Index tăng khoảng 10%, HNX-Index tăng hơn 16,6%, nhưng nhiều cổ phiếu nhỏ tăng 100-160%.
Lỗ cũng tăng giá
Trong phiên giao dịch 6-5, cổ phiếu ALP của Công ty CP Alphanam tiếp tục tăng kịch trần (4,71%), đạt 26.700 đồng/cổ phiếu. So với mức giá 12.800 đồng/cổ phiếu vào ngày 8-4, sau 17 phiên tăng điểm, trong đó có 15 phiên tăng trần, đến nay cổ phiếu này đã tăng 108%.
Tương tự, từ ngày 20-4 đến nay, cổ phiếu DIC (Công ty CP Đầu tư và thương mại DIC) tăng trần 10 phiên liên tục. Từ mức giá 20.100 đồng vào ngày 19-4, cổ phiếu DIC chạm mốc 32.300 đồng/cổ phiếu vào ngày 6-5, tăng gần 60,7%.
Ngoài ra còn nhiều cổ phiếu nhỏ tại sàn TP.HCM có mức tăng từ 40-80% trong hơn một tháng qua như PIT (Công ty CP xuất nhập khẩu Petrolimex), ASM (Công ty CP đầu tư và xây dựng Sao Mai An Giang), TNA (Công ty CP thương mại XNK Thiên Nam)...
Mức vốn điều lệ tối thiểu để niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM là 80 tỉ đồng và tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội là 10 tỉ đồng. Tại sàn TP.HCM, số doanh nghiệp có vốn từ 80-200 tỉ đồng chiếm khoảng 20%. Các doanh nghiệp có vốn từ một đến vài ngàn tỉ đồng chiếm khoảng 10%. | Tuy nhiên, tăng “chóng mặt” nhất phải kể đến các cổ phiếu nhỏ tại sàn Hà Nội, có một số cổ phiếu tăng 100-160% trong hơn một tháng qua. Như cổ phiếu PVC (Công ty CP Khoan và dung dịch hóa phẩm dầu khí), PVA (Công ty CP Xây dựng dầu khí Nghệ An), HJS (Công ty CP thủy điện Nậm Mu), CVT (Công ty CP CMC)...
Dẫn đầu trong nhóm này là cổ phiếu PVC, từ 24.100 đồng vào phiên 31-3 tăng lên 63.800 đồng/cổ phiếu trong phiên 6-5, tăng gần 165%.
“Cổ phiếu nhỏ đang được nhà đầu tư săn đón. Họ mua bất kể hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như thế nào” - tổng giám đốc một công ty chứng khoán nói. Cổ phiếu MTG (Công ty CP MT Gas) là một ví dụ. Trong quý 1-2010, doanh nghiệp này thua lỗ gần 720 triệu đồng, theo giải thích của doanh nghiệp là do giá gas biến động thất thường. Nhiều cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp này đã bán cổ phiếu MTG trong thời gian gần đây. Thế nhưng từ đầu tháng 4 đến nay, cổ phiếu này tăng gần 80%.
Vì sao cổ phiếu nhỏ tăng giá?
Kết quả kinh doanh quý 1-2010 đã được một số công ty công bố, trong đó nhiều doanh nghiệp lớn có cổ phiếu giữ vai trò trụ cột trên thị trường, đều đạt kết quả kinh doanh khá tốt. Như cổ phiếu STB (Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín), DPM (Tổng công ty CP Phân bón và hóa chất dầu khí), SSI (Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn)...
Tuy nhiên, dòng tiền đổ vào thị trường thời gian gần đây chỉ dao động quanh mức 2.000-2.500 tỉ đồng, chưa đủ lực để kéo các cổ phiếu trụ cột này tăng giá, nhất là khi số lượng cổ phiếu được giao dịch trên thị trường của những doanh nghiệp này cực lớn.
Trong khi đó, hầu hết các cổ phiếu nhỏ thuộc về các công ty niêm yết tại sàn Hà Nội, có vốn chỉ 10-20 tỉ đồng, vì thế số cổ phiếu lưu thông trên thị trường khá ít. Đây là cơ sở cho một số nhóm nhà đầu tư hay tổ chức đầu cơ làm giá.
“Chỉ cần mươi tỉ đồng, một nhóm nhà đầu tư lớn có thể tạo sóng cho những cổ phiếu này. Nhiều nhà đầu tư nhỏ, chủ yếu là đầu cơ lướt sóng, khi thấy có sóng thì cũng nhảy vào mua, đẩy giá những cổ phiếu này tăng cao” - một chuyên gia nói.
Trong quá trình làm giá, thông tin của những doanh nghiệp này, phần lớn là tin... vịt, cũng được các nhóm đầu tư tăng cường tung lên các diễn đàn, lôi kéo sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư khác.
Ông Lê Thành - một nhà đầu tư lâu năm trên sàn chứng khoán - cho rằng với những cơn sóng cổ phiếu nhỏ, các tổ chức thường thực hiện chiến thuật “gom, xả” từng đợt, tức là đẩy giá lên vài phiên rồi xả ra để ghìm giá, từ đó thu hút thêm những nhà đầu tư mới.
Thanh khoản của những cổ phiếu này phụ thuộc vào động thái của các tổ chức hay nhóm đầu cơ, do vậy mức độ rủi ro khá lớn. Một khi những nhóm đầu cơ này xả hết hàng và rút chạy, những nhà đầu tư đến sau sẽ ôm cổ phiếu với giá đỉnh.
Thị trường từng chứng kiến nhiều đợt sóng cổ phiếu nhỏ, phần lớn những nhà đầu tư nhỏ vào ôm giá đỉnh đều chịu lỗ nặng, muốn cắt lỗ cũng không bán được khi cổ phiếu mất thanh khoản.
Sân chơi của giới lướt sóng
“Chạy theo sóng cổ phiếu nhỏ như chơi dao hai lưỡi, nếu thị trường giảm điểm, nhiều nhà đầu tư sẽ đối mặt với nguy cơ ôm cổ phiếu với giá cao trong dài hạn, khi cổ phiếu mất thanh khoản” - một nhà đầu tư tại sàn chứng khoán Rồng Việt nói.
Theo ông Nguyễn Trí Trung - giám đốc chi nhánh Sài Gòn - VDSC, nhà đầu tư nhỏ, ít thông tin không nên đầu tư vào các cổ phiếu nhỏ vì đây là sân chơi của giới lướt sóng “thiện chiến”. Muốn đầu tư cổ phiếu nhỏ, nhà đầu tư cần phải bám sát và kiểm soát tốt những thông tin thị trường, đặc biệt phải phân tích kỹ những thông tin không chính thức.
Một số chuyên gia cũng khuyến cáo một khi dòng tiền đổ vào thị trường nhiều, các cổ phiếu trụ cột phục hồi, cũng là thời điểm mà các tổ chức hay nhóm đầu cơ quay lưng lại với cổ phiếu nhỏ.
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng với tình hình kinh tế vĩ mô đang ngày càng có nhiều tín hiệu tích cực, chứng khoán được dự báo sẽ là kênh hút vốn mạnh mẽ trong thời gian tới. Các cổ phiếu trụ cột, sau một thời gian dài lình xình, chắc chắn sẽ là tâm điểm của dòng tiền. Khi đó sóng cổ phiếu nhỏ khó có thể duy trì.
Hoài Giang - Hải Nam
TUỔI TRẺ
|