IR chuyên nghiệp: NĐT vẫn phải chờ
Quan hệ nhà đầu tư (IR) là thuật ngữ không mới với lãnh đạo DN niêm yết nói riêng và công ty đại chúng nói chung. Tuy nhiên, làm tốt điều này vẫn là điều không đơn giản, nhất là khi nhiều lãnh đạo DN cho rằng: chuyện lên xuống của giá cổ phiếu không phải là điều quan trọng, mà quan trọng là cách họ điều hành hoạt động DN ra sao.
Trên TTCK, đa phần DN chú ý đến công tác IR ở 2 khía cạnh: công bố báo cáo tài chính (BCTC) định kỳ và công bố thông tin khác mang tính bắt buộc theo quy định. Điều này được giải thích ở hai khía cạnh, trước hết là do thói quen của NĐT, chủ yếu phản ứng trước các thông tin tài chính, đặc biệt là thông tin về kết quả kinh doanh. Thống kê của một CTCK mới đây cho thấy, 80% mã chứng khoán có biến động giá mạnh khi DN công bố BCTC quý I/2010, dù trên thực tế, những thông tin có liên quan đã được không ít DN thông báo từ trước. Nguyên nhân thứ hai, theo đánh giá của giới phân tích, nằm ở khả năng nhìn nhận và đánh giá chưa toàn diện của NĐT về DN. Cụ thể, NĐT hiện tại mới chỉ quan tâm đến việc EPS của cổ phiếu trong 4 quý gần nhất là bao nhiêu hay DN có lợi nhuận đột biến hay không, mà chưa chú ý nhiều đến chất lượng của các khoản thu nhập. Điều này kết hợp với sự kém minh bạch của một số lãnh đạo DN khiến công bố thông tin của DN về các yếu tố liên quan đến hoạt động kinh doanh dừng lại ở mức độ khiêm tốn.
Giám đốc phân tích của một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chia sẻ một trường hợp thú vị. Cách đây gần nửa năm, một DN ngành bất động sản chào sàn được đánh giá là "hot". Vị này liền tiếp cận CTCK, vốn là cổ đông của DN bất động sản (nắm 1 triệu cổ phiếu), đồng thời là đơn vị tư vấn niêm yết, để tìm hiểu thông tin. Sau khi nghiên cứu bản cáo bạch thì thấy, một vài dự án của DN bất động sản được copy nguyên xi từ dự án này sang dự án khác (giống nhau mọi thứ, trừ tên dự án). Thậm chí, giám đốc tư vấn của CTCK còn thật thà rằng, bản thân anh cũng không nắm chắc được hết các dự án của DN đó nằm ở chỗ nào, dù cùng trên địa bàn Hà Nội. Hơn thế, định giá của CTCK nằm ở các con số mà DN đưa ra, chứ công ty chưa có điều kiện để tiếp xúc thực tế và điều chỉnh cho phù hợp.
Có thể nói, "bánh vẽ" trên TTCK không phải là câu chuyện hoang đường. Ngay cả NĐT tổ chức còn chấp nhận, thì các NĐT cá nhân, bảo sao không dễ… cả tin! Đây cũng là một trong những lý do khiến giá cổ phiếu trên TTCK Việt Nam có mức độ biến động thuộc hàng lớn nhất trên thế giới (bên cạnh việc TTCK Việt Nam là thị trường mới nổi).
Một điểm tích cực của việc thực hiện tốt công tác IR là giúp NĐT hiểu rõ hơn về DN, từ đó có cái nhìn chính xác trong các quyết định đầu tư (mua/bán, nắm giữ). Giai đoạn TTCK Việt Nam khủng hoảng (cuối năm 2007 đến đầu năm 2009) cho thấy một vai trò tích cực khác của IR là giúp DN huy động vốn dễ dàng hơn. Nhưng thực tế, nhiều DN vẫn dừng lại ở "biết làm", mà chưa "biết nói"! Trong việc bảo vệ lợi ích của NĐT, với nhiều DN hiện tại là làm sao để DN làm ăn có lãi, chứ không phải ở việc minh bạch thông tin hơn nữa để giúp NĐT tránh mua cổ phiếu với giá quá cao hay bán với giá quá thấp so với mức giá "cân bằng". Chính vì vậy, khi thiếu sự phản hồi chủ động của DN, tin đồn trên TTCK mới có cơ hội phát tác liên tục.
Lãnh đạo một DN ngành cơ điện niêm yết trên HNX đã không công bố hết những tiềm năng của DN vì "chúng tôi không muốn giá cổ phiếu lên cao, sợ các anh em (cổ đông là cán bộ - công nhân viên) sẽ bán hết cổ phiếu, không còn tâm huyết nữa". Bất ngờ hơn vị này tâm sự: "Cứ khi DN có tin tốt, giá cổ phiếu lên thì chúng tôi lại phải tìm cách ra ngay tin xấu để giá giảm!". Tăng lợi ích của cổ đông, đâu chỉ là đảm bảo DN có lãi, mà cần phải làm cả chức năng giúp thị trường định giá cổ phiếu sát hơn với năng lực của DN.
"Tiêu cực" không kém việc DN "ém" tin là khi lãnh đạo DN cho rằng, phải "đánh bóng" cổ phiếu thật tốt, giá tăng thật nhiều, thì mới hoành tráng! Thực tế, một số "bánh vẽ" đã được DN chủ động đưa ra thị trường, với hàng loạt thông tin PR hoành tráng chỉ nhằm mục đích đẩy giá cổ phiếu lên cao.
Theo các chuyên gia, chỉ khi TTCK minh bạch, thông tin thông suốt thì quyền lợi NĐT mới được bảo vệ tốt nhất. Đó cũng là tiền đề giúp TTCK phát triển, giúp DN quảng bá thương hiệu, huy động vốn dễ dàng hơn.
Ông Juerg Vontobel, Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý quỹ VietNam Holding
"Tôi nghĩ rằng, quan hệ NĐT không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin tài chính cho DN, mà còn là việc giúp NĐT đánh giá toàn diện ở các khía cạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh, ban lãnh đạo… Một cổ phiếu của DN tốt cần được quyết định ở cả 3 yếu tố: một là năng lực cạnh tranh trong cung cấp hàng hóa, dịch vụ (như chất lượng hàng hóa tốt đến đâu, khả năng cạnh tranh với đối thủ như thế nào, khả năng đổi mới sản phẩm ra sao, thị phần, chiến lược marketing, phân phối…); hai là đội ngũ ban lãnh đạo tốt; ba là báo cáo tài chính, thông tin minh bạch. Tôi thấy, NĐT Việt Nam vẫn có thói quen phản ứng với thông tin đưa ra trong BCTC công bố định kỳ, nhìn chủ yếu vào con số thu nhập trên mỗi cổ phần, mà chưa chú ý nhiều đến tác động trong tương lai của các thông tin phi tài chính. Chẳng hạn, ở Mỹ, khi thông tin Toyota thu hồi mẫu xe mới thì lập tức giá cổ phiếu của hãng này sụt giảm.
Thời gian qua, VietNam Holding đã tích cực trong việc nâng cao chất lượng quản trị DN, công tác IR… thông qua các hội thảo tổ chức hàng năm. Tôi tin rằng, phát triển IR một cách chuyên nghiệp sẽ là hướng phát triển tất yếu, nhằm tăng cường lợi ích cho cả NĐT, DN và thị trường.
Đầu tư chứng khoán
|