Thứ Năm, 06/05/2010 11:32

Tháng 5, cần dòng tiền mới để thị trường tăng tốc!

Xu hướng chủ đạo của thị trường tháng 5 vẫn là khả năng tăng điểm nhẹ trong điều kiện tổng thể nền kinh tế vĩ mô đang có những điều chỉnh hợp lý, có lợi dài hạn và tâm lý NĐT lạc quan, dòng tiền hiện tại vẫn được duy trì.

Thị trường tháng 5

Các thông tin vĩ mô tháng 5 nhìn chung tiếp tục diễn biến tích cực, đặc biệt từ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Thị trường thế giới đang hồi phục mạnh và vững chắc có tác động tích cực tới tâm lý NĐT trong nước. Sau khi dịch chuyển giữa các mã pennychip và blue-chip, thanh khoản của thị trường vẫn được duy trì tương đối tốt; tuy nhiên, thị trường vẫn cần dòng tiền mới đủ mạnh để tiếp tục đà tăng điểm của tháng 4. Các tín hiệu kỹ thuật cho thấy xu hướng trung và dài hạn của thị trường là đi lên, nhưng ngắn hạn thì vẫn ở trong vùng dao động không rõ xu hướng.

Sau đây là nhận định thị trường tháng 5 dựa trên ba hướng tiếp cận chính: phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật và phân tích dựa trên tâm lý NĐT.

Phân tích cơ bản

Sau các thông tin tích cực về tình hình lạm phát, FDI và đặc biệt từ thị trường lãi suất tháng 4, kinh tế vĩ mô được nhận định tiếp tục xu hướng lạc quan trong tháng 5. Tăng trưởng tín dụng và tín hiệu về thời điểm nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ quyết định đà tăng điểm của thị trường.

CPI tháng 5 nhiều khả năng sẽ được duy trì ở mức thấp - chúng tôi nhận định nằm trong khoảng 0,3% đến 0,4%, tức là cao hơn so với mức 0,14% của tháng 4 do 2 nguyên nhân chính: (i) quyết định điều chỉnh lương cơ bản chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2010 và (ii) áp lực tăng giá xăng dầu. Tăng lương cơ bản không có nhiều tác động tới mặt bằng giá cả do đã sớm được điều chỉnh, đặc biệt ngay trong tháng 1 - 2. Lo ngại lớn nhất là từ khả năng thay đổi giá xăng dầu, khi giá dầu thô đang có dấu hiệu tăng trong khi Chính phủ tiếp tục phải bù lỗ từ ngân sách. Nguyên nhân chủ chốt từ quyết định trợ giá là tránh tác động xấu tới lạm phát tháng 4 trong hoàn cảnh kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc. Tuy nhiên, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng, sử dụng ngân sách và điều chỉnh thuế xăng dầu chỉ là biện pháp ngắn hạn, tạm thời.

Trong tháng 4, lãi suất là chủ đề được thảo luận sôi nổi, nhất là sau khi NHNN có những điều chỉnh hợp lý thả nổi lãi suất huy động, bỏ vai trò của lãi suất cơ bản. Cuối tháng 4, mặt bằng lãi suất huy động dừng ở mức trung bình 11,5% - 12%/năm. Lãi suất cho vay cũng được NHNN tích cực kiểm soát bằng các biện pháp hành chính, phổ biến từ 14% đến 16%. Chiến lược của NHNN là thông qua thị trường mở, bơm tiền vào các ngân hàng thương mại lớn, giảm mặt bằng lãi suất huy động, từ đó lãi suất cho vay cũng giảm theo. Chìa khóa thành công của việc điều chỉnh mặt bằng lãi suất là từ lãi suất huy động và thị trường liên ngân hàng, nhằm đảm bảo lợi nhuận của các ngân hàng nếu lãi suất vay điều chỉnh giảm. Nhược điểm của biện pháp này là cần nhiều thời gian nên theo nhận định của chúng tôi, mặt bằng lãi suất tháng 5 có thể giảm nhẹ hoặc giữ nguyên so với tháng 4.

Sau khi VN-Index tăng 8,6% trong tháng 4, dòng tiền vẫn chưa thực sự thay đổi mạnh do thanh khoản chưa có đột biến so với tháng 3. Chúng tôi nhận định, trong tháng 5, thông tin về tăng trưởng tín dụng đóng vai trò quyết định xu hướng thị trường. Nhìn chung, tăng trưởng tín dụng tháng 5 tương đối khả quan do (i) lạm phát tháng 4 ở mức thấp, đang dần được kiểm soát, cho phép NHNN mạnh tay hơn khi nới lỏng chính sách tiền tệ - thời điểm nới lỏng chính sách tiền tệ có thể xảy ra sớm hơn dự kiến; (ii) mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2010 đang là thách thức lớn nếu không nới lỏng chính sách tiền tệ khi 1/3 thời gian của năm 2010 đã đi qua; (iii) NHNN chủ trương hạ lãi suất huy động, từ đó hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất của DN. Để thực hiện được điều này, cần phải bơm một lượng tiền không nhỏ vào thị trường ngân hàng với lãi suất thấp. Trong các yếu tố vĩ mô, tăng trưởng tín dụng được coi là nhạy cảm nhất đối với TTCK, tác động cả trực tiếp (nguồn vốn vào thị trường tài chính) và gián tiếp (DN tiếp cận vốn mở rộng sản xuất). Với mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát năm 2010, NHNN có thể chưa "bung" tín dụng ngay. Tuy nhiên, TTCK chỉ cần các tín hiệu rõ ràng về khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ để tăng tốc, đón đầu. Rủi ro lớn nhất của tháng 5 là nếu các mã blue-chip đuối sức và dòng tiền mới không xuất hiện, NĐT có thể chốt lời và quay trở lại tìm kiếm các cơ hội pennychip như đã xảy ra đầu tháng 4 - thị trường sẽ đi ngang, thậm chí điều chỉnh giảm.

Mặc dù VND có xu hướng tăng giá trong thời gian gần đây (tỷ giá USD/VND có lúc xuống dưới 19.000), chúng tôi nhận định đây chỉ là xu hướng ngắn hạn và tỷ giá sẽ sớm được điều chỉnh trở lại ngay trong quý II do: (i) VND tăng giá không phải do nội lực của kinh tế Việt Nam mạnh lên hoặc nền kinh tế Mỹ yếu đi tương ứng mà do DN tăng cường tiếp cận vốn vay bằng ngoại tệ (chủ yếu là USD), quy đổi sang VND dẫn đến nhu cầu VND tăng cao ngắn hạn. Khi các khoản vay này đáo hạn, DN sẽ phải mua lại USD từ đó tăng trở lại nguồn cung VND; (ii) kinh tế Mỹ đang phục hồi mạnh, đồng USD được dự báo sẽ mạnh lên tương đối trong năm 2010 sau khi mất giá trung bình 20 - 30% trong thời kỳ khủng hoảng; (iii) nhu cầu tích trữ USD trong nền kinh tế còn rất cao và tỷ giá ở mức 19.000 được coi là ngưỡng tâm lý hấp dẫn; NĐT sẽ tăng cường mua vào, đẩy đồng USD tăng trở lại.

Yếu tố cơ bản khác được NĐT nước ngoài đặc biệt quan tâm gần đây là mức chiết khấu cao của thị trường Việt Nam so với khu vực và thế giới. Trong tháng 4, VN-Index đã tăng trưởng cao hơn hầu hết chỉ số chính, tính từ đầu năm đã vượt quá chỉ số S&P 500. Khi kinh tế vĩ mô ổn định, tỷ lệ chiết khấu 15 - 20% so với các thị trường mới nổi khác tiếp tục đưa Việt Nam trở thành điểm đầu tư hấp dẫn. Thực tế cho thấy, NĐT nước ngoài liên tục mua vào và dư mua từ các mã blue-chip có xu hướng tăng. Theo quan sát thị trường những năm gần đây, VN-Index có xu hướng phụ thuộc chặt chẽ hơn vào thị trường thế giới trong tháng 5 và tháng 6.

Như vậy, dựa trên phân tích cơ bản, thị trường tháng 5 được hỗ trợ cả từ các yếu tố trong và ngoài nước nên xu hướng tăng điểm là chủ đạo, chi phối thị trường.

Phân tích dựa trên tâm lý NĐT

Được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực, tâm lý NĐT tháng 5 diễn biến theo chiều hướng lạc quan hơn và mức độ thận trọng cũng có xu hướng giảm do một số nguyên nhân sau:

- Luồng thông tin tích cực đang dần chiếm ưu thế; rủi ro trong các quyết định đầu tư giảm mạnh. Điều này được thể hiện ngay trong một số phiên điều chỉnh tháng 4, khi lực mua vào bắt đáy tăng tại vùng 520 điểm - như vậy trong tháng 3 và tháng 4, vùng đáy được điều chỉnh theo xu hướng tăng dần;

- Khối ngoại liên tục mua ròng với khối lượng lớn liên tục trong 20 phiên, dư mua áp đảo ngay cả khi thị trường điều chỉnh, hỗ trợ các quyết định mua vào của nhóm NĐT trong nước trung và dài hạn;

- Tâm lý lướt sóng ngắn hạn tuy không giảm nhưng được chuyển dịch sang các mã blue-chip thay vì pennychip, chứng tỏ yếu tố cơ bản được NĐT quan tâm hơn. Yếu tố cơ bản thường được NĐT chú ý khi thị trường có xu hướng tăng trưởng bền vững và NĐT có ý định giữ cổ phiếu dài hạn hơn;

- Tâm lý NĐT toàn cầu tiếp tục hỗ trợ mạnh thị trường trong nước khi đều vượt qua các ngưỡng tâm lý quan trọng (ví dụ: Dow Jones vượt qua mốc 11.000 điểm).

Tuy nhiên, cũng có một số diễn biến tâm lý đáng chú ý khác:

- Sau khi tìm kiếm cơ hội từ các penny và quay trở lại với các mã blue-chip, thị trường cuối tháng 4 vẫn chưa bứt phá, cho thấy tâm lý NĐT vẫn chưa đủ hưng phấn để bước vào giai đoạn tăng tốc;

- Do tâm lý đầu tư ngắn hạn kết hợp với sử dụng đòn bẩy vẫn tiếp tục chi phối, trong trường hợp các chỉ số chính không tăng tốc mà tiếp tục đi ngang, rủi ro có thể xảy ra từ việc chuyển dịch một phần dòng tiền ra khỏi thị trường nếu lợi nhuận của NĐT ngắn hạn không đạt kỳ vọng.

Diễn biến tâm lý NĐT tháng 4 nhìn chung tiếp tục hỗ trợ xu hướng đi lên của VN-Index trong tháng 5. Tuy nhiên, do chưa thực sự hưng phấn và tâm lý chốt lời ngắn hạn có thể tiếp tục được duy trì, biên độ của thị trường sẽ được nới rộng tương đối so với tháng 4 khi các mã blue-chip được quan tâm.

Nguồn: Bloomberg

Phân tích kỹ thuật

Xu hướng thị trường dựa trên phân tích kỹ thuật tháng 5 không thực sự rõ nét như tháng 4. Kết thúc tháng 4, các chỉ số chung dao động ở dải bao giá trên của BBs 26 phân kỳ chứ không thể bứt phá. Điều đáng lo ngại là chưa có dấu hiệu về dòng tiền mới chảy vào để hỗ trợ thị trường. Phân tích kỹ thuật cho thấy xu hướng trung và dài hạn của thị trường là đi lên, nhưng ngắn hạn thì vẫn ở trong vùng dao động không rõ ràng. Thị trường tháng 5 dựa trên phân tích kỹ thuật nảy sinh 2 trường hợp. Trường hợp nào xảy ra chịu sự chi phối mạnh của (i) nguồn tiền mới đổ vào thị trường (phụ thuộc vào chính sách tín dụng) và (ii) khả năng duy trì đà tăng điểm của các mã blue-chip trong một vài phiên giao dịch đầu tháng:

Trường hợp tích cực: Thị trường tháng 5 tiếp tục tích lũy để đi lên về trung và dài hạn. Các chỉ số chung sẽ vượt qua đỉnh của tháng 3 để tiến về đỉnh của tháng 1 - đỉnh cao nhất từ đầu năm đến nay. Trong trường hợp này, chúng tôi kỳ vọng biên độ dao động của tháng 5 là 515 - 550 điểm đối với VN-Index và 165 - 190 điểm đối với HNX-Index.

Trường hợp tiêu cực: Thị trường bứt phá không thành công khi các cổ phiếu hàng đầu không tiếp tục có sự cải thiện về thị giá. Lúc đó, thị trường sẽ chạm vùng đỉnh của tháng 3, sau đó điều chỉnh lùi dần về vùng giá hỗ trợ: 500 điểm đối với VN-Index và 160 điểm đối với HNX-Index. Trong trường hợp này, biên độ dao động của tháng 5 sẽ là 490 - 535 điểm đối với VN-Index và 155 - 185 điểm đối với HNX-Index.

Nhìn chung, xu hướng chủ đạo của thị trường tháng 5 vẫn là khả năng tăng điểm nhẹ trong điều kiện tổng thể nền kinh tế vĩ mô đang có những điều chỉnh hợp lý, có lợi dài hạn và tâm lý NĐT lạc quan, dòng tiền hiện tại vẫn được duy trì. Tuy nhiên, tháng 5 cũng tiềm ẩn nhiều bất ngờ; phụ thuộc chặt chẽ vào dòng tiền mới xuất hiện từ những điều chỉnh của chính sách tiền tệ để có thể tăng tốc. Chúng tôi nhận định, ngưỡng 520 điểm tương đối bền vững và 560 điểm hoàn toàn trong khả năng đi lên của VN-Index; và khuyến nghị NĐT chú ý đến các mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành có tính chất chu kỳ như đã nêu trong Báo cáo chiến lược phân bổ ngành quý II/2010 của SMES.

Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Khối Phân tích - Đầu tưCTCP Chứng khoán SME

Các tin tức khác

>   IR chuyên nghiệp: NĐT vẫn phải chờ (06/05/2010)

>   MAC: Xin ý kiến cổ đông về số liệu BCTC kiểm toán (06/05/2010)

>   Đi tìm điểm tựa cho sự tăng trưởng  (06/05/2010)

>   Chọn lớn hay nhỏ?  (06/05/2010)

>   Vẫn “say” penny stocks (06/05/2010)

>   MTG tăng trần 5 phiên liền do diễn biến chung của thị trường (05/05/2010)

>   Mua bán CK "chui": Khi văn hóa đặt dưới lợi ích (05/05/2010)

>   Gia tăng tài khoản, khối ngoại mua ròng mạnh (05/05/2010)

>   S.D.N. khởi công dự án Le Meridien DaNang Resort & Spa (05/05/2010)

>   DPM mở văn phòng đại diện tại Campuchia (05/05/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật