Thứ Hai, 19/04/2010 11:10

Vinashin: Bài toán khó của PVFC 

PVFC xin giải trình thêm về khoản mục dư nợ tín dụng cung cấp cho Vinashin (tập đoàn Công nghiệp tàu thủy) trong Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2009 - đấy là nội dung chính của bản công bố thông tin 24 giờ được Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC) gửi Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM ngày 30-3-2010. Chuyện gì khiến PVFC phải giải trình và lợi nhuận năm nay của tổng công ty sẽ như thế nào nếu khoản vay trên phải hạch toán nợ quá hạn và trích lập dự phòng rủi ro?

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2009, trang 20, vào ngày 31-12-2009 dư nợ tín dụng mà PVFC đã cấp cho một số công ty của Vinashin lên tới 1.853 tỉ đồng, trong đó 1.305 tỉ đồng là nợ đã quá hạn thanh toán. Bình thường, khoản nợ trên phải được phân loại thành nhóm và trích lập dự phòng rủi ro theo Quyết định 493 ngày 22-4-2005 và Quyết định 18 ngày 25-4-2007 của Ngân hàng Nhà nước.

Nếu PVFC thực hiện theo hai quyết định trên, dư nợ nhóm hai của tổng công ty sẽ giảm đi 339 tỉ đồng (nợ nhóm hai là nợ cần chú ý, tỷ lệ trích lập dự phòng là 5% tổng dư nợ); đồng thời nợ nhóm ba (nợ dưới tiêu chuẩn, trích lập dự phòng 20%) tăng thêm 829 tỉ đồng, nợ nhóm năm (nợ có khả năng mất vốn, trích lập dự phòng 100%) tăng thêm 407 tỉ đồng. Tổng chi phí dự phòng rủi ro sẽ phát sinh thêm là 524 tỉ đồng.

Cả năm 2009 lợi nhuận sau thuế của PVFC được công bố là 506 tỉ đồng. Chỉ cần phải trích thêm khoản dự phòng rủi ro cho nợ quá hạn của Vinashin theo đúng quy định pháp luật, lợi nhuận của tổng công ty âm 18 tỉ đồng, từ lãi chuyển thành lỗ.

Trên thực tế, nợ quá hạn chưa trích lập dự phòng rủi ro, nhưng PVFC đã ghi nhận doanh thu lãi và phải thu lãi tương ứng của các hợp đồng trên tới 91 tỉ đồng. Tổng công ty cũng thông báo sẽ có phương án thu hồi nợ gốc và lãi trong những năm tiếp theo dựa trên chính sách hỗ trợ tài chính của Nhà nước đối với doanh nghiệp.

Vì sao PVFC không trích lập dự phòng rủi ro cho khoản nợ quá hạn của Vinashin? Cơ sở của việc này là văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước về việc “Xem xét khoanh và cơ cấu lại các khoản nợ cũ của Vinashin, chưa đưa vào nợ xấu để tiếp tục cho Vinashin vay vốn để thực hiện các hợp đồng đã ký kết”.

Trong bản công bố thông tin 24 giờ, PVFC giải thích rõ văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước ở đây là Quyết định 1596/QD-TTg ngày 12-10-2009 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thực hiện tái cơ cấu tài chính đối với Vinashin và Văn bản số 357/NHNN-TD.m ngày 17-7-2009 của Ngân hàng Nhà nước về khoanh và cơ cấu lại các khoản nợ cũ của Vinashin.

Vấn đề là ở chỗ trong khi nợ của Vinashin được khoanh và cơ cấu lại, thì các khách hàng khác của PVFC, chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước, lại không được ưu đãi này? Liệu điều đó có công bằng giữa các doanh nghiệp nhà nước với nhau, chưa nói giữa doanh nghiệp quốc doanh và dân doanh? Hơn nữa việc khoanh nợ của Vinashin làm cho việc phân loại nợ của PVFC trở nên phức tạp.

Giả sử cuối năm 2010 Vinashin vẫn chưa trả được nợ cho PVFC, thì khoản nợ có được tiếp tục khoanh không? Nếu Vinashin chưa trả và PVFC không được phép khoanh nợ nữa, thì khoản trích lập dự phòng lẽ ra phải thực hiện năm ngoái sẽ dồn cả sang năm nay, e gánh nặng là quá lớn đối với kết quả hoạt động kinh doanh của tổng công ty.

Tóm lại, dù đã được khoanh, khoản nợ của Vinashin vẫn đang ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của PVFC. Nhìn vào kết quả hoạt động kinh doanh năm 2009, trang 7 của báo cáo tài chính cho thấy thu nhập lãi thuần của tổng công ty chỉ có 18,5 tỉ đồng, giảm rất mạnh so với mức 587 tỉ đồng của năm 2008.

Trong đại hội cổ đông mới đây, PVFC đã thảo luận việc bán bớt 18% vốn điều lệ, tương đương 90 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Singapore và chuẩn bị niêm yết trên thị trường chứng khoán nước này. Từ đầu năm 2009, trao đổi với TBKTSG, ông Tống Quốc Trường, khi ấy là Tổng giám đốc của PVFC nói rằng tổng công ty đã trả giá để trở nên minh bạch. Động thái bán bớt cổ phần và niêm yết ở Singapore là một trong những bước đi để tiến tới sự minh bạch cần phải có. Thế nhưng liệu các nhà đầu tư nước ngoài sẽ cân nhắc như thế nào khi xem xét khoản nợ đang được “treo” của Vinashin ở PVFC?

PVFC là một định chế tài chính lớn, quy mô ngang ngửa một ngân hàng cổ phần tầm cỡ với vốn điều lệ 5.000 tỉ đồng và hàng năm được nhận hàng ngàn tỉ đồng vốn ủy thác đầu tư từ tập đoàn Dầu khí quốc gia (theo trang 29, báo cáo tài chính 2009, chỉ riêng năm 2009 PVFC nhận ủy thác đầu tư từ PetroVietnam 5.863 tỉ đồng). Lợi thế này không ngân hàng Việt Nam nào có được. Tuy nhiên nhìn vào hiệu quả kinh doanh, thì PVFC chưa thể sánh ngang hàng với các ngân hàng đang niêm yết trên sàn.

Trong khi chỉ số EPS (lợi nhuận trên cổ phiếu) của các ngân hàng dao động quanh mức 2.000 - 4.000 đồng/cổ phiếu, thì EPS của PVFC năm 2009 chỉ xấp xỉ 1.000 đồng/cổ phiếu. Tính ra chỉ số P/E của PVFC đang ở mức gần 30 lần, so với mức trung bình 10-12 lần của các ngân hàng. Đó có phải là mức P/E hấp dẫn để đầu tư vào cổ phiếu PVFC, nhất là năm nay tổng công ty đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận khá khiêm tốn 490 tỉ đồng, còn thấp hơn cả lợi nhuận năm ngoái.

Hải Lý

TBKTSG online

Các tin tức khác

>   Chứng khoán vẫn chờ cú hích (19/04/2010)

>   Quỹ VFA đã bắt đầu giải ngân (19/04/2010)

>   HSI “lấn sân” qua lĩnh vực bất động sản (19/04/2010)

>   Gỡ rối cho đại hội cổ đông (18/04/2010)

>   SC5 sẽ sớm lấy ý kiến phát hành trái phiếu chuyển đổi (17/04/2010)

>   SCIC “sửa” phương án phát hành cp cho CBCNV của SSC (17/04/2010)

>   VietstockTrader ra mắt công chúng thành công (17/04/2010)

>   Sẽ tịch thu lợi nhuận từ gian lận chứng khoán (17/04/2010)

>   Vinamilk nhập bò sữa giống từ New Zealand  (17/04/2010)

>   Áp lực về cơ chế giám sát (16/04/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật