Chứng khoán vẫn chờ cú hích
Những nỗ lực kéo dài suốt nửa đầu tháng 4.2010 cũng đem lại kết quả, dù khá khiêm tốn: VN-Index vượt thành công mức kháng cự 520 điểm. Thanh khoản hai tuần vừa qua liên tục duy trì trên 18.000 tỉ đồng/tuần cả hai sàn, cho thấy dòng tiền vẫn đang vận động một cách tích cực.
Thiếu lực với kết quả kinh doanh quý I
Vì sao chứng khoán đi lên chậm chạp và thời gian tích lũy kéo dài quá lâu là câu hỏi lớn nhất của thị trường lúc này. Giới đầu tư lúc này cho rằng những tác động từ bên ngoài không còn mạnh, thậm chí đang bị lãng quên. Yếu tố nội tại như kết quả kinh doanh của DN và đặc biệt là những thông tin vĩ mô như lạm phát và chính sách tiền tệ đóng vai trò quyết định.
Hiện tại khá nhiều DN đã bắt đầu “túc tắc” công bố kết quả kinh doanh quý I/2010. Nhìn chung các số liệu đều khá tốt. Một số DN lãi cao, chiếm tới trên 20% kế hoạch cả năm. Dù vậy những biến động trên thị trường vẫn chưa ủng hộ một khả năng đột biến. Đa số phân tích của các CTCK đều cho rằng chừng nào dòng tiền vẫn còn mải mê “kiếm ăn” ở các CP đầu cơ thì động lực bứt phá vẫn chưa có.
Theo các NĐT chuyên lướt sóng, tình trạng thị trường hiện tại là không có xu hướng vì sự phân tán trong chiến thuật. Đầu cơ trong một thị trường có xu hướng rõ ràng bao giờ cũng dễ vì đa số mua là thắng.
“Nhưng hiện tại một bộ phận lớn NĐT chấp nhận nằm im, kể cả người đã đầy cổ hay người giữ tiền vì đối với những NĐT chưa nhiều kinh nghiệm, lợi nhuận đang thấp hơn rủi ro” - một NĐT nhận xét. Chỉ nhìn thoáng qua về biến động giá từ đầu tháng đến nay có thể thấy nếu lựa chọn CP không đúng, khả năng bị chôn vốn hoặc lỗ rất cao, trong khi cơ hội kiếm lợi nhuận lại nằm ở những mã rất rủi ro.
“Ngay cả những CP có kết quả kinh doanh tốt cũng không lên được mấy, trong khi các CP có tin xấu lại tăng giá tốt. Điều này không có gì là phi lý cả vì thị trường hiện tại chủ yếu là dòng vốn đầu cơ vận động. CP tốt nhưng thị trường chung chưa tốt thì chỉ phù hợp với mục đích mua dài hạn. Nhưng mua dài hạn thì giá khó tăng vì NĐT có thời gian lựa chọn giá” - trưởng bộ phận tự doanh ở một CTCK phân tích.
Điều thú vị là dòng vốn đầu cơ này không chỉ đến từ NĐT cá nhân mà chính các tổ chức như CTCK, các quỹ đầu tư cũng tham gia. Liên tiếp từ cuối tháng 3 đến nay, rất nhiều quỹ đăng ký cùng mua, cùng bán một số loại CP nhất định.
“Qua rồi cái thời quỹ mua và nắm giữ vài tháng hay cả năm trời. Chiến thuật giao dịch năng động mà thực chất là đầu cơ ngắn được thực hiện trên diện rộng. Ngay các CTCK cũng phải tính bỏ một phần vốn ra để lướt sóng hằng ngày. Với chiến thuật này thì kết quả kinh doanh hay tin tốt chỉ là yếu tố hỗ trợ ngắn hạn” - nhân viên tự doanh này cho biết.
Kỳ vọng mặt bằng lãi suất mới
Vậy tình trạng lình sình chung này sẽ kéo dài đến bao giờ? Ngay cả những chuyên viên phân tích sành sỏi ở các CTCK, vốn chỉ tư vấn cho khách hàng tổ chức, cũng tỏ ra bối rối trước câu hỏi này. “Nói chung không ai lại cố đi đoán tương lai thị trường lúc này. Khi mọi người đều chọn chiến thuật đầu cơ thì muốn có lợi nhuận phải chấp nhận rủi ro. Nếu lo sợ thì đứng ngoài”.
Thế nhưng đã 4 tháng nay, thị trường chưa có một con sóng nào có xu hướng theo đúng nghĩa vì mức tăng mạnh nhất cũng chỉ 11-12%. Điều gì khiến thị trường lo ngại và thiếu sự đồng thuận cho một khả năng tăng trưởng rõ rệt?
Theo phân tích của các CTCK thì vấn đề trọng tâm lúc này vẫn là tín hiệu trên thị trường tiền tệ. Tuần qua nhiều NH đã bắt đầu trả lại mức lãi suất huy động thực tế vượt mức 10,5%. Điều này không mới, nhưng điều mà thị trường chờ đợi là khi nào mặt bằng lãi suất ổn định và giảm trở lại.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng của CTCK VinaSecurities, các NH có thể đua tăng lãi suất huy động lên tới 12%-13%/năm, nhưng sau đó sẽ hạ xuống và duy trì ở mức 10-11%/năm. Điều này có thể tạo chênh lệch lãi suất kinh doanh khoảng 2-3%, tương đương lãi suất cho vay 13-14%.
NHNN hiện tại vẫn đang nỗ lực hạ mặt bằng lãi suất cho vay xuống để kích thích tăng trưởng. Hoạt động thị trường mở từ tháng 4 đã tăng lên hai phiên một ngày. Theo số liệu của NHNN, hiện tại các tổ chức tín dụng nắm giữ khoảng 140 ngàn tỉ đồng giấy tờ có giá, rất thuận lợi cho việc hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất. Thậm chí sắp tới, trái phiếu địa phương cũng có thể được xem xét tham gia thị trường mở thì nguồn vốn sẽ lớn hơn nữa. Trong ba phiên giao dịch mua giấy tờ có giá kỳ hạn 7 ngày hồi cuối tuần qua, lãi suất chỉ còn 7%/năm, từ mức 7,5% trước đó.
Trong tuần tới, thị trường sẽ bắt đầu đón nhận những thông tin quan trọng như mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4. Mức tăng CPI theo tháng cùng kỳ năm ngoái là 0,35%. Nếu mức tăng tháng 2.2010 đã đạt đỉnh thì CPI tháng này được kỳ vọng dưới mức 0,5% là tích cực. Giai đoạn tích lũy vẫn đang diễn ra, nhưng các nguồn tiền vẫn chờ một “điểm nổ” nào đó để tham gia khi bức tranh triển vọng vĩ mô rõ ràng hơn.
Hoàng Nguyên
lao động
|