Sẽ tịch thu lợi nhuận từ gian lận chứng khoán
Đang xây dựng cơ sở pháp lý để tiến tới tịch thu các khoản lợi bất chính có được do gian lận trong giao dịch chứng khoán, ông Vũ Bằng - chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước - cho biết khi trao đổi với Tuổi Trẻ.
Ông nói:
- Không những gia tăng về số lượng, các hành vi gian lận trong giao dịch chứng khoán cũng tinh vi và phức tạp hơn, trong đó có những hành vi vi phạm mà pháp luật hiện nay chưa bao quát hết được.
Vấn đề tài khoản ủy quyền là một ví dụ. Hiện đang tồn tại phổ biến các tài khoản của người này nhưng lại ủy quyền cho người kia giao dịch. Một nhà đầu tư nhờ nhiều người khác mở tài khoản sau đó ủy quyền lại cho họ giao dịch. Lợi dụng các tài khoản ủy quyền, các đối tượng này đã thực hiện hành vi thao túng giá. Nhiều trường hợp chồng bán, vợ mua hay ngược lại. Nhà đầu tư có thể sử dụng tài khoản ủy quyền mua ở tài khoản này, bán ở tài khoản kia để tung hứng giá một cổ phiếu nào đó.
Đã có ý kiến cho rằng nên cấm cho ủy quyền để hạn chế gian lận. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng không thể cấm vì có nhiều trường hợp nhà đầu tư vì nhiều lý do không thể giao dịch, phải ủy quyền cho người khác...
* Các vi phạm không chỉ tinh vi mà ngày càng táo tợn hơn như việc chào mua công khai nhưng sau đó lại bán cổ phiếu, phải chăng do luật pháp còn nhiều kẽ hở để bị lợi dụng?
- Câu chuyện này cũng đặt ra nhiều vấn đề cho cơ quan quản lý. Trước đây, khi xây dựng quy chế chào mua công khai, chúng tôi cũng muốn đưa vào một số điều kiện ràng buộc để hạn chế hiện tượng lợi dụng thông tin này để làm giá cổ phiếu. Chẳng hạn, khi chào mua công khai, nhà đầu tư bắt buộc phải có tiền trong tài khoản. Tuy nhiên, khi đưa ra lấy ý kiến thì nhiều chuyên gia cho rằng không nên quá gắt gao. Hơn nữa, nhà đầu tư cũng dễ dàng đáp ứng điều kiện này, và họ vẫn có thể thực hiện hành vi tung tin làm giá nếu đã có mưu đồ trục lợi.
Sau một số vụ vi phạm bị phát hiện, chúng tôi đã yêu cầu các sở giao dịch chứng khoán phải tập trung theo dõi chặt chẽ hơn các vụ chào mua công khai. Khi một cá nhân hay tổ chức công bố chào mua công khai một cổ phiếu nào đó, các cơ quan chức năng sẽ theo dõi các động thái xoay quanh cổ phiếu này trước, trong và sau thời điểm thực hiện mua công khai này. Ngoài ra, cũng sẽ công bố cụ thể rằng yêu cầu chào mua công khai này chưa được chấp thuận.
Cũng có ý kiến cho rằng không nên công bố thông tin hoạt động chào mua công khai khi chưa được chấp thuận. Tuy nhiên quan điểm của chúng tôi là phải công khai minh bạch mọi thông tin, hạn chế tình trạng một vài cá nhân hay tổ chức liên quan nắm được thông tin này để thực hiện các hành vi giao dịch nội gián.
* Biện pháp chế tài chưa đủ sức răn đe, với mức xử phạt quá thấp, có phải là lý do, thưa ông?
- Mức xử phạt hành chính hiện nay quá thấp, tối đa chỉ 70 triệu đồng. Tới đây có nâng lên thì cũng chỉ 500 triệu đồng. Với một số vụ gian lận, nguồn lợi bất chính thu được rất lớn, mức xử phạt này không thấm vào đâu nên mức độ răn đe không như mong đợi.
Thế nhưng, việc xử phạt hành chính phải tuân thủ theo quy định của pháp lệnh xử phạt hành chính, khung tối đa bao nhiêu thì áp dụng bấy nhiêu. Trước đây, khi tham gia xây dựng nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, chúng tôi từng đề xuất nên đưa ra mức xử phạt cao hơn, nhưng các bộ ngành không đồng ý vì cho rằng không thể vượt khung của pháp lệnh xử phạt hành chính.
* Tại sao chúng ta không có những chế tài khác, thay vì để nhà đầu tư sẽ phải “sống chung” với các hành vi gian lận trên thị trường chứng khoán?
- Các vụ thao túng giá hay giao dịch nội gián... trên thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ được xử lý nặng tay hơn trong thời gian tới. Ngoài các biện pháp hành chính đang được áp dụng, chúng tôi cũng gấp rút xây dựng quy chế xử lý đối với các khoản thu lợi bất chính, trong đó có đưa vào biện pháp tịch thu toàn bộ khoản lợi nhuận từ các vụ vi phạm. Mặc dù đã tổ chức tổng kết hoàn chỉnh dự thảo, nhưng vẫn chưa thể trình Bộ Tài chính ban hành, do còn nhiều vấn đề phức tạp cần được bổ sung. Như chỉ riêng việc xác định ngày mua, ngày bán của đối tượng vi phạm cũng đã khó. Chưa kể nếu một đối tượng có hành vi làm giá nhưng chưa kịp bán cổ phiếu thì xử lý thế nào...
Không ít vụ vi phạm thời gian qua, khi được bộ phận thanh tra làm việc và công bố các dấu hiệu, phần lớn đối tượng nằm trong diện nghi vấn đều nhận sai phạm vì mức phạt không nhiều. Tới đây, khi áp dụng biện pháp tịch thu toàn bộ khoản lợi nhuận được xem là bất chính do các hành vi gian lận đem lại, chắc chắn các đối tượng này sẽ không dễ dàng nhận sai phạm, vì vậy cơ quan chức năng phải có đầy đủ bằng chứng.
Tại nhiều thị trường chứng khoán quốc tế, việc điều tra các vụ giao dịch nội gián có khi mất 1-2 năm. Khi điều tra, cán bộ thanh tra của họ có thể phối hợp với ngân hàng để xác định đường đi của đồng tiền. Trong khi đó, thanh tra chứng khoán chúng ta hiện nay chưa thể làm được việc này do chưa có cơ chế. Hiện chúng tôi đang cử đoàn cán bộ nghiên cứu các quy định tại một số thị trường chứng khoán phát triển về vấn đề này. Vấn đề như tài khoản ủy quyền cũng đang được nghiên cứu kinh nghiệm các nước, đặc biệt là biện pháp giám sát giao dịch của những tài khoản này...]
Một số vụ gian lận chứng khoán gần đây
* Ông Trần Thái Hưng, cổ đông nắm giữ 3,38% số cổ phiếu HCT (Công ty CP Thương mại dịch vụ vận tải ximăng Hải Phòng), bán cổ phiếu sau khi chào mua công khai 450.000 cổ phiếu HCT.
* Ông Hoàng Minh Hướng (Đức Hòa, Long An) và bà Quách Thị Nga (Q.1, TP.HCM) thao túng giá cổ phiếu SQC của Công ty CP Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn.
* Bà Nguyễn Kim Phượng - cổ đông lớn của Công ty CP Vật tư và vận tải ximăng (VTV) - bán toàn bộ cổ phiếu VTV đang nắm giữ sau khi công bố chào mua công khai 1,3 triệu cổ phiếu VTV.
* Bà Đào Thị Kiều - cổ đông nội bộ Công ty CP Tập đoàn khoáng sản Hamico (KSH) - cùng bà Nguyễn Thị Nhung và ông Nguyễn Văn Giống có hành vi giao dịch nội gián cổ phiếu KSH. |
Hải Đăng
TUỔI TRẺ
|